Liên quan đến loạt bài về hàng gian – hàng giả trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh bút viết, văn phòng phẩm, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Châu Huy Quang, hãng Luật LCT Lawyers. Luật sư Châu Huy Quang từng công tác tại Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam – Bộ Văn hoá và Thông tin. Sau đó, ông làm việc với tư cách Luật sư của tập đoàn Perfetti Van Melle, Sony Việtnam.
Các nơi mà ông tham gia giải quyết nhiều vấn đề tranh chấp pháp lý liên quan đến các lĩnh vực bao gồm kinh tế thương mại quốc tế, lao động, sở hữu trí tuệ (SHTT). Luật sư Quang hiện là luật sư Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và thành viên Hiệp hội Luật sư Châu Á – Thái Bình Dương. Ông cũng tham gia giảng dạy đào tạo hành nghề luật sư tại Học viên Tư pháp – Bộ Tư pháp.
Theo luật sư thì việc kinh doanh hàng nhái, hàng giả là vi phạm quy định pháp luật nào của Việt Nam và chế tài xử lý đối với những vi phạm đó là gì?
Luật sư Châu Huy Quang
Theo tôi, hiện nay quy định pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT là tương đối đầy đủ. Có thể viện dẫn như quy định tại Luật SHTT 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Cạnh tranh 2004 và Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo những quy định pháp luật này, hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái gây sự nhầm lẫn của người tiêu dùng đối với sản phẩm đang được bảo hộ có thể được coi là hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Điều 320, Luật Thương mại), hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 39, Luật Cạnh tranh và Điều 130 Luật SHTT), hành vi vi phạm quyền được bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp (Điều 126, 129 và 213, Luật SHTT) và tùy mức độ vi phạm có nghiêm trọng có thể được coi là vi phạm Luật Hình sự. Điều 198, Luật SHTT quy định các doanh nghiệp có quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có quyền được bồi thường thiệt hại, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm có biện pháp xử lý bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm, pháp luật có quy định các chế tài tương ứng, từ các hình thức xử phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu hàng hóa, thu hồi giấy phép kinh doanh, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như tiêu hủy hoặc phân phối /đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa vi phạm, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp bị vi phạm đến các chế tài theo Bộ luật Hình sự như phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm (Điều 156, Bộ luật Hình sự). Cũng theo Bộ luật này, ngoài hình phạt chính nêu trên người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái còn phải chịu hình phạt bổ sung khác (Điều 156, khoản 4, Bộ Luật Hình sự).
Ngoài ra, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật (Điều 207 Luật SHTT và Điều 99, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004).
Theo luật sư thì Tập đoàn VPP Thiên Long nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung nên có những biện pháp nào nhằm bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước thực trạng hàng nhái, hàng giả?
Doanh nghiệp cần có kế hoạch, chiến dịch bảo hộ tài sản SHTT của mình một cách dài hạn, và có sự phối kết hợp giữa các động thái pháp lý với kế hoạch truyền thông thường xuyên để tạo sự đồng thuận xã hội về mặt nhận thức trong việc chống hàng giả, gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng. Thực tế, có 04 nhóm giải pháp chính có thể thực hiện:
- Một là, đăng ký xác lập đầy đủ quyền SHTT đối với tài sản trí tuệ của DN được luật pháp Việt Nam, cũng như luật pháp nước sở tại, nơi hàng hóa doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ, bảo hộ;
- Hai là, lên kế hoạch cụ thể và lâu dài cho việc bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động truyền thông.
- Ba là, chủ động phối hợp được với các cơ quan thực thi liên quan đến lĩnh vực này như Cục SHTT, Cục Bản quyền, Cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp, Cơ quan công an, Cơ quan tòa án, Ban Chỉ đạo 127 -TW (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại) ..v.v.
Ông Bùi Văn Huống - Phó Tổng Giám đốc Quản trị chất lượng Tập đoàn Văn phòng phẩm Thiên Long – một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành sản xuất văn phòng phẩm và bút viết Việt Nam cho biết: “Do mức độ tín nhiệm sản phẩm mang thương hiệu Thiên Long liên tục tăng cao sau gần 30 hình thành và phát triển nên sản phẩm bút viết và văn phòng phẩm của chúng tôi có bị làm giả, nhái mà điển hình cụ thể là sản phẩm bút bi TL-027. Các cơ quan chức năng cũng đã từng xử lý các vụ vi phạm liên quan đến các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu của Thiên Long.
Vấn đề hàng nhái, hàng giả là một vấn nạn cho tất cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính không riêng gì Thiên Long. Nó không những làm tổn hại đến uy tín, thương hiệu của các nhà sản xuất chân chính mà còn gây rất nhiều phiền hà cho người tiêu dùng, chẳng những phải tốn tiền cho những sản phẩm kém chất lượng, mà có nhiều trường hợp "tiền mất tật mang", nguy hại đến sức khỏe của con người. Mặt khác, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái làm tổn hại đến sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, làm giảm động lực tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng”. |
Minh Tuyết