Văn hóa bóng đá Việt Nam xuống cấp: Nhà dột từ…nóc
(Dân trí) - Dư luận còn chưa hết bất bình với màn chửi tục liên hồi của tiền vệ Danh Ngọc, thêm một lần nữa khán giả truyền hình lại phải chứng kiến hình ảnh hậu vệ Quốc Long chắp tay “tế sống” trọng tài Quốc Hưng ở sân Pleiku được phát đi phát lại trên kênh VTV3.
V-League 2012 là mùa giải đầu tiên đặt dưới sự điều hành của VPF, đơn vị từng được trao gửi nhiều kỳ vọng sau hàng loạt tuyên bố hùng hồn về một sự “thay da đổi thịt” cho bóng đá Việt Nam. Đã có những nét tích cực xuất hiện ở khía cạnh chuyên môn, hoặc lượng khán giả đến sân. Nhưng văn hóa bóng đá trên khán đài, trong sân thi đấu lại phát triển theo chiều hướng tụt hậu báo động.
Sau mỗi vòng đấu, tần suất những tiếng chửi xuất hiện ngày càng nhiều và điểm lại đó đều là các gương mặt thuộc hàng “sao” đã hoặc đang khoác áo đội tuyển như: Chí Công (B. Bình Dương), Hoàng Danh Ngọc (V. Ninh Bình), Quốc Long (Hà Nội T&T)…còn những kiểu “lỡ miệng” chửi thề diễn ra không thể đếm.
Khi cầu thủ chửi trọng tài, dĩ nhiên những nhân vật chính phải đón nhận bản án kỷ luật nặng từ Ban kỷ luật VFF như trường hợp “án điểm” mà Ban kỷ luật vừa áp dụng với màn chửi liên hồi của ngôi sao lứa Olympic một thời Hoàng Danh Ngọc. Tuy nhiên, nếu đổ hết sự xuống cấp về văn hóa bóng đá lên đầu các cầu thủ e là chưa thuyết phục, bởi cầu thủ suy cho cùng cũng chỉ là sản phầm của một nền bóng đá.
Sức ép về thành tích sau các khoản đầu tư “triệu đô” khiến cho nhiều người nằm ở “thượng tầng” CLB không còn giữ được cái đầu lạnh trong những tình huống cần hạ hỏa đối với học trò. Khi những HLV nổi tiếng như Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn, Hữu Thắng không ngần ngại nhảy bổ vào tranh cãi trọng tài, thử hỏi cầu thủ có thể phản ứng văn minh với “vua sân cỏ” trong những tình huống ảnh hưởng đến khoản thưởng tiền tỷ từ ông “bầu”?.
Ở khía cạnh khác, các ông “vua sân cỏ” cũng chẳng vô can trong bức tranh mang gam màu xám của văn hóa bóng đá khi đưa ra những quyết định không dứt khoát khiến cầu thủ không phục. Và ở đâu đó có không ít cầu thủ than phiền về cách nói chợ búa, hoặc hù dọa theo kiểu “muốn ăn thẻ không?” của những người cầm cân nảy mực đang điều hành giải đấu chuyên nghiệp bước sang tuổi 12.
Bóng đá muốn phát triển không thể thiếu vai trò đóng góp quan trọng của khán giả. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử không đồng đều giữa các hội CĐV hoặc thành viên trong cùng một hội CĐV đang gián tiếp đẩy văn hóa bóng đá nước nhà đi xuống. Không hài lòng với đội nhà cũng chửi, bất bình trọng tài cũng chửi. Khi những tiếng chửi luôn đồng thanh vọng xuống như thể thứ đặc sản xuất hiện trên nhiều sân cỏ, làm sao có thể chờ đợi cầu thủ sẽ ứng xử văn minh trên sân?.
Trong sự phát triển theo chiều hướng giật lùi của văn hóa sân cỏ cũng có phần trách nhiệm lớn từ những đơn vị đóng vai trò quản lý điều hành giải. Có nhiều trường hợp Ban kỷ luật VFF cố ý ra án phạt nặng nhằm răn đe với hành vi phi thể thao, nhưng chỉ vài ngày sau Ban giải quyết khiếu nại lại xóa hoặc giảm 1/2 án như vụ “vái lạy” trọng tài của Công Vinh (tháng 3/2010) dường như đã tạo ra tiền lệ khiến giới cầu thủ nhờn thuốc với Ban kỷ luật.
VFF và VPF đã vẽ ra nhiều viễn cảnh màu hồng cho bóng đá Việt Nam khi chuyển lên mô hình chuyên nghiệp 100%. Trước khi tính đến sự thay đổi tầm vĩ mô, các vị lãnh đạo VFF - VPF hãy cũng nhau tìm ra phương thức nâng cao văn hóa bóng đá Việt Nam từ nhiều khía cạnh, bởi đó là cách tốt nhất để níu giữ niềm tin và sự ủng hộ của người hâm mộ!.
Quang Vinh