Trung Đông tiếp nhận không hạn chế lao động Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 30/1, trong buổi hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar - ngài Sheikh Hamad Al đã khẳng định, quốc gia Trung Đông này sẵn sàng tiếp nhận 60.000 lao động Việt Nam…

“Cánh cửa” cho lao động Việt Nam vào Trung Đông như đã “mở toang”.  Đây là nhận định của ông Đặng Như Lợi, phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, sau chuyến khảo sát Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE cuối tháng 1/2007 vừa qua.

Cơ hội tốt cho người lao động

Theo đánh giá của ông Lợi, làm việc tại Trung Đông, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cái lợi: “lương khá cao (thu nhâp bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn làm việc ở Malaysia, Đài Loan), người lao động lại không phải đóng bất kể khoản thuế nào…”.

Hiện đã có khoảng 5.000 lao động là kĩ sư, công nhân Việt Nam (VN) đang làm việc tại Qatar (thu nhập bình quân đầu người lên tới 44.000 USD/người/năm). Họ chính là những người đang góp công sức, mồ hôi để xây dựng lên những toà nhà cao ngất làm thay đổi Doha trong nay mai.

Tổng lãnh sự quán VN tại Dubai, ông Phan Văn Thắng cho biết: Hiện riêng ở UAE có khoảng 5.000 lao động VN, trong khoảng trên 3 triệu lao động ngoài nước (chiếm đến 90% tổng lực lượng lao động của UAE).

Theo ông Thắng, từ nay đến năm 2010, UAE sẽ tập trung xây dựng rất nhiều các công trình xây dựng lớn, đồ sộ, qui mô nhất thế giới. Chính vì thế nhu cầu về lao động ngoài nước là rất lớn. Năm 1997, một số lao động VN đã có mặt tại UAE, đến năm 2004 cũng chỉ có trên 750 người và nay cũng đã gần 5.000 người.

Nếu tính cả khoảng 5.000 lao động VN bên nước láng giềng Qatar thì hiện ở Trung Đông cũng có trên, dưới 10.000 lao động VN. Ông Nguyễn Xuân Vui - Giám đốc trung tâm xuất khẩu lao động Airserco (Tổng công ty Hàng không VN) - một doanh nghiệp đưa lao động sang Trung Đông nhiều nhất hiện nay - cho rằng, “10.000 lao động VN tại Trung Đông quá nhỏ nhoi, ít ỏi so với nhu cầu của bạn và so với các quốc ca đưa lao động đến Trung Đông thì ta cũng quá ít (Ấn Độ có gần một triệu lao động đang làm việc tại riêng UAE. Còn Philippin là trên 300.000 lao động).

Theo ông Vui, “đối tác đánh giá rất cao lao động VN. Họ luôn mở cửa, sẵn sang tiếp nhận không hạn chế lao động VN, nhưng hiện ta vẫn chưa đáp ứng được”.

Vài cái khó

Theo Tổng lãnh sự quán VN tại Dubai - ông Phan Văn Thắng - thì hiện đã có trên 15 DN xuất khẩu lao động VN đưa lao động tới Trung Đông, nhưng mới chỉ có duy nhất Airserco đặt văn phòng đại diện tại đây.

Ông Thắng nhấn mạnh: Tiềm năng thị trường Trung Đông là rất lớn. Họ có thể tiếp nhận không hạn chế lao động VN. Muốn làm ăn lâu dài, đưa được nhiều lao động thì ngoài việc các DN phải gấp rút mở văn phòng đại diện, các cơ quan chức năng trong nước cũng nên sớm tính đến việc thành lập Ban quản lý lao động VN tại Trung Đông.

Quả là một thị trường rộng lớn như Qatar (có thể nhận đến 60.000 lao động VN) mà đến nay chưa có một cơ quan đại diện quản lý nhà nước về lao động ở đó là rất nguy hiểm.

Trong những trường hợp rủi ro hoặc phát sinh hợp đồng, người lao động chỉ còn biết trông chờ vào đại diện DN ở nước bạn, song cho đến nay cũng mới chỉ duy nhất Airserco mở văn phòng đại diện (một phần do chi phí mở văn phòng đại diện ở Doha rất lớn).

Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp người lao động ở Qatar đình công vì mâu thuẫn hợp đồng, song không có ai đứng ra giải quyết, dẫn đến hàng chục lao động phải về nước hồi cuối năm 2006 vừa qua.

An Hạ - Hương Ly