1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những mảnh da lợn nuôi sống những người dân nghèo

Đất ruộng đã bán hết cho những khu công nghiệp, không còn đất cày cấy, những người dân của thôn Bình Lương (xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) chỉ biết trông chờ vào nghề làm bì, cái nghề đã nuôi sống hàng chục hộ dân ở nơi đây hơn 30 năm nay.

Nghề nuôi sống cả làng

Có mặt tại thôn Bình Lương vào buổi sáng sớm, khung cảnh yên bình, nhẹ nhàng của thôn quê khiến chúng tôi cảm thấy khá thoải mái. Khác với những làng quê trồng lúa, ở đây là trước mỗi căn nhà của người dân, đều có sự xuất hiện của những mảnh da lợn được phơi trên giàn. Ít ai biết được rằng, chính những mảnh da đó đã nuôi sống những người dân nghèo nơi đây.

Thôn Bình Lương, xã Tân Quang (Văn Lâm – Hưng Yên) cũng chính là nơi cung cấp bì cho cả thị trường Hà Nội và những tỉnh lân cận, thậm chí còn đi xuất khẩu sang nước ngoài. Chị Phương Thanh – chủ một cơ sở sản xuất bì cho hay, bì sợi để lên thành phẩm nem chua, nem chạo, nem ngọt phải yêu cầu tươi ngon, đạt tiêu chuẩn vệ sinh khi sơ chế thì mới lên được sản phẩm đạt yêu cầu.

Bì lợn hay còn gọi là da lợn là một loại thực phẩm có rất nhiều công dụng như làm nem, làm bóng bì hoặc cũng có thể làm thuốc, mĩ phẩm, thậm chí người ta có thể dùng bì lợn làm keo. Nhờ có sự sáng tạo trong sản xuất, những người dân ở thôn Bình Lương từ khó khăn đã trở nên khấm khá hơn. Thậm chí còn có nhiều hộ gia đình phất lên từ chính nghề tay trái này. Có thể nói rằng, cho đến tận bây giờ những người dân thôn Bình Lương đã coi nghề làm bì lợn là nghề chính của mình.

Việc thu mua bì lợn cho đến khi sản xuất ra bì sợi, bóng bì là cả một quá trình lao động dài, mất rất nhiều thời gian. Chị Thanh cho biết: “Bì lợn được thu mua khắp nơi, nhưng chủ yếu là từ những người bán thịt lợn ở ngoài chợ. Vì đây là hàng không hiếm, nhưng không phải lúc nào cũng có nhiều, nên phải rất vất vả, mất công mới mua đủ số lượng cần thiết được…”.

thu-mpg-still002-8df18

Sau quá trình vất vả là thu mua, bì lợn sẽ được rửa sạch, rồi sau đó được phân loại để chế biến. Bì lợn chất lượng phải có độ dày tương đối. Loại bì này sẽ được các cơ sở sản xuất sử dụng làm bóng bì, nem chua, nem ngọt. Với những loại da phụ phẩm khác, sẽ được làm keo. Tuy vậy, không phải bao giờ người ta cũng mua được loại da lợn ngon, thế nên việc sản xuất cũng không hề dễ dàng. “Trong 100 con lợn, cũng chỉ được khoảng độ chục con là có da đẹp, ngon, thế nên việc mua được loại da chất lượng cũng phải có kỹ năng và may mắn…” – Chị Thanh chia sẻ.

Được biết, cứ 3kg bì tươi sẽ cho ra khoảng 1kg bì khô. Bì sau khi rửa sạch sẽ được lọc mỡ. Mỡ được rán trên một cái bếp lò to, chảo để rán cũng là loại đặc biệt. Sau khi rán xong, phụ phẩm sẽ được gom lại để làm thức ăn cho cá. Còn mỡ sẽ được bán cho những người làm quẩy hoặc dùng trong gia đình.

Mặc dù là làng nghề tự phát, nhưng hầu như những hộ gia đình làm bì sợi ở đây đều có giấy phép kinh doanh và đều được trải qua những lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói về điều này, ông Đỗ Huy Cót – trưởng thôn Bình Lương cho biết : “Trước đây khi chưa có những lớp tập huấn, chúng tôi còn tờ mờ về vệ sinh an toàn thực phẩm nên còn có những thiếu sót trong khâu đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng từ khi được trung tâm y tế huyện Văn Lâm phổ biến, cũng như các cơ quan chức năng nhắc nhở, các hộ gia đình sản xuất bì trong thôn đã có ý thức hơn rất nhiều. Chúng tôi được tham dự các lớp tập huấn về VSATTP, rồi được cấp giấy chứng nhận. Điều đó khiến bà con rất vui…”.

Nói về nguyện vọng của mình, ông Cót cũng như những người dân ở đây rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục phổ biến các lớp về VSATPT, đảm bảo cho việc sản xuất cũng như hoạt động kinh doanh ở những hộ gia đình của thôn. Đối với họ, nghề làm bì sợi, bóng bì đã trở thành một nghề nuôi sống cả gia đình, thậm chí từ lâu những người dân ở đây còn coi nó là nghề truyền thống của cả thôn.

cac-mon-tu-bi-47657

Việc sản xuất bì sợi từ da lợn không tránh khỏi những vấn đề về VSATPT. Nhận thức được điều này, những người dân nơi đây đã tự nâng cao ý thức trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, cải thiện công nghệ sản xuất, chế biến. Trước đây, rất nhiều phương tiện truyền thông đã đăng tải những thông tin về vấn đề VSATTP trong việc sản xuất bóng bì, không chỉ ở thôn Bình Lương mà còn rất nhiều nơi khác.

Những hình ảnh đó đã khiến những hộ sản xuất ở đây không khỏi suy nghĩ, trăn trở. Anh Lê Duy Lâm – chủ cơ sở sản xuất bì có tiếng tại thôn Bình Lương cho biết: “Trước kia, khi các phương tiện truyền thông, báo chí phản ánh nhiều về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định làm nghề lâu dài với số lượng hàng lớn, những người sản xuất như chúng tôi đã cố gắng thay đổi, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đây là nghề nuôi sống cả gia đình, thế nên chúng tôi không thể bỏ được mà phải làm tốt hơn…”.

Ông Nguyễn Huy Lập, chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, thôn Bình Lương đã có 30 năm làm bì. Người dân sống được với nghề, thậm chí còn có gia đình trở nên khá giả nhờ xuất khẩu bì, bán bóng, mỡ nước và tóp mỡ. Những năm gần đây, khi đất ruộng bán hết cho các nhà máy, thì cuộc sống của họ càng trở nên phụ thuộc vào nghề này.

Mỗi dịp giáp Tết, bì sợi hay bóng bì là mặt hàng bán rất chạy, cũng là thời điểm những người dân ở đây vất vả hơn để sản xuất. Hàng ngày, những người dân ở đây phải làm việc từ sáng cho tới tối để đảm bảo đủ số lượng bóng bì phục vụ nhu cầu của thị trường. Cũng trong thời điểm này, các cơ quan chức năng đều đi kiểm tra VSATTP của những hộ sản xuất ở đây một cách bất ngờ và gắt gao hơn, thế nhưng việc vi phạm và xử phạt là không có. Ông Cót chia sẻ: “Chúng tôi rất đồng ý việc kiểm tra bất ngờ của các cơ quan chức năng, vì như thế các hộ gia đình luôn phải giữ cho mình yếu tố vệ sinh lên hàng đầu, đảm bảo chất lượng sản xuất, uy tín của cả thôn…”.

Trong cái nắng gắt đầu mùa thu tháng 8, những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt những người làm bì trong xưởng. Người dân thôn Bình Lương luôn nói về nghề với một sự tự hào đáng trân trọng. Đối với họ, làm bì không chỉ còn là nghề, mà là bát cơm, manh áo nuôi sống những người dân nơi đây hơn mấy chục năm nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm