Hội thảo xúc tiến thương mại vào Liên bang Nga

Ngày 31/10, tại thành phố Mátxcơva sẽ diễn ra hội thảo xúc tiến thương mại vào thị trường Liên bang Nga. Tại Hội thảo, những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga sẽ được đưa ra thảo luận.

Hội thảo xúc tiến thương mại vào Liên bang Nga - 1

Hội thảo do Đại Sứ Quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao), Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV và Công ty INCENTRA phối hợp tổ chức.


Tham gia hội thảo có hàng trăm doanh nghiệp đến từ Việt Nam, doanh nghiệp của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, cũng như các tiểu thương kinh doanh tại thị trường Nga.


Tại Hội thảo, những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga sẽ được đưa ra thảo luận.


Nước Nga có tổng dân số trên 140 triệu người, là một trong 8 nền kinh tế lớn trên thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội đạt 1.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 12.000 USD/năm. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga những mặt hàng phục vụ tiêu dùng như: gạo, thủy hải sản, giày dép, may mặc, đồ gỗ và nhập khẩu từ Nga những mặt hàng phục vụ sản xuất như: xăng dầu, sắt thép, phân bón. Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD.

Dự kiến hai nước sẽ đạt kim ngạch thương mại khoảng 3 tỷ USD vào năm 2013 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng như: dầu mỏ, khí đốt, chế tạo máy, hiện các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ của Nga như hàng tiêu dùng, may mặc đòi hỏi nhiều nhân công chủ yếu đều nhập từ nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho các công ty, doanh nghiệp Việt Nam vốn có thế mạnh về các mặt hàng này. Bên cạnh đó, Nga là cửa ngõ quan trọng của thị trường Đông Âu, khi đã xây dựng được uy tín với thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Đông Âu.

Hội thảo xúc tiến thương mại vào Liên bang Nga - 2

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thì thị trường Nga tuy tiềm năng nhưng hiện cũng tồn tại không ít khó khăn. Trong đó, những khó khăn lớn nhất là thủ tục thanh toán không thuận lợi, thiếu hụt thông tin thị trường…


Theo
ông Kardo Sysoev Alexander thuộc Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, xét trên mặt bằng chung, hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là chủng loại hàng hoá còn nghèo nàn. Đa phần hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có mặt tại các thành phố lớn, chứ chưa thực sự thâm nhập được vào các địa phương khác của Nga. Có một thực tế là các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến việc mở văn phòng đại diện, showroom trưng bày hàng hóa tại thị trường này. Không trực tiếp tiếp xúc với thị trường, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội thường xuyên theo dõi nắm vững những biến đổi và nhu cầu người tiêu dùng để kịp thời có những điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Điều đó cũng lý giải vì sao hầu hết các tập đoàn, công ty lớn đều có văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Ngoài việc có thể trực tiếp quản lý và giám sát hệ thống phân phối cho hàng hóa của mình, các văn phòng đại diện này còn có chức năng nghiên cứu phân tích thị trường, tiến hành các chiến dịch quảng cáo, tham gia triển lãm, kiểm tra, phân định thị trường, theo dõi tiến độ thực hiện hợp đồng của các đối tác.

Một vướng mắc nữa của các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga là hệ thống phân phối hàng hóa của Nga vẫn chưa thực sự phát triển. Để đưa được hàng hóa đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp phải thông qua rất nhiều nhà phân phối khác nhau. Không kể những rủi ro về uy tín, hiệu quả, độ bền vững và ổn định của nhà phân phối thì việc phụ thuộc vào nhà phân phối trong khi doanh nghiệp không có điều kiện sâu sát thị trường cũng sẽ tạo ra không ít mạo hiểm cho bản thân doanh nghiệp.


Nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa Việt Nam và LB Nga, theo thỏa thuận giữa hai thành phố Hà Nội và Mátxcơva, Trung tâm văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn “Hà Nội – Mátxcơva” đang được khẩn trương xây dựng và dự kiến hoàn thành vào quý II/2013. Sau khi đi vào sử dụng, công trình sẽ là cầu nối doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga. Đây là một tổ hợp thương mại, căn hộ, khách sạn sang trọng, hiện đại, bao gồm hơn 32.000 m2 mặt sàn làm nơi trưng bày, triển lãm hàng hóa và trên 82.000 m2 với hơn 1000 phòng tiêu chuẩn được chia thành gần 700 căn hộ.


Tại hội thảo, công ty Incentra sẽ giới thiệu tới các đại biểu dự án này và các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa vào Liên bang Nga. Hiện Incentra đang tiến hành cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng mở văn phòng đại diện, làm showroom trưng bày, giới thiệu hàng hóa trực tiếp tới khách hàng. Đặc biệt, ngoài việc cho thuê, chủ đầu tư dự án còn dành một số diện tích để bán cho các doanh nghiệp có nhu cầu.


Để biết thêm thông tin về hội thảo, có thể liên hệ tại Việt Nam: Mrs Bích Thu, số điện thoại +84 988 069 399 và tại Mátxcơva: Mr Hồng Lĩnh, số điện thoại + 7 962 970 33 99

Vũ Văn Tiến