VPF gian nan cuộc chiến chống tiêu cực

Nếu như các hành vi móc ngoặc “bán độ” phát sinh quan hệ tài chính và có thể nắm bắt được thì chuyện nhường điểm giữa các đội bóng với nhau lại khiến BTC giải lúng túng, chưa tìm ra biện pháp giải quyết.

Trên thực tế, đây không phải là vấn đề đối với riêng BTC của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN) mà cả BTC giải của LĐBĐVN (VFF) trước kia cũng tỏ ra bất lực. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thì ngay trong giai đoạn lượt đi mùa giải 2012, BTC VPF cũng đưa một số cặp đấu có kết quả theo kiểu “3 đi, 3 về” vào tầm ngắm, nhưng rốt cuộc không có chứng cứ để xử lý. Đây được coi là “chuyện riêng của các CLB”.

 

Một số vụ việc, dù xác định có dấu hiệu tiêu cực, nhưng do thiếu bằng chứng cụ thể nên cơ quan điều tra cũng không thể tiến hành khởi tố vụ án. Đơn cử như vụ việc CLB ĐT.LA “tố” cầu thủ cũ của Sài Gòn Xuân Thành, Nguyễn Thành Trung, “mua độ”. VPF rốt cuộc phải nhờ đến Ban kỷ luật VFF xử lý trong nội bộ bóng đá.
 
“Hai anh em” Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng luôn được nhắc đến bởi kết quả kiểu “3 đi 3 về”

“Hai anh em” Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng luôn được nhắc đến bởi kết quả kiểu “3 đi 3 về”

 

Trở lại với câu chuyện nhường điểm giữa các đội bóng. “Kịch bản” được nhắc đến nhiều nhất là “3 đi, 3 về”, tức mỗi đội thắng một trận.

 

Như thừa nhận của Trưởng BTC giải VPF Trần Duy Ly, rất khó để “kết tội” các đội bóng nếu thực sự có chuyện này. Đơn giản bởi giữa đôi bên không phát sinh quan hệ tài chính cụ thể. BTC chỉ có thể dựa theo diễn biến trên sân bóng, cùng các “kênh” thông tin bên ngoài, và cũng chỉ… để biết.

 

Đây cũng là lý do khiến công tác chuẩn bị cho năm vòng đấu cuối được VPF đặc biệt lưu tâm. “Thực tế không thể kiểm soát được hết quan hệ của các CLB. Thế nên ngoài việc nhờ sự hỗ trợ của cơ quan an ninh, BTC giải phải tiến hành động viên các đội bóng thi đấu trung thực, có ý thức chuyên nghiệp, đặc biệt là các đội cuối bảng”-ông Ly cho biết.

 

Ở V.League, V.Hải Phòng (11 điểm, xếp thứ 14) đã cầm chắc khả năng rớt hạng nên được dự báo sẽ là trở thành nơi các đội bóng lấy điểm. Ở lượt trận thứ 21 vừa diễn ra cuối tuần trước, V.Hải Phòng đã thua đậm SLNA 2-5. Bên cạnh việc hết động lực thi đấu, không ít người lo V.Hải Phòng tranh thủ “làm kinh tế” hoặc “giúp” các đội bóng đang cần điểm.

 

Theo lịch thi đấu thì năm vòng cuối, ngoài B.Bình Dương và Thanh Hoá đang có vị trí tương đối an toàn, ba đối thủ khác của V.Hải Phòng là Hà Nội T&T, CLB bóng đá Hà Nội và K.Kiên Giang đều rất cần điểm. Trong khi Hà Nội T&T đang hướng tới cuộc đua đến chức vô địch, K.Kiên Giang (23 điểm) và CLB bóng đá Hà Nội (26 điểm) đều nằm trong diện có nguy cơ rớt hạng.

 

Ngoài V.Hải Phòng, các đội khác như K.Kiên Giang, K.Khánh Hoà hay TĐCS.Đồng Tháp…được BTC xếp vào diện cần chú ý đặc biệt.

 

Được biết, ngay trong chiều qua, ông Trần Duy Ly đã dẫn đầu đoàn công tác của VPF, xuống kiểm tra công tác chuẩn bị của V.Hải Phòng. “Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với GĐĐH V.Hải Phòng, ngoài chuyện chính là kiểm tra lại độ sáng của giàn đèn, chất lượng mặt sân…chúng tôi sẽ có ý kiến để đội thi đấu cố gắng, không xảy ra điều tiếng”-ông Ly cho biết.

 

Để tăng cường năng lực phòng ngừa tiêu cực, VPF đã đề xuất thành lập Ban đạo đức. Tuy nhiên đến nay ban này vẫn chưa đi vào hoạt động. Khá nhiều ý kiến lo ngại Ban đạo đức không có đủ hành lang pháp lý để “xử” các vi phạm trong bóng đá, vốn ngày càng đa dạng.

 

Theo Tiền phong