V-League: Khâu trọng tài và khâu kỷ luật yếu kém nhưng không được xử lý tốt

(Dân trí) - Hai khâu yếu nhất của V-League năm này qua năm khác là khâu trọng tài và khâu kỷ luật, nhưng vẫn cứ tồn tại bởi VFF không xử lý đến nơi đến chốn. Đấy cũng chính là lý do mà các đội giờ xem thường kỷ cương của giải, không đánh giá cao Ban trọng tài lẫn Ban kỷ luật VFF.

Sự cố “bẻ còi” trên sân Long An phản ánh một điều rằng năng lực chuyên môn của không ít trọng tài có vấn đề. Thành ra, chưa cần bàn đến chuyện tư tưởng, tiêu cực hay không tiêu cực, trọng tài có “dây” hay không có “dây” như dư luận than phiền, thì chất lượng của các trọng tài bóng đá vẫn rất đáng báo động.

Khi phân tích lỗi của các trọng tài, Ban trọng tài thường khôn khéo mổ băng (thường là mổ kín) tình huống gây tranh cãi, nhưng bỏ qua phương pháp và năng lực nghiệp vụ của các trọng tài dẫn đến tình huống đấy.

Ngay ở màn “bẻ còi” gây phản cảm trên sân Long An, trong trận Long An gặp Thanh Hoá ở vòng 23 V-League, ban đầu trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi còn thể hiện quan điểm rằng trọng tài Trần Văn Lập không sai luật khi công nhận, rồi không công nhận bàn thắng của đội Long An, bởi bóng vẫn chưa được đưa vào cuộc trở lại.

V-League không thiếu trọng tài kém về nghiệp vụ nhưng vẫn được cất nhắc
V-League không thiếu trọng tài kém về nghiệp vụ nhưng vẫn được cất nhắc

Tuy nhiên, ông Mùi không nói rõ rằng vì sao trọng tài Lập không quan sát kỹ dấu hiệu từ phía trợ lý Minh Đăng trước khi đưa ra quyết định, thay vì ngược lại? Vì sao trọng tài chính và trợ lý trọng tài không hội ý với nhau trước khi bị đội Thanh Hoá phản ứng theo cấp độ leo thang, mà lại chờ đến lúc họ phản ứng quá mạnh mới hội ý rồi “bẻ còi”?

Đấy là vấn đề về mặt phương pháp làm việc, về năng lực của các trọng tài. Trước khi bàn đến chuyện họ làm đúng luật hay không đúng luật? Chính xác hay không chính xác trong một hay một vài tình huống? Những người quản lý khâu trọng tài cần quan tâm đến phương pháp áp dụng luật của họ có chính xác hay không đã?

Kỳ thực là Ban trọng tài đã không quản lý tốt mặt này dẫn đến chuyện có khá nhiều trọng tài không giỏi nghiệp vụ điều khiển các trận đấu V-League, gây phản ứng cho các đội.

Mà yếu kém của giới trọng tài Việt Nam lẽ ra đã được giải quyết tốt, nếu như cơ quan quản lý Ban trọng tài là VFF quyết liệt hơn và rạch ròi hơn trong việc chấn chỉnh bộ máy, chấn chỉnh ban chuyên môn của mình.

Tình huồng Olaha (SL Nghệ An) đánh chỏ vào mặt Huy Hoàng (Khánh Hoà)

Không thể có chuyện một ông trưởng Ban quản lý một đội ngũ yếu kém, gây phản cảm vá gây bất bình trong dư luận mà vẫn ung dung ngồi ghế đấy năm nay qua năm khác, nhiệm kỳ nọ đến nhiệm kỳ kia.

Cấp dưới yếu kém, cấp trên trực tiếp phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, theo nguyên tắc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, vậy mà trọng tài bóng đá nội yếu kém, ông trưởng ban không phải chịu trách nhiệm gì với VFF?

Tương tự như thế là vấn đề của Ban kỷ luật, ông trưởng ban này Nguyễn Hải Hường liên tục “chế” ra các thuật ngữ lạ lùng, để giúp nhiều đội bóng và nhiều cầu thủ thoát án phạt.

Mới nhất là hình ảnh các cầu thủ SL Nghệ An đánh chỏ thô bạo nhằm về phía ít nhất 2 cầu thủ Khánh Hoà ở vòng 23 V-League, băng hình ghi lại rành rành, nhưng ông trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường vẫn bảo rằng không phải lỗ thô bạo.

Tình huống Mạnh Hùng (SL Nghệ An) đánh chỏ vào mặt Lâm Ti Phông (Khánh Hoà)

Chưa kể khi phát biểu như thế, ông Nguyễn Hải Hường còn đi ngược lại chính tiêu chí và khuyến cáo của VFF từ đầu mùa, đó là phải mạnh tay xử lý tiêu cực.

Cấp dưới làm ngược lại quan điểm của cấp trên, của cả tổ chức mà vẫn không bị xử lý thì khó nói rằng sự xuống cấp của V-League, sự xấu đi về mặt hình ảnh của bóng đá Việt Nam không có trách nhiệm của VFF.

Kim Điền

V-League: Khâu trọng tài và khâu kỷ luật yếu kém nhưng không được xử lý tốt - 2