Thị trường Smart TV: Hơn thua nhau ở kho nội dung phong phú
Những năm gần đây, người tiêu dùng đang ngày càng chủ động hơn trong việc thưởng thức các nội dung trên TV. Thay vì bị giới hạn trong các chương trình truyền hình thông thường, người tiêu dùng còn muốn tiếp cận và trải nghiệm nhiều hơn kho ứng dụng của Smart TV.
Chính nhu cầu này đã tạo ra xu hướng cạnh tranh mới giữa các nhà sản xuất TV: cạnh tranh nhau ở kho nội dung số đi kèm thiết bị.
Người dùng ưa chuộng trải nghiệm các ứng dụng TV
Theo báo cáo nghiên cứu của Yume (một tổ chức hàng đầu của Châu Âu cung cấp các giải pháp truyền thông quảng cáo thương hiệu kỹ thuật số) về xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ vào tháng 12/2013 cho thấy, thói quen của người tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn: Thay vì lướt web bằng những dụng cụ kết nối với Internet thông thường thì ngày nay người dùng lại tỏ ra thích thú hơn khi thực hiện những tương tác đó trực tiếp trên các ứng dụng được lắp đặt sẵn trong chiếc Smart TV tại nhà. Bên cạnh việc theo dõi tin tức, xem phim trực tuyến, người tiêu dùng ngày nay còn thích thú với việc thưởng thức và trải nghiệm các ứng dụng học tập, nấu nướng, nghe nhạc, giải trí, các trò chơi và truy cập mạng xã hội như Facebook, Skype... trên Smart TV.
Nhà sản xuất chuyển sang đầu tư phát triển kho ứng dụng
Chính sức hút của kho ứng dụng trên Smart TV đối với người tiêu dùng đã đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng chung của thị trường Smart TV. Theo báo cáo từ Gfk thì chỉ riêng năm 2011, số lượng Smart TV bán ra đã đạt mức tăng trưởng lên đến 125% so với năm 2010, kết quả năm 2012 còn khả quan hơn với tỉ lệ tăng trưởng 178%. Trong đó, theo Gfk đánh giá, Samsung có tốc độ tăng trưởng vượt xa mức trung bình và cao hơn nhiều so với các đối thủ.
Đồng thời những con số này cho thấy thị trường Smart TV sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong vòng ít nhất 5 năm tới, đủ hấp dẫn các nhà sản xuất thúc đẩy kế hoạch đầu tư mới để đẩy mạnh thị phần. Điều này dẫn đến bài toán tạo “lợi thế cạnh tranh” đường dài giữa các hãng sản xuất đang có sự dịch chuyển từ công nghệ nghe nhìn và thiết kế sang phát triển nội dung số đi kèm thiết bị, vừa đáp ứng nhu cầu người dùng, vừa tăng sức cạnh tranh của thương hiệu. Trong đó, một trong những xuất phát điểm mà các hãng nhắm đến là xây dựng và phát triển bền vững một hệ sinh thái cho nền tảng Smart TV của riêng mình.
Hệ sinh thái cho Smart TV có thể hiểu nôm na chính là một “cộng đồng” kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất thiết bị, người sử dụng và nhà phát triển nội dung ứng dụng cùng nhau tồn tại và phát triển vì một mục tiêu chung là phát triển nội dung. Trong đó, mọi người cùng nhau “vận động” và thúc đẩy sự phát triển không ngừng của kho ứng dụng trên Smart TV; từ đó, mỗi bên sẽ đạt được những mục tiêu và lợi ích của riêng mình về thương mại và xây dựng thương hiệu.
Hy vọng khởi sắc cho thị trường ứng dụng TV tại Việt Nam
Một trong những nhà sản xuất TV đã tiên phong triển khai kế hoạch xây dựng hệ sinh thái cho Smart TV chính là Samsung. Vào tháng 6/2013 vừa qua, Samsung đã chính thức công bố kế hoạch xây dựng hệ sinh thái đầu tiên cho Smart TV tại Việt Nam nhằm phục vu nhu cầu của người tiêu dùng Việt. Động thái này hứa hẹn sẽ là một cú hích tích cực cho sức tăng trưởng của thị trường ứng dụng TV tại Việt Nam nói chung và kho ứng dụng TV của Samsung nói riêng, góp phần làm phong phú thêm kho ứng dụng TV hiện tại của Samsung (với 2.700 ứng dụng toàn cầu và 40 ứng dụng thuần Việt).
Cũng trong khuôn khổ kế hoạch đó, Samsung còn mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác phát triển ứng dụng và đối tác cung cấp nội dung trên nền tảng Smart TV của mình tại Việt Nam. Hãng cũng đồng hành cùng mLab tổ chức cuộc thi “Sáng tạo ứng dụng cho Tivi thông minh” (chi tiết xem tại www.tvapp.mlab.vn) và tổ chức các buổi tập huấn dành cho các đối tác phát triển ứng dụng và lập trình viên Việt Nam về cách sử dụng bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) của Samsung Smart TV, qua đó khuyến khích họ sáng tạo ra nhiều ứng dụng hay cho người dùng Việt Nam.
Bằng việc xây dựng hệ sinh thái dành riêng cho Smart TV của Samsung, cùng với chính sách phát triển đối tác theo hướng “đôi bên cùng có lợi”, trong tương lai kho ứng dụng TV phong phú của Samsung chắc chắn sẽ là “vũ khí cạnh tranh mới” của hãng trong cuộc chạy đua phát triển nội dung cho Smart TV. Điều này còn góp phần đưa nền tảng Smart TV của Samsung trở thành một kênh truyền thông hiệu quả cho các đối tác phát triển nội dung, góp phần làm giàu kho nội dung số của Việt Nam.
Q. Phương