Võ là võ hay còn là văn?
Cách đây không lâu, một vị võ sư đến từ một thành phố của nước Pháp gần với biên giới Thụy Sĩ, đề đạt với Chủ tịch Quốc hội rằng nước ta "nên có một đạo luật và chương trình bảo vệ và bành trướng văn hoá võ thuật VN rộng ra thế giới".
Ông tên là Vang Ngọc Hà là Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật cổ truyền VN ở Pháp (Union des Arts Martiaux de Traditions Vietnamiennes). Cùng với ông Hà, còn có ông Nguyễn Văn Tạo - tiến sĩ quốc gia về vật lý, Tổng thư ký của hiệp hội này.
Các ông đồng ý với tôi về cách lập luận: chắc chắn nước mình từng có một nền võ thuật thật thâm hậu. Bởi lẽ trong lịch sử chúng ta đã từng phải giáp chiến với các đạo quân của phương Bắc, một xứ sở có rất nhiều môn phái võ thuật cao siêu mà đến nay thế giới đều nể vì và càng khâm phục qua những bộ phim kungfu đầy hấp dẫn.
Đương nhiên ta đã học hỏi nhiều ở nền võ thuật phương Bắc, nhưng chúng ta không thể không có cái riêng căn bản của mình. Chỉ có điều nó bị mai một quá nhiều mặc dầu bây giờ ta vẫn còn những phái võ khá thiện nghệ, nhiều vùng võ nổi danh như võ Bình Định chẳng hạn...
Còn một bằng chứng nữa là phong trào Vovinam đuợc hiểu như một dòng phái còn lưu truyền lại được của võ thuật VN cổ truyền vẫn đang tồn tại và đặc biệt được phát triển mạnh mẽ ở ngoài VN, qua lớp lớp những võ sinh và võ sư người Việt do những hoàn cảnh khác nhau sống xa Tổ quốc đã truyền cho nhau và sang cả nhiều người nuớc ngoài.
Từ ý nghĩ ấy, vị võ sư nhấn mạnh rằng cái sai của chúng ta ngày nay là chỉ coi võ là... võ, còn ông cho rằng võ trước hết phải là... văn.
Trong một bức thư ông trao cho cho Đoàn, vị võ sư diễn đạt rõ hơn khi đề nghị: "Nước VN nên có một đạo luật và chương trình bảo vệ và bành trướng văn hoá võ thuật như nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Chữ văn hoá mà tôi dùng nơi đây là theo quan niệm cổ truyền, nó gồm có văn chương và võ thuật như hai cánh tay của một người quân tử - Văn không có võ, văn thành yếu nhược. Võ không có văn, võ thành bạo tàn".
Đây chính là điều khiến cho phương Đông khác với phương Tây. Ở các nước phương Tây, các môn võ chủ yếu là thuộc ngành thể thao với các hội đoàn hay tổ chức nghề nghiệp từ cấp quốc gia đến khu vực và quốc tế. Nhưng ở nhiều nước phương Đông, các môn võ thuật được xem như căn bản là thuộc về văn hoá với hệ thống triết lý của nó.
Trong khi đó võ thuật ta thì sao? Ngoài những sới võ truyền thống được duy trì như một phần của văn hoá lễ hội ở nông thôn, các bộ môn võ thuật thuần Việt ít được quan tâm bằng việc du nhập các bộ môn của các nước khác. Ta phải du nhập để tranh tài với bạn, nhưng chẳng thấy một chủ trương truyền bá để bạn phải tranh tài với ta.
Chính các vị đứng đầu tổ chức võ thuật này ở Pháp cho biết chỉ riêng ở Pháp và Thụy Sĩ đã có hơn 15.000 võ sư và môn sinh không phải là người Việt, trong đó có nhiều người có trình độ văn hoá và địa vị xã hội cao. Võ thuật VN còn được đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường Bách khoa ở Lausane...
Những tin tức từ Đông Âu cũng cho chúng ta biết đến một tình trạng tương tự. Và các vị cũng hoàn toàn tự tin rằng võ thuật VN không hề thua kém các môn võ mà giờ đây đã được tổ chức truyền bá và thi đấu trên toàn thế giới nếu có một chiến lược sáng suốt.
Sự có mặt của đông đảo người nước ngoài tham gia vào võ thuật VN có thể coi là điều đáng mừng nhưng cũng có thể nói là đáng lo.
Trong khi ở trong nước xem nhẹ và không có một chiến lược lâu dài để bảo vệ và phát triển nó ra bên ngoài như một di sản văn hoá Việt, ngay ở nước ngoài tuy cộng đồng người Việt có quan tâm hơn nhưng không đủ lực để có những tổ chức mạnh mang tính đại diện quốc gia để bảo tồn, phát triển và truyền bá.
Không loại trừ khả năng có những người nước ngoài nhờ thế và lực mạnh, lại am hiểu tập quán pháp lý quốc tế sẽ đăng ký môn võ thuật này như một thương hiệu của họ cho dù nó vốn có tên là "Vovinam"!
Chính những người Việt ở nước ngoài đang có mối lo ấy, trong khi ở trong nước, ngành thể dục thể thao chỉ lo thi đấu, còn ngành văn hoá không xem võ là văn?
Có lẽ cũng vì vậy mà những người đứng đầu Hiệp hội Võ cổ truyền VN tại Pháp không chỉ phát biểu tại cuộc gặp gỡ mà có cả thư gửi ông Chủ tịch Quốc hội VN như một kiến nghị rất nghiêm túc.
Dường như chưa thấy có một động tĩnh nào đáng goi là chuyển biến thể hiện qua những hoạt động của võ thuật VN gần đây, tuy lần tổ chức quy mô ở Bình Định đã khắc phục được phần nào tình trạng quá tệ trong lần tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh trước đó.
Võ thuật chỉ là võ hay còn là văn là điều đáng để nghĩ ngợi cuối tuần này.
Theo Dương Trung Quốc
Lao động