1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

VPF học kinh nghiệm làm bóng đá của Hàn Quốc: Đừng “cưỡi ngựa xem hoa”

(Dân trí) - Tới đây, VPF sẽ cùng đại diện các CLB sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp của nước này. Tuy nhiên, hiệu quả của chuyến đi đến đâu vẫn là dấu hỏi lớn đối với nhiều người?

2 mùa giải trước, VPF cũng đã cùng đại diện các CLB thuộc V-League và giải hạng Nhất có những chuyến đi tương tự, mang danh học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp của giải J-League và các CLB Nhật Bản. Năm nay, chuyến đi này chuyển hướng sang K-League và các CLB Hàn Quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ chuyện các CLB trong nước yếu khâu nào, chưa chuyên nghiệp ở khâu nào, phát triển thiếu bền vững ở chỗ nào là điều không ít người có thể nói ngay, chưa cần đến các chuyến khảo sát thực tế bóng đá nước ngoài.

Đấy là hệ thống cơ sở vật chất lạc hậu, là khâu tiếp thị và quảng bá hình ảnh kém, là việc bế tắc trong chuyện khai thác bản quyền truyền hình và tìm nguồn thu, là khả năng quan hệ công chúng, quan hệ với truyền thông (lĩnh vực mà AFC xếp vào hàng tiền đạo, trong đội hình 11 khâu cần làm để phát triển bóng đá) không hiệu quả…

Đấy còn là sự yếu kém trong công tác đào tạo trẻ, là sự thiếu tính kế thừa… mà năm nào người ta cũng phải nhắc, nhưng việc thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Những việc đấy, nếu tự thân các CLB không lo làm tốt, thì có thêm bao nhiêu chuyến khảo sát các giải vô địch trên thế giới, thêm bao nhiêu chuyến đi mang danh học hỏi mô hình hoạt động của các CLB chuyên nghiệp thực thụ cũng là vô ích.

 

Nếu các CLB trong nước không thay đổi về mặt bản chất, thì có thêm bao nhiêu chuyến đi mang danh học hỏi ở nước ngoài nữa cũng không thể thu hiệu quả (ảnh: Nguyễn Đình)
Nếu các CLB trong nước không thay đổi về mặt bản chất, thì có thêm bao nhiêu chuyến đi mang danh học hỏi ở nước ngoài nữa cũng không thể thu hiệu quả (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Ngay ở trong nước, không phải không có mô hình CLB thể thao chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả, đáng để giới bóng đá học tập, chứ chưa cần thiết ra nước ngoài. Ví như trường hợp của đội bóng rổ Sài Gòn Heat.

Người dân Việt Nam nói chung chắc chắn chắn không thể mê bóng rổ bằng bóng đá, nếu không muốn nói bóng rổ không phải là môn thể thao được ưa chuộng tại Việt Nam. Ấy vậy mà Sài Gòn Heat vẫn thu hút được khán giả (mỗi trận đấu thu hút vài ngàn người), bởi chất lượng của đội bóng này đáng để người ta theo dõi, họ cũng làm tốt khâu tương tác giữa đội bóng với truyền thông, với người hâm mộ, để rồi người hâm mộ sẵn sàng mua vé để xem đội này thi đấu, sẵn sàng chăm chú theo dõi đội bóng này thông qua màn ảnh truyền hình.

Điều đó khẳng định muốn bán được sản phẩm (thể thao vốn là một sản phẩm mang tính đặc thù, trong một ngành nghề kinh doanh đặc thù, mà mỗi CLB hiện cũng là những doanh nghiệp), thì trước tiên chất lượng sản phẩm ấy phải tốt, đáp ứng được thị hiếu, tiếp nữa khâu quảng bá, tiếp thị phải hiệu quả, khả năng chăm sóc khách hàng (tức người hâm mộ) cũng phải tốt…

Hầu hết các đội bóng trong nước đều yếu về các khoản vừa nêu, chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém về nặng lực điều hành của những người quản lý CLB. Thành ra, việc quan trọng nhất đối với các CLB trong nước bây giờ là tiến hành cải tổ bằng hành động cụ thể, chứ không phải bằng cách hô khẩu hiệu cùng những chuyến đi như thể biểu dương lực lượng, nhưng đi xong, xem xong rồi về lại để đấy.

Những chuyến đi cho cả đoàn vài chục người như thế không những chưa thu lại hiệu quả (2 lần khảo sát J-League và các CLB Nhật Bản trước đây cũng chưa giúp thay đổi rõ rệt), mà còn gây lãng phí, trong khi bóng đá Việt Nam mấy năm nay vốn đã mang tiếng là thích tiêu hoang, trong khi bản thân các CLB hầu hết toàn xài tiền (kể cả xài tiền ngân sách địa phương), chứ chưa thể kiếm ra tiền.

Kim Điền

 

VPF học kinh nghiệm làm bóng đá của Hàn Quốc: Đừng “cưỡi ngựa xem hoa” - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm