Chia sẻ phương tiện – giải pháp giảm ùn tắc đô thị

Ùn tắc giao thông là vấn nạn mà hầu như các nước trong khu vực Đông Nam Á đều gặp phải. Việc tắc đường này đã khiến châu Á giảm 2-5% GDP mỗi năm. Tuy vậy, các nước như Malaysia, Philippine, Indonesia… đã từng bước khắc phục tình trạng này bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó hình thức chia sẻ phương tiện di chuyển, được xem là một giải pháp mang lại hiệu quả cao.

Chia sẻ phương tiện – giải pháp giảm ùn tắc từ các nước trong khu vực

Tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, để giải quyết vấn nạn ùn tắc, bên cạnh việc phát triển hệ thống Metro, xe buýt chuyên tuyến, hình thức chia sẻ phương tiện đi chung của các dịch vụ xe tư nhân cũng được các nước khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Philipines áp dụng. Từ thập niên 90 ở Indonesia, các ô-tô khi đi qua các tuyến đường của Jakarta phải có ít nhất ba người để tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện. Tương tự vậy, “jeepney” – một hệ thống taxi chia sẻ ở Philippines cũng đưa vào sử dụng, giúp người dân cảm thấy thoải mái và tiết kiệm hơn khi di chuyển.

Điển hình của việc đưa thói quen đi chung xe để chủ động giảm ùn tắc giao thông là Malaysia. Quốc gia này được xem là nơi sở hữu lượng xe hơi nhiều thứ 3 thế giới (có tới 93% hộ dân sở hữu ít nhất một xe hơi, 54% hộ dân sở hữu nhiều hơn một ô-tô), nên việc quá tải trên các tuyến đường cũng gây không ít đau đầu. Người dân Malaysia đã chọn và thử nghiệm mô hình đi chung xe của Grab để giúp việc đi lại nhanh và thuận lợi hơn với chi phí tiết kiệm. Phương thức đi chung xe mới của Grab cho phép các tài xế đón được nhiều hành khách trên một chặng đường đi và hành khách có thể chia sẻ hành trình, chia sẻ chi phí với một "bạn đường" khác, có lộ trình ngang qua điểm đến của nhau. Phương thức này cũng được đánh giá cao về tính hiệu quả trong việc giảm ùn tắc đô thị hiện đại.

Đi chung xe góp phần giảm tải giao thông đô thị
Đi chung xe góp phần giảm tải giao thông đô thị

Người Việt cũng nên chủ động đi chung xe?

Tại Việt Nam, các tuyến đường đã trở nên quá tải với lượng tăng trung bình hơn 3 triệu xe gắn máy/năm (ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 60 triệu xe tham gia lưu thông, một con số tương đương với 2/3 dân số hiện hữu). Bên cạnh đó, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2017 đã nhập khẩu 28.000 xe, trong đó xe ô tô dưới 9 chỗ chiếm tới 70% do người dân có xu hướng nâng cấp phương tiện từ xe gắn máy nên xe hơi riêng... Việc bùng nổ lượng xe cá nhân hàng năm lên tới hơn 8,4% đã và đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị cũng như công tác quản lý hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải. Việc không thích sử dụng phương tiện cộng cộng, ghét đi chung và duy trì thói quen di chuyển bằng xe riêng để... "chủ động đi lại, chính là tồn tại cần thay đổi của người Việt.

Theo nhiều chuyên gia thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…hiện đều quá tải. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi nâng cấp hạ tầng, bên cạnh giải pháp nâng cao chất lượng xe công cộng để kéo người dân tham gia, thì việc cung ứng các dịch vụ di chuyển chung xe với các mô hình mới mà các nước trên thế giới (như Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) đã thực hiện thành công, cũng có thể coi là một giải pháp chủ động để giúp giảm áp lực giao thông đô thị, kìm hãm xe cá nhân, giảm ùn tắc, đồng thời, vừa tiết kiệm chi phí, tạo văn minh đô thị. Tại Việt Nam, mô hình dịch vụ “xe công nghệ” mà Chính phủ và Bộ GTVT đang cho phép Grab Việt Nam thực hiện hoàn toàn đáp ứng mô hình “đi chung xe” mà các nước trên thế giới đã thực hiện thành công. Đây cũng là một bài toán cơ bản nhất để giải quyết được tình trạng quá tải hạ tầng giao thông đô thị.

Thay đổi những thói quen cũ, chủ động chia sẻ - đi chung xe, di chuyển với các phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm ùn tắc. Đây cũng là giải pháp nên làm, để bắt kịp nhịp giao thông hiện đại, văn minh của khu vực và chủ động giải phóng bản thân, cộng đồng khỏi vấn nạn kẹt xe.

Nam Phong