Vì sao cầu thủ HA Gia Lai toả sáng ở đội tuyển, nhưng lại chật vật tại CLB?

(Dân trí) - 5 cầu thủ HA Gia Lai tập trung đội tuyển quốc gia ở đợt trận mới nhất vòng loại World Cup 2022, 3 người trong số đó đá chính, và đều thể hiện tầm quan trọng của mình ở cấp độ đội tuyển. Nhưng khi quay về CLB HA Gia Lai, họ lại chật vật tại V-League.

5 cầu thủ thuộc CLB HA Gia Lai có tên trong đợt tập trung xung quanh trận đấu với Thái Lan, tại vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, gồm Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Văn Toàn.

Nếu tính luôn Công Phượng vốn cũng là người của HA Gia Lai cho Sint Truidense (Bỉ) mượn, quân của bầu Đức ở đội tuyển quốc gia có 6 người.

Ba người trong số này được đá chính ở trận gặp Thái Lan, gồm Hồng Duy, Tuấn Anh và Văn Toàn. Sau đó, Vũ Văn Thanh và Nguyễn Công Phượng được tung vào sân trong hiệp 2, để rồi từ thời điểm họ vào sân, quân của bầu Đức chiếm gần nửa đội hình của đội tuyển Việt Nam.

Vì sao cầu thủ HA Gia Lai toả sáng ở đội tuyển, nhưng lại chật vật tại CLB? - 1
Cầu thủ HA Gia Lai chơi rất hay khi lên đội tuyển quốc gia, nhưng lại chật vật khi về CLB (ảnh: Giang Hoàng)

Điều đáng chú ý ở chỗ họ vẫn chơi hay khi lên tuyển. Tuấn Anh là cầu thủ được đánh giá là thi đấu tốt nhất của đội tuyển Việt Nam, trước Thái Lan. Văn Toàn nếu có thêm bàn thắng, có lẽ cũng khỏi chê. Còn Hồng Duy tuy lên công về thủ chưa nhịp nhàng như Đoàn Văn Hậu, nhưng cũng không mắc lỗi nặng ở trận đấu thuộc vòng loại World Cup.

Trong khi đó, Công Phượng và Xuân Trường đều là những “quân bài trong tay áo” của HLV Park Hang Seo, là những nhân tố mà từ đó ông Park có thể đi tìm sự đột biến.

Ấy vậy mà cũng chính những cầu thủ đấy, khi về lại CLB, khoác áo chính đội bóng của bầu Đức, đội bóng này phải vất vả trụ hạng tại V-League, không chỉ mới 1 lần, mà liên tục 4 – 5 lần trong các mùa giải liên tiếp đã và đang diễn ra.

Nguyên nhân của hiện tượng này có lẽ đến từ việc mục đích đào tạo và thực tế sử dụng của cầu thủ xuất thân từ học viện HA Gia Lai JMG không giống nhau.

Vì sao cầu thủ HA Gia Lai toả sáng ở đội tuyển, nhưng lại chật vật tại CLB? - 2
Hồng Duy dù mang tiếng là hậu vệ, nhưng khả năng hỗ trợ tấn công lại tốt hơn khả năng hỗ trợ phòng ngự, vì ban đầu anh được đào tạo cho mục đích trở thành cầu thủ tấn công (ảnh: Giang Hoàng)

Học viện bóng đá HA Gia Lai JMG ban đầu khi đào tạo cầu thủ, là đào tạo ra từng sản phẩm riêng biệt để chuyển nhượng.

Nhưng khi các cầu thủ này trưởng thành, bầu Đức lại gom họ lại thi đấu chung với tính chất là một đội bóng chuyên nghiệp, trong khi những cầu thủ từ khoá 1 của học viện HA Gia Lai JMG, thuộc lứa Công Phượng, không đủ người để lấp đầy mọi vị trí trên sân, theo tính chất của một đội bóng đúng nghĩa.

Vì đào tạo cầu thủ theo tính chất cho ra lò từng sản phẩm để chuyển nhượng, nên có vị trí học viện HA Gia Lai JMG dư người, như vị trí của Tuấn Anh và Xuân Trường, nhưng có chỗ họ lại thiếu nhân sự trầm trọng: Ví dụ trước đây một sản phẩm của học viện này là Đông Triều buộc phải thi đấu trung vệ vốn đã là trái sở trường, vì học viện HA Gia Lai JMG từ đầu không đào tạo hậu vệ, hoặc cầu thủ chơi thiên về phòng ngự.

Để rồi sau này thực tế chứng minh, buộc Tuấn Anh đá chung với Xuân Trường, đội bóng ngay lập tức suy yếu vì 2 người đá quá giống nhau (ngoài các HLV ở CLB HA Gia Lai, cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng ở đội tuyển U23 Việt Nam từng là nạn nhân của việc cố “nhét” Tuấn Anh và Xuân Trường đứng cạnh nhau), nhưng tách riêng từng người thì người nào cũng hay: HLV Park Hang Seo hầu như chưa bao giờ để Tuấn Anh và Xuân Trường xuất hiện trên sân cùng lúc.

Hoặc Hồng Duy dù mang tiếng là hậu vệ, nhưng anh lại tấn công hay hơn phòng ngự, vì như đã nói, ban đầu anh được đào tạo để đá tấn công, việc kiêm luôn nhiệm vụ phòng ngự là khiên cưỡng đối với các cầu thủ xuất thân từ học viện HA Gia Lai JMG, do CLB của họ hiện tại buộc phải làm thế để cố lắp ghép từng sản phẩm riêng biệt thành một đội bóng, dẫn đến chuyện đội bóng này chưa bao giờ hoàn chỉnh trong suốt 4 – 5 năm qua.

Và cũng thành ra, người ta đã và đang chứng kiến thực tế, cầu thủ HA Gia Lai khi khoác áo đội tuyển quốc gia và khi trở lại CLB của chính họ, thể hiện 2 bộ mặt trái ngược nhau.

Ở đội tuyển quốc gia, họ được sử dụng theo tính chất của từng sản phẩm riêng biệt, được lắp ghép với các cầu thủ khác và được những cầu thủ này hỗ trợ, nên chơi rất hay. Trong khi đó, khi trở về CLB, họ thiếu sự hỗ trợ này, phải quay lại với sở đoản của mình, đó là cố trở thành một đội bóng, trong khi họ được đào tạo với mục đích ban đầu không giống như thế, nên đội bóng của họ thi đấu chật vật!

Kim Điền

Vì sao cầu thủ HA Gia Lai toả sáng ở đội tuyển, nhưng lại chật vật tại CLB? - 3