VPF chấm dứt hợp đồng với Next Media vì quyền lợi của V-League
(Dân trí) - V-League 2018 sẽ khởi tranh vào ngày 10/3 tới. Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018, V-League được chờ đợi sẽ hấp dẫn hơn đối với công chúng. Tuy nhiên, thật bất ngờ, bản quyền giải đấu số 1 quốc nội năm nay tiếp tục bị ế, còn VPF đã thanh lý hợp đồng với công ty Next Media.
Vòng đầu tiên của V-League 2018 sẽ khởi tranh từ ngày 10/3 nhưng đến thời điểm hiện tại, VPF vẫn chưa công bố lịch phát sóng. Chia sẻ cùng báo chí, Tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú tỏ ra rất buồn: “Tôi đi chào mời các đài truyền hình thì họ lắc đầu nguây nguẩy.
Các đài họ nói giải đấu như thế thì làm sao đòi được bản quyền truyền hình (BQTH) giá cao. Vì vậy, tôi và những người làm giải cần thay đổi tư duy. Tất cả phải cùng giúp cho giải tốt lên, có giá trị, bán được tiền”.
Nhiều năm qua, trước và sau khi VPF được thành lập để điều hành V-League, giải đấu vẫn chưa thực sự kiếm được tiền từ BQTH.
Thực tế, vấn đề bán bản quyền đã từng rất nóng với bóng đá Việt Nam, thời bầu Kiên còn làm bóng đá. Khi mới thành lập, VPF cam kết sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm từ BQTH. Thậm chí, công ty này còn hướng đến đích 100 tỷ đồng ở năm 2013 và 300 hay 500 tỷ đồng vào những năm sau nữa khi mời được nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vào “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam”.
Đáng tiếc, kế hoạch trên thực hiện chưa được bao lâu thì đổ bể vì bầu Kiên vướng vòng lao lý. Hội đồng bảo trợ tan vỡ và kế hoạch kiếm hàng trăm tỷ đồng từ BQTH mỗi mùa V-League cũng chỉ là giấc mơ.
BQTH V-League đã trở thành món hàng ế, và tiền bán BQTH V-League không được thu bằng tiền mặt mà được thanh toán theo phương thức “hàng đổi hàng”.
Cụ thể, các nhà đài tường thuật các trận đấu của giải bóng đá số một Việt Nam sẽ phải đổi cho VPF 15 phút quảng cáo, trước, giữa và sau mỗi trận đấu. Tuy nhiên, hiện tại VPF chưa thực hiện cách làm này. VPF mới chỉ dùng để phát quảng cáo cho các doanh nghiệp có tài trợ cho giải, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị này.
Việc bản quyền V-League bị ế cũng có liên quan tới vụ tranh chấp giữa VPF và Next Media. Năm 2017, VPF và Next Media có hợp đồng về việc sản xuất V-League nhưng sau khi có Hội đồng quản trị mới, phía VPF muốn thanh lý hợp đồng. Về lý do, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐQT VPF - giải thích bởi không nhận được con số minh bạch về lợi nhuận từ đối tác.
Trả lời với giới truyền thông vào buổi lễ ra mắt nhà tài trợ, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho hay: “Việc chấm dứt hợp đồng với Next Media được quyết sau khi chúng tôi họp và nhận thấy có những bất cập về mặt pháp lý, quyền lợi của VPF nên buộc phải đòi lại quyền lợi cho giải đấu V-League”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù ký hợp đồng nhưng năng lực của Next Media còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy sau mùa giải 2017, vấn đề BQTH vẫn không có sự khởi sắc nào. Giờ thì VPF muốn có sự thay đổi, nhất là V-League đang được người hâm mộ chào đó nhờ thành công của U23 Việt Nam.
Một thành viên VPF cho biết Ban Giám đốc nhiệm kỳ 2 của VPF đã ký hợp đồng sản xuất V-League với Next Media tới năm 2022 trong khi nhiệm kỳ này chỉ kéo dài tới đầu năm 2018. Giá trị hợp đồng lớn nhưng không thông qua HĐQT. Đó là lý do mà VPF và Next Media có thể ra tòa để phân xử.
Hà Nguyên