1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Cách mạng" phá thế độc quyền viễn thông

Năm 2008 là năm thị trường viễn thông Việt Nam thực sự bùng nổ không chỉ bởi sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng thuê bao mà còn bởi sự phát triển về chất lượng mạng lưới và dịch vụ tiện ích. Tất cả đều xuất phát từ cuộc "cách mạng" phá thế độc quyền.

Chiếc điện thoại di động từng là biểu tượng của một doanh nhân thành đạt, một dấu ấn thời trang sành điệu của con "nhà giàu". Đối với những người có thu nhập thấp và trung bình, phương tiện liên lạc hiện đại này trở nên quá xa vời.

Năm 2003, nhiều người đã kì vọng sự ra đời của S-Fone sẽ phá thế độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi cho người sử dụng. Thế nhưng, nhà mạng này lại không đủ sức để tạo ra một "cuộc cách mạng" bởi vùng phủ sóng hạn chế và giá cước vẫn cao.

Tháng 10/2004, "tân binh" Viettel chính thức gia nhập thị trường điện thoại di động đánh dấu một mốc quan trọng của ngành viễn thông Việt Nam. Theo các chuyên gia ngay từ đầu, Viettel đã "châm ngòi" cho 1 cuộc chiến giữa các doanh nghiệp cùng ngành bằng việc giảm giá cước và đưa ra các chương trình khuyến mãi.

Số lượng thuê bao của Viettel tăng trưởng ở mức "không tưởng" khi chỉ chưa đầy 1 năm đã có 1 triệu thuê bao và 4 năm sau con số này đã tăng lên 25 triệu. Sự phát triển của Viettel đã buộc các "đại gia" viễn thông lâm vào thế phải cạnh tranh để thu hút khách hàng mà gay gắt nhất là việc hạ giá cước bởi đây là yếu tố quyết định.

Dưới sức ép cạnh tranh, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ di động lần lượt đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi để giành lấy thị phần. Khi cái bóng của các "ông lớn" dần bị xóa bỏ, sự cạnh tranh đã giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn những sản phẩm phù hợp với mình.

Tuy nhiên công bằng mà nói cuộc đua giành thị phần giữa các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, đặc biệt là 3 mạng GSM vẫn chưa đến hồi kết và vũ khí các "đại gia" tung ra không chỉ ở giá cước, các nhà mạng còn đang tự làm mới mình bằng cách sáng tạo ra những dịch vụ mới ứng dụng công nghệ hiện đại.

Nếu như Viettel đưa ra tiện ích cho phép các thuê bao di động trả trước chuyển tiền cho nhau có tên I share thì Vinaphone cũng cho ra đời dịch vụ 2Friends. Khi dịch vụ gửi và nhận thư điện tử Imail được Viettel giới thiệu thì Vinaphone cũng tung ra dịch vụ eZmail... Còn theo 1 hướng riêng Mobifone ra mắt dịch vụ truy cập interner qua sóng di động: Fast Connect.

Cuộc cạnh tranh viễn thông di động trở nên toàn diện và đồng nghĩa với nó là người tiêu dùng sẽ ngày càng được lợi. Thị trường vẫn đang phát triển nóng, cuộc chạy đua đang bước vào giai đoạn nước rút trước ngưỡng bão hòa, viễn thông di động Việt Nam đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng ngay cả khi kinh tế toàn cầu suy thoái.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm