Điểm sáng của xuất khẩu và nỗi lo nhập siêu

Theo số liệu từ Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm ước đạt gần 58 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu của khối FDI tăng mạnh, đạt hơn 30 tỷ USD tăng 25,5% (không tính dầu thô tăng gần 40%). Xuất khẩu của các nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đạt gần 27 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2009. Cùng với đà tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam trong 10 tháng qua còn có một tín hiệu đáng mừng là nhập siêu có dấu hiệu giảm dần.

Theo số liệu của Bộ Công thương mới công bố thì kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2010 ước đạt 67,28 tỷ USD. Trong đó riêng tháng 10, kim ngạch NK đạt 7,35 tỷ USD và nhập siêu trong tháng 10 là khoảng 1,1 tỷ USD, tương đương 17,6% kim ngạch XK. Đây là điểm sáng trong hoạt động XNK của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2010 và là tháng thứ 4 liên tiếp nhập siêu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nếu trong 2 tháng cuối năm, diễn biến tiếp tục thuận lợi, thì xuất khẩu Việt Nam năm 2010 có thể đạt mốc 70 tỷ USD.

Điểm sáng của xuất khẩu và nỗi lo nhập siêu - 1

Bên cạnh những thành công trên lĩnh vực xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2010, thì nhập siêu vẫn là vấn đề đáng lo ngại (tuy đã có dấu hiệu giảm dần). Đây cũng là nỗi lo thường trực của các nhà điều hành và quản lý XNK Việt Nam, với các nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và cần hạn chế nhập khẩu (gồm ô tô dưới 9 chỗ, hàng tiêu dùng và xe máy nguyên chiếc) thì kim ngạch nhập khẩu lại tăng cao hơn so với các nhóm mặt hàng cần nhập khẩu. Cụ thể là so với cùng kỳ năm 2009, trong 10 tháng năm 2010, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng hơn 38%, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 19%, trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu chỉ tăng 18%.

Có lẽ vào thời điểm này thì đây là quan ngại lớn nhất trong hoạt động XNK Việt Nam. Đặc biệt, trong những nhóm mặt hàng cần kiểm tra và hạn chế nhập khẩu tăng cao lại có những mặt hàng mà hoạt động sản xuất trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, như xe máy. Đây phải chăng là điều bất hợp lý?

Theo Hiệp hội ô tô - xe máy và xe đạp Việt Nam, hiện nay cả nước khoảng trên dưới 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài), với công suất trên 3 triệu xe/năm, có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và phong phú như Honda Việt Nam, Sufat, Yamaha… Tuy nhiên, hàng năm lượng xe máy nhập khẩu vào Việt Nam là rất lớn.

Theo số liệu của Tổng cục hải quan, trong 9 tháng năm 2010 số lượng xe máy các loại được nhập khẩu vào Việt Nam là 72.164 chiếc với giá trị 93 triệu USD. Riêng tháng 8/2010, nhập khẩu xe máy tăng đột biến với số lượng 11.100 chiếc. Ngoài ra, còn một điều đáng lưu ý là kim ngạch nhập khẩu linh kiện phụ tùng xe máy trong 9 tháng lên tới 564 triệu USD.
 
Để khắc phục tình hình trên và giảm nhập siêu, chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường đầu tư trong nước, vận động các phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và song song với đó là các giải pháp về tiền tệ… đến nay các giải pháp này đã và đang mang lại những chuyển biến tích cực.

Nhưng có lẽ, đối với những nhóm mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu thì ngoài việc thực hiện tốt các giải pháp của chính phủ đề ra nhằm kiểm soát lạm phát, giảm nhập siêu, thì các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương cần tăng cường tuần tra kiểm soát và có những biện pháp xử lý vi phạm một cách kiên quyết đối với những nhóm mặt hàng này. Ngoài ra, mong muốn của các doanh nghiệp trong nước là Bộ Tài chính xem xét tăng thuế nhập khẩu đối với những nhóm mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu, như ô tô dưới 9 chỗ, hàng tiêu dùng và xe máy nguyên chiếc, trong giai đoạn hiện nay, nhằm giảm thiểu nhập siêu, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.
 
Trần Đăng
(Số liệu: Báo Kinh tế Việt Nam/Bộ Công thương)