V-League xài nhiều tiền nhưng không phục vụ tốt khán giả
(Dân trí) - Các đội bóng tham dự V-League mỗi năm tốn rất nhiều tiền đầu tư cho đội bóng, nhưng tiền đấy không mang lại sự thoải mái cho khán giả khi đến sân, tiền đấy cũng chưa chắc được đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ bóng đá.
Tính trung bình, mỗi CLB tại V-League mỗi mùa tiêu tốn 40 – 50 tỷ đồng cho cuộc chơi ở giải vô địch quốc gia. Nếu là đội nhắm đến mục tiêu vô địch, cần đầu tư lực lượng cầu thủ và HLV, con số này có thể lên đến 70 – 80, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tiền đầu tư vào V-League, vào các đội bóng tại V-League cứ tăng, nhưng chất lượng chuyên môn lại không tăng.
Chất lượng không tăng vì kỳ thực có mấy đội bóng chịu đổ tiền vào làm bóng đá trẻ tử tế? – Mà thực chất nguồn cầu thủ của khá nhiều đội tại V-League chỉ là một vài gương mặt quen thuộc được luân chuyển từ đội này sang đội khác.
Chất lượng chuyên môn không tăng vì cũng không có mấy đội bóng, có mấy ông chủ chịu quan tâm đến cơ sở vật chất phục vụ bóng đá. Người ta có thể bỏ vài chục tỷ đồng mỗi năm để mua sắm cầu thủ, nhưng hầu như các ông chủ đều không quan tâm đến việc cần bỏ ra số tiền ít hơn nhiều để tu dưỡng mặt cỏ, cải thiện chất lượng các khán đài, cải thiện chất lượng công trình phụ trên sân để phục vụ chuyên môn, phục vụ người xem.
V-League cài nhiều tiền, một số người nhờ V-League, nhờ giữ chức sắc ở các đội bóng giàu lên, nhờ những “cái phết”, “cái phẩy” xung quanh các bản hợp đồng chuyển nhượng, nhưng bóng đá Việt Nam nhìn chung lại nghèo nàn về cơ sở vật chất phục vụ V-League.
Tốc độ cải thiện cơ sở vật chất của bóng đá Việt Nam nói chung, của V-League nói riêng hiện không theo kịp tốc độ phát triển của nhiều loại hình giải trí khác như các tụ điểm ca nhạc, các rạp chiếu bóng, các trung tâm thương mại… nên khán giả bỏ V-League để chạy sang các loại hình giải khác âu cũng là điều dễ hiểu.
Và, V-League xài nhiều tiền, không ít người có liên quan đến V-League, đến các đội bóng giàu lên, nhưng phương thức phục vụ khán giả lại không hề tăng.
V-League sau hơn 15 năm gắn mác chuyên nghiệp vẫn đầy những trận đấu đáng ngờ ở cuối mỗi mùa giải. Các đội bóng thay vì phát triển về mặt chuyên môn lại hình thành nên những liên minh có liên quan, chịu sự chi phối của một – hai ông bầu nhất định, của hiện tượng “một ông chủ - nhiều đội bóng”.
Càng về cuối mùa giải thì người ta càng chứng kiến nhiều trận đấu thật thật, giả giả, nhiều lỗi khó lý giải của những cầu thủ đang tham gia V-League.
Chính sự thiếu sòng phẳng của giải đấu, chính nỗi hoài nghi về tính trung thực từ phía các cầu thủ, các đội bóng khiến cho người hâm mộ càng lúc càng dè dặt khi đến xem V-League.
Giải vô địch quốc gia sau hơn 15 năm hướng lên chuyên nghiệp cũng là hơn 15 năm tiêu tiền như nước, nhưng tiền đấy có cảm giác chỉ phục vụ một bộ phận người tham gia bóng đá, chứ không phải phục vụ nhu cầu thưởng thức bóng đá nói chung của người hâm mộ.
V-League sau 15 năm lên chuyên nghiệp, một bộ phận người tham gia vào giải đấu này giàu lên, nhưng sự giàu có của họ lại tỷ lệ nghịch với niềm tin của khán giả đối với giải đấu hàng đầu bóng đá nội.
Kim Điền