Vì sao các HLV châu Âu đồng loạt thất bại tại Asian Cup 2019?
(Dân trí) - Có khá đông các HLV châu Âu, kể cả các HLV rất nổi tiếng cầm quân tại Asian Cup năm nay, nhưng hầu hết trong số họ đều đã “rơi đài”, không đáp ứng được sự kỳ vọng của nền bóng đá mà họ làm việc.
Nổi tiếng nhất, giàu thành tích nhất trong số các HLV châu Âu tranh tài tại Asian Cup 2019 là HLV Marcello Lippi (người Italia), nắm đội tuyển Trung Quốc.
Trong quá khứ, người đàn ông này từng vô địch cả World Cup (cùng đội tuyển Italia năm 2006) lẫn UEFA Champions League (cùng CLB Juventus năm 1996). Không nhiều HLV trên thế giới có được thành tích đáng nể như HLV Marcello Lippi, nhưng rốt cuộc vị HLV nổi tiếng người Italia vẫn thất bại.
Lippi cũng chia tay đội tuyển Trung Quốc sau trận thua 0-3 trước Iran ở tứ kết giải năm nay, một trận đấu mà đại diện của nền bóng đá đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới lép vế hoàn toàn trước đối thủ từng 3 lần vô địch châu Á.
Nhân vật khác cũng rất nổi tiếng là HLV Hector Cuper (người Argentina), dẫn dắt đội tuyển Uzbekistan tại Asian Cup 2019. Trong quá khứ, Hector Cuper từng 2 lần đưa CLB Valencia (Tây Ban Nah) vào đến các trận chung kết UEFA Champions League vào các năm 2000 (thua Real Madrid) và 2001 (thua Bayern Munich).
Tuy nhiên, tại Asian Cup 2019, đội tuyển Uzbekistan của HLV Hector Cuper dừng bước rất sớm, sau khi thua Australia ở vòng 1/8, sau loạt sút luân lưu.
Một người nữa cũng rất nổi tiếng là HLV Alberto Zaccheroni (ngườ Italia) của đội tuyển UAE, người đàn ông đã từng vô địch Serie A cùng AC Milan năm 1999 và vô địch Asian Cup năm 2011 cùng đội tuyển Nhật Bản.
Nhưng đến Asian Cup 2019 thì Zaccheroni… hết phép, ông bất lực nhìn đội chủ nhà UAE bị Qatar thắng đậm đến 4-0 trong trận bán kết.
HLV Carlos Queiroz cũng bất lực nhìn Iran thất bại tại Asian Cup
“Hết phép” cũng là từ có thể mô tả về HLV Carlos Queiroz (người Bồ Đào Nha) của đội tuyển Iran. Dù sở hữu trong tay lực lượng rất mạnh, của một trong những nền bóng đá lớn nhất châu Á, nhưng ông Queiroz vẫn phải cay đắng nhìn Iran bị Nhật vượt qua ở bán kết với tỷ số đậm 3-0.
Đấy là chưa tính đến HLV Sven Goran Eriksson (người Thuỵ Điển), dẫn dắt đội tuyển Philippines và bị loại ngay vòng bảng.
Nhìn chung, các HLV nêu trên chỉ còn cái danh là nổi tiếng, chứ bản thân bài bản của họ đã lỗi thời, khả năng đọc trận đấu hiện hạn chế nhiều so với lúc họ còn ở đỉnh cao.
Cũng chưa chắc nhiệt huyết của các HLV nêu trên còn ở mức cao, bởi nếu họ vẫn còn tài năng và vẫn còn được trọng dụng, có lẽ họ vẫn sẽ làm việc ở châu Âu, chứ không cất công sang tận châu Á, vốn có nền bóng đá ở đẳng cấp thấp hơn.
Thành ra, mới có chuyện HLV Lippi không thể giúp gì cho đội tuyển Trung Quốc thay đổi tình hình khi bị Iran thắng đậm đến 3-0, điều có lẽ sẽ không xảy ra khi vị HLV nổi tiếng “cáo già” này còn ở thời vàng son.
Tương tự cũng là trường hợp của HLV Carlos Queiroz khi Iran thua đậm Nhật Bản 0-3 ở bán kết và HLV Alberto Zaccheroni, lúc UAE thảm bại 0-4 trước Qatar cũng tại bán kết. Cái danh của họ vẫn nổi như cồn, nhưng thực tế khả năng cầm quân của họ không còn như xưa!
Felix Sanchez Bas (người Tây Ban Nha) là HLV châu Âu thành công nhất tại Asian Cup 2019, ông cùng đội tuyển Qatar đã có mặt trong trận chung kết. Nhưng trong hàng ngũ các HLV ra đi từ “lục địa già”, Felix Sanchez Bas không được xếp vào hàng tên tuổi. Ông này sống tại Qatar từ tận năm 2006, trong những ngày đầu của học viện Aspire (Qatar), nên hầu như đã trở thành dân bản địa của đất nước Tây Á kể trên!
Kim Điền