VCTV mang “thượng đế” ra góp vốn cho K+
(Dân trí) - Trong lúc K+ còn chưa thực hiện việc chia sẻ bản quyền Ngoại hạng Anh gói Super Sunday, mới đây lại thêm một rắc rối nữa liên quan đến việc ra đời K+ khi VCTV đã dùng thuê bao của mình để góp vốn cho K+, khi không tham khảo ý kiến khách hàng…
VCTV tự ý “bán khách” giữa đường
Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) ra đời trên sự hợp tác liên doanh giữa VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam) và đối tác Canal+ (Pháp). Thời hạn hoạt động của VSTV kéo dài 25 năm và có thể tiến hành bổ sung theo luật Việt Nam. Số vốn điều lệ ghi trong hợp đồng là 20 triệu USD, phần đóng góp của VCTV là hơn 10 triệu USD (chiếm 51% tổng vốn).
Bản hợp đồng cũng cho thấy rõ điều khoản phân chia lợi nhuận hàng năm, dựa trên tỷ lệ góp vốn giữa VCTV và Canal+. Nhưng điều bất hợp lý là VCTV lại quyết định trao toàn quyền điều hành VSTV, quản lý tài chính cho đối tác nước ngoài chỉ chiếm số vốn đóng góp 49%.
K+ vẫn chưa chia sẻ quyền phát sóng gói Super Sunday cho các đối tác
Phần vốn đóng góp của VCTV cùng Canal+ để cho ra đời VSTV thực chất là hệ thống cơ sở vật chất phát sóng DTH (Direct to home - phương thức truyền dẫn qua vệ tinh), cùng 100.000 thuê bao đang sử dụng hệ thống DTH của VCTV (ở thời điểm ký hợp đồng). Như vậy, có thể hiểu khách hàng thuê bao của VCTV được quy đổi như một phần vốn mà VCTV đóng góp cùng đối tác Canal+.
Kể từ cuối năm 2009, các thuê bao thuộc gói DTH của VCTV đã được chuyển giao cho VSTV quản lý nhưng các chủ thuê bao của VCTV lại không nhận được thông báo từ phía đơn vị cung cấp, không được tham khảo ý kiến. Theo một số luật sư tại Hà Nội, đó có thể coi là hành vi “bán khách giữa đường” và vi phạm phạm luật.
Điều 152 Bộ luật dân sự, quy định rõ ràng nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ: “Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và các thỏa thuận khác; không được giao cho người khác thực hiện công việc này nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ...”.
Giải thích về việc này, Tổng Giám đốc VSTV, ông Cao Văn Liết cho biết: việc chuyển các thuê bao thuộc gói DTH từ VCTV sang VSTV chỉ là hình thức thay tên gọi. Các thuê bao không phải đầu tư thêm, lại được phục vụ đến 70 kênh, thay vì 20 kênh như khi chưa chuyển giao. Ông Liết khẳng định việc làm của VSTV là không sai, VSTV cũng đã thông báo qua truyền hình…
Hiện tại VSTV đang sở hữu độc quyền giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật (gói Super Sunday). Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra đầu tháng 8/2010, K+ phải đàm phán chia sẻ bản quyền cho các đối tác truyền hình khác để phục vụ nhu cầu của khán giả.
Tuy nhiên tới thời điểm này, giải Ngoại hạng Anh đã trôi qua được hơn 2 tháng nhưng K+ vẫn chưa thực hiện việc chia sẻ. Theo lời ông Cao Văn Liết, giữa VSTV và các đối tác truyền hình khác chưa thể tìm ra tiếng nói chung về các điều khoản.
“VCTV không hỏi ý kiến khách hàng là không thể chấp nhận”
Trao đổi với báo giới trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đã có những nhận xét về vấn đề VCTV tự ý chuyển thuê bao cho VSTV, việc VSTV nắm độc quyền phát sóng gói Super Sunday:
“Việc VCTV chuyển thuê bao sang cho K+ như một hình thức góp vốn chẳng khác nào hành động bán khách của xe đò. Dần dần chúng ta cũng phải quen với vấn đề truyền hình trả tiền và truyền hình theo nhu cầu nhưng mọi thứ phải minh bạch. Việc chuyển khách sang một dịch vụ mới như vừa rồi VCTV thực hiện thì phải có sự thỏa thuận giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.
Nếu khách hàng đồng ý thì mới được chuyển, còn nếu không phải bồi thường cho khách hàng. VCTV tự động thay đổi và buộc khách hàng trả thêm tiền là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ trong trường hợp này người tiêu dùng có thể khiếu nại và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cần có tiếng nói, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Trong nền kinh tế thị trường thì bất kỳ ở nước nào cũng phải chống độc quyền. Việc VSTV chiếm lĩnh giải ngoại hạng Anh ngày chủ nhật trên mọi hạ tâng phát sóng là không hợp lý. K+ có 51% vốn của VTV tức là vốn nhà nước vì thế cần đặt vấn đề phục vụ đông đảo người dân lên hàng đầu.
Cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Bộ Thông tin Truyền thông phải có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi người dân và chống độc quyền. Chúng ta cũng có luật chống độc quyền rồi nên Bộ Thông tin Truyền thông phải có trách nhiệm can thiệp…”.
Quang Vinh