Chủ tịch PAN Farm: “Đồng hành, chứ không để người nông dân tách khỏi đất của họ”

Câu chuyện được mùa mất giá luôn là nỗi ám ảnh của người nông dân và các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào ngành nông nghiệp. Những ngày gần đây Chính phủ cũng đang đau đầu với ngành chăn nuôi lợn khi giá đã giảm quá sâu.

Tuy nhiên mới đây, đại diện mảng nông nghiệp của Tập đoàn The PAN Group: CTCP PAN Farm, một công ty thành lập gần 1 năm đã chào bán thành công 18% vốn và thu về 400 tỷ đồng từ các tổ chức quốc tế sừng sỏ như Công ty Tài chính quốc tế (IFC - thành viên của World Bank) và Quỹ Đầu tư tăng trưởng Daiwa-SSIAM và CTCP Chứng khoán Sài Gòn.

Vậy điều gì đã giúp PAN Farm có thể huy động được vốn vào ngành nông nghiệp đầy rủi ro này?

Trao đổi với báo giới, ông Kyle Kelhofer, giám đốc quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của IFC cho biết IFC là một thành viên của World Bank, thông qua PAN Farm và The PAN Group, IFC sẽ góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam canh tác các loại cây trồng có năng suất tốt, hiệu quả và có khả năng chống chịu với những thay đổi về khí hậu và môi trường. Hoạt động với mạng lưới rộng khắp toàn cầu, IFC cũng như các công ty đối tác không thể trực tiếp tự tay hỗ trợ người nông dân từ quy mô nhỏ.

Việc hợp tác đầu tư cùng công ty như PAN Farm mà trong đó, PAN Farm sẽ là đơn vị trực tiếp biến những kế hoạch thành hiện thực, định hướng, giúp đỡ đồng hành cùng người nông dân Việt Nam, IFC có thể giải quyết vấn đề nghèo đói và cải thiện sự thịnh vượng ở các quốc gia như Việt Nam. Đồng thời, IFC đã và sẽ mang các chuyên gia hàng đầu và những kinh nghiệm đúc kết tại các công ty ở các khu vực khác trên thế giới như châu Mỹ Latinh hoặc Đông Âu để chia sẻ tại Việt Nam.

Ông Kyle Kellofer – Giám đốc Quốc gia IFC, Phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào
Ông Kyle Kellofer – Giám đốc Quốc gia IFC, Phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào

Đó cũng là lí do mà PAN Farm chọn đồng hành với IFC, Quỹ đầu tư tăng trưởng Daiwa-SSIAM, cho dù đã có nhiều đối tác khác đến đặt vấn đề mua cổ phần của công ty. Bởi theo Chủ tịch PAN Group ông Nguyễn Duy Hưng, các tổ chức này sẽ giúp công ty không chỉ về vốn mà còn mang đến cho PAN Farm mở rộng hợp tác với mạng lưới quan hệ rộng khắp của hai định chế này trên phạm vi toàn cầu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và tiềm lực tài chính, từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành công ty hàng đầu về nông nghiệp tại Đông Nam Á.

Để nhận được khoản đầu tư từ IFC hay đối tác Daiwa không phải là điều đơn giản, vì các định chế tài chính này khi rót vốn vào một công ty, họ còn coi trọng sự phát triển bền vững. Ông Kyle Kelhofer cho biết đây không phải là khoản đầu tư đầu tiên của IFC vào PAN, cách đây 2 năm IFC đã mua cổ phần của công ty mẹ The PAN Group và đã đồng hành với Tập đoàn cho đến thời điểm hiện tại. Ông Kyle đánh giá cao thành tích suất sắc của PAN trong 3 năm qua, cùng với chiến lược phát triển rõ ràng của PAN, cùng với đội ngũ quản lý có kinh nghiệm sẽ giúp hỗ trợ ngành nông nghiệp và người nông dân của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch PAN Farm chia sẻ, PAN Farm và các đối tác cùng nhau xây dựng một công ty nông nghiệp không chỉ cung cấp những sản phẩm có chất lượng vượt trội cho khách hàng, mà còn hợp tác liên kết với nông dân dựa trên nguyên tắc không lấy đất của nông dân nhằm nâng cao và mang lại thu nhập lâu dài cho các hộ nông dân cũng như gia đình của họ.

Bà Nguyễn Thị Trà My – Chủ tịch HĐQT PAN Farm
Bà Nguyễn Thị Trà My – Chủ tịch HĐQT PAN Farm

Nhằm đảm bảo chất lượng cao đối với các loại cây trồng như hoa cúc xuất sang Nhật Bản trồng tại Đà Lạt, dưa lưới công nghệ cao tại Hà Nam, hay các giống lúa thơm tại các tỉnh trên cả nước, PAN Farm hiện tập trung xây dựng các mô hình chuẩn trên một diện tích đất vừa phải. Tất cả phải được đảm bảo chặt chẽ về chất lượng giống, mô hình canh tác chuẩn, tưới tiêu…

Các đối tác Nhật Bản đã cử chuyên gia sang đào tạo, cũng như công ty đưa người sang Nhật Bản đào tạo. Khi đã có mô hình chuẩn, sẽ nhân rộng mô hình này hoặc chuyển giao lại cho nông dân thực hiện (contract farming) và đảm bảo đầu ra cho họ. Nông dân được cung cấp giống, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, được đảm bảo đầu ra với giá cao hơn nhiều nếu họ tự làm, thu nhập được tăng cao mà họ vẫn được gắn liền với mảnh đất cha ông để lại. Hơn thế nữa, PAN Farm không đầu tư ồ ạt mà tìm hiểu thị trường trước khi thực hiện, các hợp đồng mua hoa cúc tại Nhật Bản hiện đã vượt công suất thực hiện của công ty, trong khi đó mảng dưa lưới sẽ bắt đầu có mặt tại các siêu thị trong 3 tuần nữa.

Đối với hạt gạo của Vinaseed, công ty con của PAN Farm, ban lãnh đạo tìm hiểu thị trường, để đảm bảo mỗi hạt gạo kể từ khi xay xát đến lúc tiêu thụ hết không quá 2 tháng, gạo luôn mới và dẻo thơm. Do đó, ban lãnh đạo PAN Farm tự tin rằng, mô hình của mình sẽ hạn chế tối đa được câu chuyện được mùa mất giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân mà vẫn duy trì được chất lượng trong suốt quá trình thực hiện.

Ông Tatsuyuki Ota, trưởng văn phòng đại diện của Daiwa Corporate Investment tại Việt Nam, Đại diện Daiwa-SSIAM cho biết Daiwa sẽ giúp PAN tìm kiếm thị trường và các đối tác tại Nhật Bản, cũng như hỗ trợ về kinh nghiệm và công nghệ cao (know-how).

Ngành nông nghiệp là một ngành kinh tế xương sống của Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho 50% dân số, cũng như đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, sự phát triển của ngành nông nghiệp là cơ sở cho sự phát triển của nền kinh tế. IFC, cũng như Daiwa khi hỗ trợ cho các công ty nông nghiệp như PAN Farm sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi rủi ro trong đầu tư vào lĩnh vực này, đưa đến các tiêu chuẩn tốt hơn, sạch hơn cho sản phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân và môi trường tốt hơn cho phụ nữ.

Box: Thực tế cho thấy các năm gần đây IFC đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, riêng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2016 IFC đã đầu tư 5,6 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp trong đó đầu tư mới trên toàn chuỗi cung ứng nông nghiệp đạt 3,4 tỷ USD.

Hà Thu