Cua đồng rởm, đá bẩn: Đủ trò gian dối hại người

Đá sạch, nước tinh khiết làm từ nước giếng, trộn bùn biến cua nuôi thành cua đồng,... là những thông tin thị trường được dư luận quan tâm tuần qua.

Sản xuất “đá sạch” từ nước giếng

 

Ngày 6/6/2013, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm TP.Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại cơ sở sản xuất đá sạch Ngọc Hường (số 85 đường Trung Văn, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội).
 
Cua đồng rởm, đá bẩn: Đủ trò gian dối hại người

 

Cụ thể, nền xưởng sản xuất bẩn, túi nylon đóng gói đá viên thành phẩm để đầy trên mặt ghế và chậu bụi bẩn, rải dưới nền xưởng. Toàn bộ công nhân không có trang phục bảo hộ. Theo các nhân viên, cơ sở sử dụng nguồn nước giếng khoan để sản xuất đá viên. Cơ sở này đã hoạt động hơn 1 năm nay, mỗi ngày hè sản xuất 7-8 tấn đá viên. Đoàn kiểm tra đã tạm thời đình chỉ sản xuất, kinh doanh của cơ sở Ngọc Hường.

 

Ngoài ra, qua kiểm tra một sở sản xuất nước đóng bình tại đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cơ quan chức năng đã phát hiện nước đóng bình ở đây chỉ là nước giếng khoan được xử lý qua hệ thống hết sức sơ sài. Công nhân sản xuất không hề có trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Thậm chí, ngay cả những chủ cơ sở sản xuất nước đóng bình, nước tinh khiết cũng hoàn toàn mù tịt về quy trình sản xuất.

 

Trộn bùn vào cua nuôi thành cua đồng

 

Nắm được tâm lý của người mua thích cua đồng, nhiều người bán đã trộn bùn đất vào cua nuôi để cua trông lấm lem như vừa được móc ở ngoài đồng. Không những thế, để củng cố lòng tin của người tiêu dùng, người bán còn tạo độ hiếm bằng cách vài ngày mới bán một lần bởi nếu bán hàng ngày người mua sẽ không tin đó là cua đồng thật. Sử dụng mánh khóe này, một số người buôn cua ở Hà Nội đã dễ dàng đánh lừa các bà nội trợ.
 
Cua đồng rởm, đá bẩn: Đủ trò gian dối hại người

 

Cua được trộn bùn được bán với giá cao và đắt hàng hơn hẳn so với cua thường. “Cua đồng” loại này thường được bán với giá 15.000 đồng/lạng, tương đương 150.000đồng/kg trong khi cua thường được bán với giá 130.000-140.000đồng/kg.

 

Bơm nước vào thịt lợn trước khi mổ

 

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau khi kiểm tra lò mổ của ông Nguyễn Quốc Tuấn (ấp Tân Bữu, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) đã bắt quả tang cơ sở ông này tổ chức bơm nước vào lợn hơi trước khi mổ. Chiều 6/6/2013, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương điều tra, làm rõ sự việc và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

  

Theo ông Tiệp, việc bơm nước vào lợn hơi trước khi mổ khó có thể đảm bảo được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bởi việc bơm nước sẽ phá vỡ cơ cấu của thớ thịt, tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển. Ông Tiệp khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn thịt, cần để ý và lựa chọn kỹ càng sản phẩm có màu sắc tươi khác thường, không nên mua thịt lợn không rõ nguồn gốc.

 

Nước lau sàn gỗ chứa vi sinh vật gây hại

 

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ngày 6/6/2013 đã ra thông báo về vụ việc thu hồi sản phẩm nước lau sàn gỗ SOFIX Parquet 3 in 1 của Henkel dung tích 1.000ml. Tất cả các lô sản phẩm này có xuất xứ từ CHLB Đức.

 

Nguyên nhân thu hồi là do sản phẩm có chứa một số vi sinh vật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng có hệ thống miễn dịch yếu khi sản phẩm dính vào tai, mắt, miệng hoặc vết thương hở. Thời gian thu hồi từ ngày 28/5/2013 đến khi thu hồi toàn bộ sản phẩm.

 

Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng nên ngừng sử dụng sản phẩm, đóng nắp chai cẩn thận và cất giữ ở nơi an toàn cho đến khi sản phẩm được thu hồi. Các cửa hàng bán lẻ ngừng bán và niêm phong tất cả các sản phẩm, đồng thời mau chóng thông báo cho đơn vị thu hồi biết số lượng sản phẩm hiện đang có trong cửa hàng.

 

Bún được tẩy trắng bằng hóa chất

 

Ngày 7/6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh đã công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu bún được thu thập trong đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh. Kết quả giám định nước luộc bún cho thấy có 2 cơ sở của ông V.V.A và ông T.V.C sử dụng hóa chất tẩy trắng trong sản xuất bún.

 

Tại cơ sở của ông V.V.A, đoàn kiểm tra thu được 200g bột màu vàng chanh (huỳnh quang) và 420g bột màu trắng (solium benzeate). Tại cơ sở ông T.V.C đoàn kiểm thu được 1 bịch bột màu vàng chanh (huỳnh quang), 1 bịch hóa chất chống mốc (solium benzeate) và 1 bịch hàn the.

 

Tẩy trắng bún, bánh canh bằng chất huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Bởi huỳnh quang (tinopal) là một loại hóa chất tẩy rửa công nghiệp dùng sản xuất giấy, vải, sợi, dùng làm trắng sáng sản phẩm. Đây là chất tẩy rửa cực mạnh. Bộ Y tế không cho phép sử dụng chất này trong chế biến thực phẩm.

 

Chè khúc bạch: vừa ăn vừa lo

 

Món chè này đang được giới học sinh, sinh viên, dân văn phòng tại Hà Nội ưa thích. Để thu hút sự chú ý của người đi đường, không ít cửa hàng còn cắt chữ Chè khúc bạch to nhất, nổi bật nhất, màu sắc đậm nhất dán lên biển hiệu. Khúc bạch len lỏi tới khắp ngõ phố Hà Nội, thậm chí các gánh hàng rong cũng bán loại chè này. Nhưng tập trung nhất có lẽ chính là phố cổ như Hàng Bạc, Hàng Điếu,... nơi thu hút được giới trẻ, dân văn phòng và những người ưa “chém gió”.

 

Khúc bạch được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên “linh hồn” của món ăn này chính là gelatin. Gelatin là một chất rắn không màu, không vị, thường được dùng làm chất làm đông trong thực phẩm, dược phẩm. Gelatin được làm từ collagen lấy trong da lợn và xương gia súc.

 

Cách đây khoảng 1 năm, dư luận quốc tế xôn xao về vụ sản xuất gelatin tại Trung Quốc. Khi đó báo chí đưa tin phần lớn gelatin công nghiệp ở Trung Quốc được sản xuất tại các lò thuộc da lậu. Tùy theo phương pháp chiết xuất và nguyên liệu đầu vào, gelatin có thể ăn được hoặc trở thành chất độc hại, có thể gây ung thư.

 

Theo Nhị Anh (tổng hợp)

VietnamNet