Vui buồn ngày Thể thao Việt Nam 27/3

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 27/3 những người làm thể thao nước nhà lại tổ chức nhiều hoạt động, chương trình kỷ niệm ngày đặc biệt của ngành. Với nhiều sự kiện lớn phía trước, chưa bao giờ Thể thao Việt Nam (TTVN) lại nhận sự quan tâm lớn như lúc này.

Thành công của các tài năng trẻ Việt Nam thời gian gần đây trên đấu trường quốc tế đã cho thấy, tiềm năng của các VĐV Việt Nam là rất lớn. Gần nhất, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xuất sắc lọt vào tốp 10 thế giới, đã tạo nên cột mốc lịch sử cho bơi lội Việt Nam.


Ánh Viên đang là niềm hy vọng số 1 của TTVN hiện nay

Ánh Viên đang là niềm hy vọng số 1 của TTVN hiện nay


Để đưa một nền thể thao phát triển, có lẽ không còn cách nào khác là xây dựng một đội ngũ trẻ hùng hậu, có tài năng và khát vọng lớn. Đặc biệt, khi Asiad 18 đang tới gần, hơn bao giờ hết vấn đề tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ trở nên cấp bách.

Với thể thao, thi đấu cọ xát quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp một VĐV tiến bộ, ai cũng biết như vậy nhưng chính sách chia đều kinh phí cho vài chục môn đã làm thành tích của VĐV dừng lại mà lẽ ra họ có thể tiến bộ rất nhanh.

Một năm với những nhiệm vụ lớn lại đến với TTVN, khi chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho Asiad 17 diễn ra tại Hàn Quốc. Đây là kỳ Asiad có tính chất bản lề để TTVN phấn đấu đạt thành tích cao nhất để làm bước đệm cho Asiad 18 tổ chức trên sân nhà. Đây cũng là kỳ Asiad các nhà quản lý thể thao sẽ phải học hỏi nhiều từ công tác tổ chức, điều hành, để có thể làm tốt nhất khi Việt Nam đứng ra đăng cai Á vận hội năm 2019.

Sau Asiad 17 sẽ là SEA Games 28 và Olympic 2016. TTVN đặt mục tiêu có HCV ở sân chơi Olympic 2 năm tới và đó là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Việc mới đây, những môn được cho là đi tắt đón đầu như cầu mây, wushu, thể hình...bị “khai tử” ra khỏi 10 môn được đầu tư loại 1 đã cho thấy, trong suốt một thời gian dài, TTVN đã không đi đúng hướng, mà chỉ chạy theo mục tiêu là những tấm HCV khu vực.

Nếu đúng hướng, TTVN sẽ không dàn trải đủ mọi sân chơi từ thấp đến cao như đã làm. Trong khi đó, hầu như việc tuyển chọn và đào tạo trẻ chỉ nói hay chứ làm lại quá dở, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Mặt khác, bệnh thành tích đã trở thành thứ thâm căn cố đế đến mức chi phối tất cả, từ các cuộc thi đấu cấp thấp ở địa phương cho đến việc thi đấu ở nước ngoài mà các kỳ SEA Games là một minh chứng rõ nhất.

Năm 2013, một lần nữa mục tiêu lọt vào tốp 3 SEA Games 27 vẫn được đặt lên hàng đầu và đã hoàn thành xuất sắc. Oái oăm ở chỗ, đây lại là năm mà các nhà quản lý thể thao quả quyết sẽ gạt bỏ tư tưởng huy chương để hướng tới việc đầu tư cho những môn thuộc hệ thống Olympic.

Trong nhiều nguyên nhân khiến TTVN thụt lùi so với bè bạn, đau đớn thay chiến lược mang tính vĩ mô này lại tác động không nhỏ tới những gì mà chúng ta đạt được ngày hôm nay.

Theo dõi sát thể thao trong nhiều năm qua, chúng tôi thành thật chia sẻ nỗi niềm của ai đó từ các thất bại có thể nói là liên tiếp trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là những sân chơi lớn như Asiad, Olympic. Đó không đơn thuần chỉ là sự chuẩn bị không kỹ về mọi mặt, chuyên môn kém hay tâm lý yếu, mà chính là lỗi của cả hệ thống.

Thế mới thấy, để đưa TTVN phát triển là cả một quá trình dài. Quá trình đó, phụ thuộc rất nhiều vào khâu tuyển chọn, đào tạo, cơ sở vật chất và cả tư duy cũng như cách làm đột phá của những nhà quản lý.

An An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm