V-League lao đao: Hàng trăm cầu thủ “không chốn dung thân”
(Dân trí) - Giải trong nước lao đao vì hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá. Mới đây, đến lượt Lâm Đồng giải tán khiến cho nhiều cầu thủ nữa lâm vào cảnh mất việc. Và không chỉ có các CLB phụ thuộc vào ông bầu, ngay đến VFF bây giờ cũng phải nhìn mặt 1… ông bầu.
Dĩ nhiên, khó có chuyện bóng đá nội không có giải vô địch quốc gia không được tổ chức trong năm 2013, một khi những người trong cuộc quyết tâm tổ chức giải đấu này. Cũng khó tưởng tượng một đất nước có trên 90 triệu dân vốn mê bóng đá như nước ta lại không có giải VĐQG.
Nhiều cầu thủ Việt Nam đang...không chốn dung thân - Ảnh: An An
Mới đây nhất, đến lượt đội hạng Nhất Lâm Đồng giải tán, còn cầu thủ của đội này phải ra đường. Nếu tính cả Lâm Đồng thì 2 giải đấu hàng đầu Việt Nam là V-League và giải hạng Nhất đã có 8 đội bỏ cuộc chỉ trong vòng vài tháng.
Các đội đó gồm Navibank SG, K.Khánh Hòa và CLB Hà Nội (của bầu Kiên) tại V-League, Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ SHB Đà Nẵng, Trẻ Hà Nội (của bầu Kiên), Bà Rịa Vũng Tàu và Lâm Đồng ở giải hạng Nhất. Đấy là chưa tính đến tương lai của V.Ninh Bình hiện nay ra sao, sau khi bầu Trường cũng bắt đầu nản, đồng thời từ bỏ vị trí chủ tịch CLB.
Gần chục đội bóng giải tán cũng đồng nghĩa với chuyện vài trăm cầu thủ lâm vào cảnh mất việc. Không chỉ có cầu thủ thuộc dạng làng nhàng, ngay đến hàng ngôi sao cỡ như Công Vinh, Quang Hải hay Thành Lương cũng chưa biết mình sẽ khoác áo đội bóng nào ở mùa giải tới.
Quang Hải vẫn chưa chính thức là người của Sài Gòn XT, Thành Lương thì chưa tìm được bến đỗ mới kể từ ngày CLB Hà Nội giải tán. Riêng ngôi sao số một làng cầu nội Lê Công Vinh vẫn chưa được đội nào nhận về, dù tên tuổi và chất lượng của cầu thủ này là điều không cần phải kiểm chứng.
Cái khó ở đây là với các cầu thủ thuộc dạng trung bình, chưa chắc các đội bóng cần đến, vì bản thân các ông bầu đang cần bỏ bớt cầu thủ co chất lượng dạng này, hòng giảm kinh phí. Còn với dạng cầu thủ đắt giá như Công Vinh, dẫu anh có tài, nhưng các đội bóng lại ngại nhận anh về bởi một lẽ họ không còn nhiều tiền để chi tiền lót tay và trả lương cao cho dạng ngôi sao cỡ Công Vinh. Thành ra không có tên tuổi của thất nghiệp, mà có tên, có tuổi cũng… ra đường.
Một vấn đề khác không thể không lưu tâm là không chỉ các CLB lao đao vì phụ thuộc vào hầu bao của các ông bầu, mà ngay đến các cơ quan điều hành bóng đá, cụ thể là VFF và VPF cũng đang phụ thuộc vào 1 ông bầu.
Cả VFF và VPF bây giờ đều cực kỳ cần tiền tài trợ, mà nhà tài trợ lớn nhất của 2 tổ chức này hiện nay đều do một doanh nghiệp vốn có sếp cũng là nhân vật có quyền lực thuộc VFF.
Ông bầu này vừa có vai vế ở VFF, vừa có vai vế ở VPF, và dù không phải là dân chuyên môn, nhưng dường như ở 2 tổ chức này, nhân vật nọ hiện nay là người có tiếng nói cao nhất về mặt… chuyên môn.
Không ít người cho rằng cái đề xuất không có đội rớt hạng tại V-League, cũng như chuyện đội U.22 Việt Nam tham dự giải VĐQG 2013 đến từ ý tưởng của nhân vật này.
Và suýt chút nữa, nếu như như dư luận không phản ứng mạnh mẽ thì những đề xuất mang nặng tính nghiệp dư trên đã được thông qua, bởi người có chân trong HĐQT VPF đưa ra biểu quyết về đề xuất ấy cũng là người có khả năng thông qua nó ở BCH VFF.
Bóng đá Việt Nam lao đao vì khó khăn của các đại gia thích chơi bóng đá hơn làm bóng đá, hàng chục CLB giải tán, hàng trăm cầu thủ mất việc vì quá phụ thuộc vào hầu bao của các ông bầu. VFF thấy rõ điều đó, nhưng một khi ngay cả họ cũng phải nhìn mặt 1 ông bầu có chân trong BCH để đưa ra nghị quyết của mình thì khó tin rằng VFF định hướng được cho cả làng cầu nội.
Kim Điền