Vị thế nào của bóng đá Việt Nam trong bản đồ khu vực Đông Nam Á?

(Dân trí) - Kết quả của AFF Cup 2014 phản ánh khá chính xác tương quan lực lượng của bóng đá trong khu vực, đội mạnh nhất và phát triển bền vững nhất lên ngôi vô địch, trong khi những đội bóng được gọi là hiện tượng rốt cuộc vẫn chỉ là hiện tượng.

Nhóm cạnh tranh ngôi vô địch

Nhóm đấy dĩ nhiên có Thái Lan – nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, Singapore và Malaysia. Cho dù Singapore bị loại ngay từ vòng bảng, nhưng không thể xem thường đội bóng từng 4 lần đoạt cúp AFF.

Singapore bị loại sớm vì đơn giản họ nằm chung bảng với 2 ứng cử viên vô địch nặng ký khác là Thái Lan và Malaysia. Trong 3 đội rất mạnh ấy, đương nhiên phải có 1 đội “rớt đài” sau vòng đấu bảng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà cũng ở bảng đấu của Thái Lan, Singapore và Malaysia, Thái Lan và Malaysia tái ngộ trong trận chung kết, chứng tỏ họ là những nền bóng đá ổn định nhất Đông Nam Á.

Sự ổn định đấy không phải nằm ở giải năm nay, mà còn có thể vắt qua nhiều giải khác, như họ luôn vào rất sâu, rồi chia nhau những ngôi vô địch của các giải đấu tầm khu vực trong những năm gần đây.

Cả đội tuyển Việt Nam lẫn Indonesia đều thuộc vào loại thiếu ổn định (ảnh: Gia Hưng)
Cả đội tuyển Việt Nam lẫn Indonesia đều thuộc vào loại thiếu ổn định (ảnh: Gia Hưng)

Riêng Thái Lan có vẻ như đang phát triển lên một trình độ khác. Cầu thủ Thái không thiếu kỹ thuật, được trang bị nền tảng thể lực tốt, lại mang trong mình một tư duy chơi bóng rất hiện đại, hiện đại hơn hẳn những gì mà chúng ta thường nhìn thấy nơi các đội bóng Đông Nam Á.

Với đội tuyển Việt Nam, dù chúng ta cũng vào bán kết và có lúc đá khá thăng hoa, nhưng bảo đội tuyển đủ sức chinh phục ngôi cao nhất thì chưa, chí ít là riêng lúc này. Đội tuyển Việt Nam thiếu trầm trọng bản lĩnh mà một nhà vô địch cần có. Chúng ta chỉ đá hay khi không bị áp lực gì, còn lúc gặp áp lực, toàn đội lại hóa tầm thường.

Minh chứng rõ nhất cho điều đó chính là thất bại trước Malaysia tại bán kết, trong một trận lượt về mà chúng ta có rất nhiều lợi thế, nhưng rồi tự đánh mất lợi thế vì sự thiếu tỉnh táo của một dàn cầu thủ non kinh nghiệm, luôn được đặt trong môi trường V-League thiếu tính cạnh tranh.

Hiện tượng chỉ dừng lại ở mức hiện tượng

Từ “hiện tượng” có vẻ hợp hơn với đội tuyển Việt Nam, so với cụm từ “ứng cử viên”. Thực chất hành trình của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu chỉ mang tính hiện tượng. Trước giải chúng ta không được đánh giá cao, nhưng khi bước vào vòng bảng chúng ta thi đấu hết sức bùng nổ.

Ở trận bán kết lượt đi, lúc ít người nghĩ chúng ta có thể thắng, chúng ta lại thắng rất đẹp. Nhưng đến lượt về, khi ai cũng nghĩ đội tuyển của HLV Miura sẽ thắng thì họ lại thua. Chúng ta chỉ đến được đấy vì thực lực của các cầu thủ Việt Nam chỉ chừng đó, có muốn làm hơn cũng khó.

Philippines cũng là một hiện tượng. 3 kỳ giải AFF Cup liên tiếp (2010, 2012 và 2014), đội tuyển Philippines vào đến bán kết giải đấu này, nhưng cũng 3 lần liên tiếp họ phải dừng bước ở giai đoạn bán kết. Chưa một lần Philippines tiến vào trận chung kết.

Điều này cũng không khó lý giải, từ cách làm bóng đá khá… văn nghệ của người Philippines. Người dân của quốc gia này nói chung không mê bóng đá, họ thích ca hát, chơi bóng rổ và đấu quyền Anh hơn.

Đấy chính là lý do mà cứ mỗi kỳ AFF Cup, Philippines lại gom cầu thủ có quốc tịch Philippines nhưng nguồn gốc châu Âu về đá cho đội tuyển, rồi ngay cả HLV cũng được gom góp từ nhiều nguồn, không có chiến lược phát triển ổn định.

Với người Philippines, đội tuyển thành công ở AFF Cup là điều tốt, nhưng nếu… lỡ không thành công cũng chẳng phải vấn đề gì to tát. Không có chuyện dân Philippines ngồi lại mổ xẻ thất bại của đội tuyển nước họ một cách thấu đáo. Với họ, không thành công lần này thì chơi lần sau, hoặc lần sau nữa, chứ khó có chuyện họ vạch hướng đi ổn định cho bóng đá nước mình.

Indonesia lại là một trường hợp khác. Đây là một nền bóng đá có tiềm năng, sở hữu nhiều cầu thủ có chất lượng, cộng thêm khát vọng rất lớn. Nhưng đặc thù của bóng đá Indonesia là khâu điều hành ở thượng tầng rất lộn xộn.

LĐBĐ nước này thậm chí còn thiếu tính ổn định, giải quốc nội của họ cũng vậy, thì làm sao đòi hỏi đội tuyển của họ ổn định cho được? Nên mới có chuyện dù tiềm năng lớn, nhưng Indonesia chưa một lần vô địch AFF Cup, và cũng chưa dám nói chắc đến khi nào thì họ vô địch?

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm