Tết Tân Mão không sợ tăng giá

Cứ vào dịp cuối năm, thị trường tiêu dùng lại lên cơn sốt giá, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Vì vậy, việc UBND TP tổ chức, kêu gọi, quán xuyến các doanh nghiệp thực hiện Chương trình bình ổn đã góp phần không nhỏ hạ sốt thị trường và người tiêu dùng cũng bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền “đến hẹn lại lên”.

Tết Tân Mão không sợ tăng giá - 1

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, người tiêu dùng năm nay đã tranh thủ mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là đường cát trắng, để dự trù cho thời gian sắp tới.
 
Theo số liệu tổng kết của Sở Công Thương TPHCM, đến nay, giá đường tại các chợ có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 21.000 đồng/kg, cao hơn mức giá bình ổn là 3.000 đồng) do chưa vào vụ mía đường nhưng các mặt hàng bánh kẹo, mứt.. phục vụ tết tân mão 2011 đã rục rịch vào “vụ”.

Tết Tân Mão không sợ tăng giá - 2

Cần hiểu rằng, dù đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguyên liệu nhưng các doanh nghiệp đường vẫn giữ vững cam kết. Sản lượng đường thế giới thiếu hụt, các nhà máy đường trong nước cũng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong khi cao điểm sản xuất bánh kẹo cuối năm đang đến gần.  Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước đang ngày càng tăng lên. Lượng đường các nhà máy bán ra trong khoảng một tháng nay là 75.300 tấn, cao hơn cùng kỳ các năm trước đến 28.800 tấn. Theo phân tích của một số nhà máy, do thời điểm cùng kỳ năm ngoái có lượng đường nhập khẩu bổ sung, còn năm nay giá đường nhập khẩu cao hơn trong nước nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm dù đã được cấp quota nhập khẩu nhưng vẫn mua đường trong nước để sử dụng và tích trữ, dẫn đến giá đường tăng cao.
 
Hiện nay, đường tinh luyện (RE) bán buôn tại các nhà máy ở mức 18.500 - 18.800 đồng/kg, đường RS từ 17.300 - 17.800 đồng/kg. Như vậy, giá đường tăng 27% so với cùng kỳ năm 2009 và tăng 3,2% so với đầu năm. (Theo Thanhnienonline).
 
4 doanh nghiệp bình ổn đường luôn ở thế chủ động vì họ đã có kế hoạch tạo nguồn hàng dồi dào với trữ lượng dự trữ khoảng 11.050 tấn, tăng 35% so với nhu cầu tiêu dùng bình quân của người dân thành phố là 8.200 tấn/tháng (Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM).
 
Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh nhóm 8 mặt hàng bình ổn (như đường, dầu ăn, gạo, thịt heo, trứng gia cầm, rau củ ....) trong 4 tháng tham gia bình ổn thị trường, đã luôn giữ được giá bán ra ổn định, bằng hoặc thấp hơn so với giá doanh nghiệp đã đăng ký.

Tết Tân Mão không sợ tăng giá - 3

Để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho dịp tết, 14 doanh nghiệp bình ổn đều có kế hoạch chuẩn bị tạo nguồn hàng từ tháng 6.2010 và có lượng tạo nguồn bằng hoặc cao hơn so với lượng được thành phố giao thực hiện bình ổn.
 
Ngoài ra, Hưởng ứng tháng khuyến mại, một số đơn vị chủ động hạ giá bán từ 5% đến 30% như:
 
+ Đường Thành Thành Công: giảm giá từ 3% đến 5% (từ 17.600đ/kg - 17.100đ/kg) tại các hệ thống siêu thị
 
+ Trứng Ba Huân, Thực phẩm chế biến Cầu Tre, Vĩnh Thành Đạt: giảm từ 5% đến 30% (tùy mặt hàng) tại hệ thống cửa hàng của đơn vị.
 
Chương trình bình ổn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng , sức mua cũng tăng đáng kể, thể hiện qua số lượng hàng bình ổn bán trong tháng 9 đã tăng rõ rệt (20-30% so với tháng 8-2010). Chẳng hạn như mặt hàng đường cát, dù theo kế hoạch được giao là 200 tấn nhưng thực bán 560 tấn. Trong khi đó, tháng 8 chỉ bán được 450 tấn.
 
Kế hoạch triển khai bình ổn từ nay đến Tết Tân Mão vẫn được các doanh nghiệp cam kết, thực hiện giữ giá bán sản phẩm ổn định đến tháng 3.2011, giá bán bình ổn thấp hơn 10% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường và cung cấp đủ nguồn hàng theo nhu cầu tiêu dùng của thành phố.
 
Ngọc Linh