Vỡ sân và câu chuyện giơ cao đánh khẽ của VFF

(Dân trí) - Vỡ sân luôn nguy hiểm nhưng những án phạt của VFF dường như chưa đủ sức nặng để các đội làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, an ninh trận đấu.

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng xảy ra rất nhiều vụ vỡ sân. Năm 2003, sân Chùa Cuối (giờ là Thiên Trường) từng chứng kiến một trận vỡ sân đi vào lịch sử bóng đá Việt. Sân có sức chứa vài chục nghìn khán giả nhưng nó đã trở nên nhỏ bé so với nhu cầu khán giả vào xem ở trận Nam Định gặp HAGL khi đó đội hình có thế hệ vàng người Thái. Khán giả trèo lên giàn giáo quanh sân, tràn xuống đường piste để xem, đã gây sức ép cực lớn tới đội khách. Nguy hiểm hơn, nếu trận đó Nam Định thua, không biết hậu quả sẽ ra sao.

Sân Vinh cũng từng chứng kiến nhiều vụ vỡ sân, điển hình là 2 trận tiếp Thể Công và Hải Phòng năm 2008. Hậu quả là nhiều CĐV phải nhập viện, 1 người bị chết. Sau sự cố ấy, Trưởng BTC giải khi đó là ông Dương Nghiệp Khôi đã phải từ chức.

VFF chưa thực sự xử mạnh tay ở sự cố vỡ sân Pleiku

VFF chưa thực sự xử mạnh tay ở sự cố vỡ sân Pleiku

Từ năm 2008 tới nay, sân Vinh cũng từng nhiều lần bị vỡ, khi lượng khán giả bằng nhiều cách đã tràn vào sân, xuống cả đường piste.

Sân Thanh Hóa cũng từng một lần bị vỡ năm 2007. Khi đó, hàng nghìn CĐV cũng đã tràn xuống đường piste. Hậu quả là trong hiệp 2, hàng trăm CĐV đã chạy vào sân để uy hiếp các cầu thủ Đà Nẵng và tổ trọng tài, khiến trọng tài Võ Minh Trí đã có pha bẻ còi lịch sử công nhận bàn thắng cho Thanh Hóa.

Còn nhiều sân khác đã bị vỡ và VFF luôn có những án phạt từ cảnh cáo, phạt tiền tới trừ 3 điểm, nhưng nguy cơ “vỡ” vẫn xảy ra ở mỗi mùa giải.

Năm nay, ngay vòng đầu tiên sân Pleiku đã bị “vỡ”. Dù không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã đến lúc những nhà tổ chức, BTC sân và các đội bóng cần phải có biện pháp phòng chống vỡ sân, bởi một khi sự cố không thể kiểm soát, hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Song, với nhiều người, tất cả đều cho rằng án phạt với sân Pleiku (nếu có), cũng chỉ giơ cao đánh khẽ. Trong quá khứ, rất nhiều lần Ban kỷ luật của VFF đã đưa ra những án phạt tương tự với tình trạng vỡ sân.

Ở đây, không cần quan tâm tới sân Pleiku đã “vỡ” hẳn chưa, mà là thái độ của BTC giải, BTC sân. Trận đấu được cảnh báo rất “nóng” và ngay trước trận đấu 3-4 tiếng đồng hồ, CĐV đã kéo đến sân khoảng 3-4 vạn người, tức là gấp 3 lần sức chứa của sân. Và nếu ngay từ thời điểm đó, BTC sân phán đoán tình hình, huy động thêm lực lượng an ninh, có lẽ đã không đê xảy ra tình trạng quá tải.

Để xảy ra sự cố, BTC sân là người có lỗi đầu tiên và phải nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng thật may mắn cho BTC sân, họ đã làm tốt nhiệm vụ sau đó, khi tổ chức trận đấu an toàn, nên có thể được BKL xem xét giảm án xuống mức thấp nhất.

Một thành viên của BTC giải thừa nhận, hầu hết các sân ở Việt Nam đều không đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, an ninh trận đấu. Vì vậy, với việc BTC sân Pleiku không nhận án phạt ở vòng này (hoặc án phạt rất nhẹ), có khả năng sẽ bị “nhờn thuốc” và đó là một tiền lệ cực xấu với bóng đá Việt Nam.

Nói thẳng ra, CĐV HA Gia Lai đang đẹp, đẹp tới mức long lanh trong mắt của BTC giải, nhưng cứ vi phạm luật là phải xử, chuyện nào đi chuyện đó!.

Lê Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm