DMagazine

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội

(Dân trí) - Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng võ sư Trần Việt, Trưởng Võ phái Đông Đô Việt Võ Quyền để hiểu thêm về một võ phái gần gũi, phù hợp cho mọi lứa tuổi.

Võ sư Trần Việt

- Phó Tổng thư ký, Trưởng ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội

- Trưởng võ phái Đông Đô Việt Võ Quyền - một đơn vị thành viên của Hội Võ thuật Hà Nội.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 1

Trước năm 1982, Võ cổ truyền Hà Nội hoạt động tương đối bị hạn chế do nhiều lý do về quản lý nhà nước, phải tới tới năm 1985 trở đi, PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang (lúc đó là Giám đốc Sở) đã có những chương trình phục hồi lại võ cổ truyền dân tộc, trong đó có võ cổ truyền Hà Nội.

Các môn phái, võ phái, võ đường của võ cổ truyền Hà Nội trước kia chưa được công khai thì bây giờ đã được dạy võ công khai và chính thức, tạo ra một làn gió mới cho phong trào võ cổ truyền Hà Nội.

Trong thời này, võ đường Thanh Lê cũng được thành lập bởi võ sư Thanh Lê. Võ sư Thanh Lê là bộ đội đặc công giải ngũ và là võ sư của môn phái Nam Hồng Sơn. Song song việc phát triển võ cổ truyền thì nhiệm vụ của võ đường được Sở TDTT Hà Nội giao cho lúc đó là phát triển thêm môn võ Pencak Silat.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 2

Tính tới nay, võ phái Đông Đô Việt Võ Quyền đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển.

Các võ sinh tham gia tập luyện võ cổ truyền đã được chọn lọc để chuyển sang tập Pencak Silat, qua đó đã cống hiến rất nhiều cho thể thao Hà Nội nói riêng và thể thao quốc gia nói chung. Có thể kể tới cái tên tiêu biểu như nhà vô địch thế giới, Vô địch SEA Games, Vô địch Quốc gia Nguyễn Hồng Hải, các võ sĩ nổi danh như Lê Ngọc Sơn, Mai Thế Lâm, Ngô Bá Huy và rất nhiều võ sinh đạt HCV vô địch quốc gia, vô địch trong khu vực.

Đến năm 2009, thầy Thanh Lê tuổi đã cao nên truyền lại võ đường Thanh Lê cho tôi. Qua một quá trình hoạt động phát triển từ 1990-2009, với bề dày thành tích đóng góp như vậy thì Hội võ thuật Hà Nội đã đồng ý cho võ đường Thanh Lê được nâng cấp từ võ đường lên thành võ phái, lấy tên là Đông Đô Việt Võ quyền, phát triển liên tục từ 2009 tới bây giờ.

Về các phong trào, Đông Đô Việt Võ Quyền chủ yếu phát triển võ thuật cổ truyền trong học đường, dạy ở các trưởng tiểu học, trung học trong và ngoài địa bàn Hà Nội. Trong các kỳ hội diễn, các giải đấu của võ cổ truyền Hà Nội, võ phái có được những thành tích tốt, thường xuyên đứng ở top 3.

Thời điểm xưa chúng tôi có đóng góp vào thế hệ vàng của Pencak Silat Việt Nam, còn bây giờ thì Pencak Silat phát triển rất rộng rãi trên cả nước nên rất nhiều tỉnh mạnh chứ không riêng gì Hà Nội, chính vì vậy số lượng VĐV cống hiến cho phong trào không còn được như xưa.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 3

Đến với võ như một cái duyên nghiệp, tính tới nay tôi đã gắn bó với võ được trên 30 năm. Lúc xưa cũng không ai nghĩ sẽ chơi võ và gắn bó với võ dài lâu đến vậy nhưng khi tập võ mình bị cuốn hút theo những đặc thù riêng võ thuật, cảm thấy hơi thở của mình là hơi thở võ thuật.

Hồi bé do điều kiện kinh tế xã hội chung thời điểm đó, mình sinh ra cũng không được khỏe mạnh, hay ốm yếu, trong đầu thường có suy nghĩ làm sao được nâng cao sức khỏe để học tập và làm việc tốt hơn.

Trong quá trình tìm hiểu tập luyện thì tôi lại có cơ duyện tìm được những người thầy dạy võ, họ đã dạy tôi võ thuật, để tôi phát triển và có được sức khỏe, truyền cho tôi niềm đam mê võ thuật. Và như một cái duyên nghiệp cứ thế theo NGHIỆP VÕ suốt hơn 30 năm.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 4

Thường thường, một người thầy võ thường tập luyện kỹ một môn và có thể tham khảo nhiều môn võ khác. Khi mà tôi theo võ thuật, người thầy tôi bái sư chính thức là sư phụ Thanh Lê. Trong quá trình tìm hiểu võ thuật tôi cũng được gặp nhiều người thầy khác và cơ duyên được họ chỉ bảo, uốn nắn, đó là những người thầy hết sức đáng tôn kính trong cuộc đời võ thuật của tôi.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 5

Võ cổ truyền là Di sản, là một hệ thống Kỹ thuật luôn có sự sắp xếp, điều chỉnh để phù hợp cho mỗi giai đoạn lịch sử. Ngày xưa người ta tập võ ít và luyện rất nhiều. Thế hệ như chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thực tế không có nhiều thứ giải trí, đơn giản chỉ đi học đàn guitar, đá bóng, tập võ hoặc bơi lội. Thời điểm đó cũng rất ít vấn đề khiến thanh niên quan tâm so với hiện nay có quá nhiều game, internet, mạng xã hội nên quỹ thời gian của thanh niên bây giờ sẽ được chia sẻ cho nhiều vấn đề đó.

Các thầy dạy võ ngày xưa đều trưởng thành qua quá trình va chạm xã hội, nên kiến thức va chạm họ khác giờ rất nhiều. Bây giờ chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, không thể lấy võ thuật ra để giải quyết các vấn đề. Do vậy thầy võ ngày trước và hiện tại có sự khác biệt nhiều.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 6

Võ thuật ngày nay đi theo hướng được thể thao hóa, nó gồm thể thao quần chúng (cho mọi người tập luyện ở mọi lứa tuổi), thể thao học đường (phát triển ở trường học) và thể thao đỉnh cao (thi đấu võ thuật). So với những gì mà trước kia tôi được học và tập luyện thì võ thuật bên cạnh việc cần được bảo tổn, gìn giữ thì cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện xã hội bây giờ.

Với mỗi đối tượng giảng dậy thì sẽ có các chương trình đào tạo khác nhau. Khi dạy học sinh ở các trường học, vẫn là các bài tập đấy nhưng cần điều chỉnh sao cho phù hợp. Các cháu không chỉ học võ thuật mà tập trung chính vào rèn luyện văn hóa, thậm chí học văn hóa rất là nặng. Với đối tượng huấn luyện cho lực lượng vũ trang hoặc đối tượng thi đấu thể thao chuyên nghiệp lại là các chương trình khác biệt.

Tôi nghĩ rằng là giới trẻ bây giờ họ nhìn Võ cổ truyền theo một cách khác, đó là điều tất yếu vì mỗi thế hệ sẽ có các góc nhìn khác nhau. Điều cần làm là xem họ nhìn võ cổ truyền ở góc độ nào để điều chỉnh cho phù hợp.

Bây giờ bạn chỉ cần lên mạng có thể tìm hiểu được rất nhiều môn võ, từ Võ quốc tế đến võ Việt Nam. Giới trẻ giờ có quá nhiều sự lựa chọn và so sánh, họ có thể học võ cổ truyền và so sánh với các môn khác ngay lập tức hoặc học môn khác và so sánh với võ cổ truyền.

Người thầy ở thời điểm này cần có một kiến thức rất bao quát và rộng lớn để làm sao vẫn giữ được cốt cách của võ cổ truyền nhưng vẫn cập nhật được những cái mới, cái hay để điều chỉnh.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 7

Giới trẻ bây giờ họ ưa cái mới, ưa sự phá cách, ưa sự đột phá, nếu chúng ta quá nặng bám vào những cái truyền thống thì lại mất đi sự hòa nhịp với giới trẻ, và ngược lại nếu chúng ta chỉ chạy theo giới trẻ thì sẽ mất đi cái truyền thống vốn có, sẽ không còn là võ cổ truyền nữa. Đây là điều khó khăn cho người thầy võ khi cần biết dung hòa giữa cái xu thời bây giờ và cái cổ truyền ngày xưa. Việc này không dựa vào một cá nhân ai mà cần sự nỗ lực của các thầy, những người dạy võ thuật cần chung sức, đoàn kết với nhau để làm, ngoài ra cần cả sự định hướng của các cấp cao hơn nữa, của những người có thẩm quyền để làm những việc này.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 8

Điều tôi tự hào là tất cả mọi người đến với Võ phái đều coi đây là sân chơi vui đoàn kết, gắn bó không vì mục đích tư lợi, đến với nhau vì niềm đam mê võ thuật và muốn được nâng cao sức khỏe, nâng cao các kỹ năng cá nhân, hoàn thiện khả năng bản thân mình thông qua việc tập luyện võ thuật. Mọi người đến với Đông Đô Việt Võ Quyền như một ngôi nhà chung, tất cả cùng nhau xây dựng.

Thầy Thanh Lê trước kia dạy tôi thì coi tôi như con, dạy võ không thu học phí nên Đông Đô Việt Võ Quyền chúng tôi đến với nhau trên tinh thần tự nguyện, không thu học phí. Trong võ thuật tôi chưa bao giờ đặt mục đích làm kinh tế, từ bây giờ tới lúc tôi không còn chơi võ nữa tôi luôn giữ quan điểm này. Võ thuật là một di sản chung và mình sẽ cống hiến theo khả năng của mình, không vì mục đích tư lợi.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 9

Võ sư Trần Việt với quan điểm "dạy võ không vì mục đích làm kinh tế".

Với tôi, để hoạt động võ thuật đã là khó khăn. Trong Hội Võ thuật Hà Nội chúng tôi luôn có quan điểm: các thầy võ mà đã bỏ ra cả cuộc đời để gắn bó với võ thuật đó là đấy là điều đáng kính trọng. Trong một xã hội đang lấy những tiêu chí khác để đánh giá về con người mà các thầy võ vẫn duy trì các lớp tập võ miễn phí, vẫn làm phong trào, vẫn cống hiến hết mình, chỉ riêng các điều đó là vô cùng đáng quý đáng trân trọng.

Để mà duy trì các phong trào võ thuật thì phải tiêu tốn thời gian, với thời gian đó đáng lý nếu tập trung các thầy võ tập trung cho gia đình, cho công việc thì đã có thể có cuộc sống kinh tế tốt hơn, một vị trí xã hội cao hơn.

Việc dành nhiều thời gian cho võ đôi khi sẽ bị ảnh hưởng, đó là những điều thiệt thòi đối với các thầy võ mà không phải ai cũng có thể nhìn nhận được. Với chúng tôi là những người chơi võ tự nguyện đam mê thì phải chấp nhận như một cái giá của cuộc chơi, cho niềm đam mê

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 10
Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 11
Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 12

Tất cả các chương trình của Hội võ thuật Hà Nội tổ chức Võ phái Đông Đô Việt Võ Quyền đều tham gia đầy đủ. Ngoài ra, một vài năm gần đây Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức các kỳ liên hoan, có điều kiện chúng tôi cũng đã tham gia và đạt được vài thành tích. Trong Giải vô địch võ cổ truyền thế giới lần thứ nhất, chúng tôi cũng có một VĐV dành HCV.

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 13

Võ phái Đông Đô Việt Võ Quyền có 2 hệ thống phát triển, một là các bài của bản môn, hai là các bài quy định của quốc gia. Các bài quốc gia thì có các bài quy định cho liên đoàn, có những bài quy định cho học đường, chúng tôi cũng đều phải cho các võ sinh, các HLV tập luyện để làm phong trào.

Với những bài bản môn, mỗi một môn phái võ đều có một bản sắc riêng, nó thể hiện ở các bài quyền, binh khí, điều này bên võ phái chúng tôi cũng đầy đủ hết. Tuy nhiên với binh khí tôi đang muốn nghiên cứu vào những mảng binh khí đặc thù, đặc dị một chút, nó không phải là những binh khí tiêu chuẩn mà có phần nào đó khác lạ. Ví dụ võ sinh tập các bài binh khí đặc dị của võ thuật cổ truyền như bài Song Ngư, Đòn gánh, Trủy thủ, trường kiếm.. v..v..

Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 14
Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 15
Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 16
Võ phái với những đòn quyền đặc thù giữa lòng Hà Nội - 17

Bên cạnh đó, tôi tập trung vào một mảng nữa khá thú vị đó là võ cổ truyền áp dụng cho đối tượng người cao tuổi. Hiện nay bên tôi các hệ thống bài tập đó rất là phát triển, ví dụ như các bài quyền, dưỡng sinh cho người cao tuổi tập vừa nâng cao sức khỏe, vừa cải thiện hệ thống gân cơ khớp, giúp cuộc sống tuổi gia vui hơn tốt hơn.

Ngày xưa thầy Thanh Lê có tham gia trong lực lượng đặc công thời kháng chiến chống Mỹ, thầy có học được nhiều kỹ thuật chiến đấu đặc thù của đặc công. Sau khi phát triển võ đường, có nhiều học sinh của thầy xuất thân là các sĩ quan đặc công.

Ở Đông Đô Việt Võ Quyền ngoài các giáo án cho đối tượng học sinh, dưỡng sinh cho người cao tuổi thì có thêm một mảng đào đạo cho lực lượng vũ trang. Cũng có thời kỳ khi chúng tôi đào tạo võ trong các trường học thì cũng đứng ra đào tạo bảo vệ tại trường học. Võ thuật áp dụng cho lực lượng vũ trang và tự vệ lại theo một phương pháp khác, thiên về thực chiến cho tình huống. Với lực lượng dân phòng thì tính chất công việc là tự vệ, bảo vệ là chính nên kỹ thuật sử dụng lại khác, chúng tôi nghiên cứu các kỹ thuật đánh đoản côn, tay không để họ áp dụng được cho việc bảo vệ trị an, khắc chế đối tượng khi cần thiết.

Trường hợp nếu là lực lượng vũ trang, đối tượng là các chiến sĩ đặc công, đặc nhiệm mang tính tiêu diệt thì kỹ thuật lại khác. Ở thầy Thanh Lê các kỹ thuật cho đặc công, đặc biệt là kỹ thuật về dao găm rất hiệu quả.