Quảng Trị: Tái cơ cấu nông nghiệp, nhân rộng nhiều cây trồng giá trị kinh tế cao
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Trị đang tập trung phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực theo hướng bền vững, thông qua xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm có giá trị kinh tế cao.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các giải pháp nhằm tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, một trong những bước đột phá là từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tích cực kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và cả nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Với cách làm này đã mở ra hướng đi thích hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trồng dưa lưới công nghệ cao trên cát
Được đánh giá còn nhiều mới lạ so với tập quán canh tác của người dân địa phương, song mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa lưới trên vùng cát của anh Dương Quốc Vinh (ở thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh), đang phát huy hiệu quả.
Mô hình này được sự đầu tư hỗ trợ của Tập đoàn Nhật Bản và tỉnh Quảng Trị với số tiền 1,3 tỷ đồng. Dưa lưới được trồng theo công nghệ Nhật Bản, sử dụng giá thể bằng đất cát; các chất dinh dưỡng và nước tưới được pha chế theo tỷ lệ nhất định đưa qua hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nhằm đảm bảo cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Anh Dương Quốc Vinh cho biết, gia đình anh bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2018, diện tích 500 m2, trồng 800 gốc. Trong thời gian thực hiện, được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa lưới theo công nghệ cao, cách phòng trừ sâu bệnh không sử dụng đến thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo cho ra sản phẩm an toàn.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng tốt hướng dẫn, mô hình dưa lưới của anh Vinh phát triển tốt, cho ra quả đồng đều. Theo anh Vinh, giá mỗi kg dưa lưới trên thị trường khoảng 50-70 nghìn đồng.
Tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, mô hình dưa lưới trong nhà màng của chàng trai trẻ Lê Văn Vượng (SN 1994), cũng phát huy hiệu quả ban đầu. Đây là mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ đầu tiên tại Vĩnh Linh, được hình thành tháng 7/2017, với diện tích hơn 2.000 m2.
Số tiền để đầu tư xây dựng mô hình gần 1 tỷ đồng, trong đó huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 300 triệu đồng. Bên trong nhà màng, Vượng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống phun sương cho cây trồng.
Tại vùng cát các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh hiện địa phương đang áp dụng mô hình trồng cây dứa trên cát. Ông Nguyễn Xuân Phương – Phó Phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh cho biết, địa phương đã trồng 7 ha cây dứa. Đây là mô hình liên kết, đơn vị đầu tư cung ứng giống và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân khi thu hoạch.
Trồng cây dược liệu giá trị cao
Bên cạnh các cây trồng chủ lực, tỉnh Quảng Trị đang chú trọng phát triển các loại cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn trong tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh. Loại cây này được xác định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao với những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt được người tiêu dùng lựa chọn.
Cây dược liệu được trồng và nhân rộng tại huyện Cam Lộ từ 2 năm qua. Theo ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, thực hiện đề án “Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh”, địa phương đã thay đổi, áp dụng một số loại cây trồng có giá trị kinh tế. Trong đó, xác định cây dược liệu là một loại cây chủ lực, có lợi thế phù hợp với yêu cầu của thị trường, định hướng phát triển.
“Hiện địa phương đang trồng nhân rộng nhiều loại cây dược liệu: chè vằng, nghệ, cà gai leo, ngưu tất… Sau thời gian triển khai, các loại cây dược liệu đã phát huy hiệu quả kinh tế so với cây truyền thống. Đặc biệt, các sản phẩm chè vằng, tinh nghệ, cà gai leo bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập khá cho người dân”, ông Thanh khẳng định.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ, hiện toàn huyện có khoảng hơn 110 ha cây dược liệu các loại, như: gần 100 ha nghệ vàng tập trung các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành; 3-4 ha chè vằng ở Cam Nghĩa; 10 ha cà gai leo ở Cam Tuyền; 3 ha ngưu tất; 0,5 ha đại hoàng…
Đặc biệt, tại huyện Cam Lộ hiện nay đã có làng nghề truyền thống ở làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa nổi tiếng bởi các loại cao dược liệu. Hiện nay ở làng Định Sơn có khoảng trên 80 hộ làm nghề nấu cao dược liệu với quy mô lớn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hằng trăm lao động trong vùng.
Theo ông Lê Văn Thanh, mục tiêu của địa phương là xây dựng được những sản phẩm có giá trị cao, tập trung chỉ đạo, đầu tư cả về nguồn lực, nhân lực và vật lực để tập trung chuyển đổi, thay đổi những cây trồng truyền thống; quy hoạch lại vùng sản xuất cũng như có các chính sách đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất. Qua đó, tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, sản phẩm chủ lực. Đồng thời, góp phần nâng cao khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo hướng tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị gia trăng trên sản phẩm, đẩy mạnh khả năng cạnh tranh hàng hóa cũng như xuất khẩu góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân.
Nhân rộng sản xuất lúa hữu cơ
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, địa phương chú trọng phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực gồm: Cà phê Arabica, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và dược liệu, cây gỗ rừng trồng; 2 con chủ lực gồm bò và tôm nuôi.
Thời gian qua, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị phối hợp với doanh nghiệp và các hợp tác xã thực hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, tỉnh Quảng Trị gieo trồng gần 26 ngàn ha lúa, trong đó hơn 70% lúa chất lượng cao. Năng suất trung bình đạt gần 58 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu đạt 44 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất thu lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất lúa thông thường hàng chục triệu đồng/ha.
Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị đang tập trung nhiều nguồn lực, huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định bộ sản phẩm chủ lực của địa phương có lợi thế cạnh tranh, tiến hành rà soát quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và thủy lợi, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh và các HTX, Tổ hợp tác đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch.
Đăng Đức