V-League đìu hiu thế “cờ tàn”
(Dân trí) - Bất chấp cuộc đua đến ngôi đến ngôi vô địch đang vào giai đoạn nước rút, chẳng mấy người đến sân theo dõi cuộc đua này tại V-League. Đấy có lẽ mới là vấn đề quan trọng nhất với những người điều hành bóng đá Việt Nam vào lúc này, chứ không phải việc đội nào sẽ lên ngôi.
Lượng người xem phản ánh chất lượng giải đấu
Chỉ có khoảng 4.000 người đến sân theo dõi đội đầu bảng Hải Phòng đi tìm chiến thắng trên sân Cần Thơ, nơi về lý thuyết nếu đội bóng đất Cảng giành trọn 3 điểm, con đường đến ngôi vô địch V-League lần đầu tiên trong lịch sử của họ sẽ rộng thênh thang.
Ở một sân bóng khác, mọi việc còn tệ hơn: 1.500 người xem là bút phê của giám sát trận đấu về lượng người theo dõi trận Sài Gòn FC gặp Hà Nội T&T, đội bóng còn mạnh hơn, giàu khả năng đứng đầu giải hơn cả Hải Phòng.
Không mấy người còn quan tâm đến cuộc đua đến ngôi vô địch V-League, không mấy người còn quan tâm đến việc ai sẽ là đội xưng vương sau mùa bóng năm nay. Đấy mới là chi tiết quan trọng nhất đối với BTC giải, với cả những người điều hành bóng đá Việt Nam, chứ không phải việc chờ xem ai sẽ lên ngôi.
Với người hâm mộ, ai lên ngôi không còn quan trọng giữa một giải đấu không hấp dẫn về chất lượng chuyên môn, lại không khó đoán về mặt kết cục.
Giải đấu không khó đoán ở chỗ người ta vốn đã dự báo chuyện Hải Phòng trước sau gì cũng mất ngôi đầu bảng, từ thời điểm Hải Phòng còn cách đối thủ gần nhất đến... chục điểm kia kìa.
Riêng trận đấu trên sân Cần Thơ vừa rồi, đội bóng đất Cảng còn bị nghi ngờ sẽ được “trả nghĩa” bởi đội bóng đất Tây Đô, vốn năm ngoái nhờ trận thua lạ của Hải Phòng mà trụ lại V-League.
Kết quả của riêng trận đấu nói trên là Cần Thơ thắng, nhưng cách thắng của đội bóng miền Tây Nam bộ không quan trọng bằng cách thua của Hải Phòng. Thật ra thì đội bóng đất Cảng tự thua trong trận đấu nói trên hơn là Cần Thơ vượt qua họ.
Bản thân Cần Thơ liên tục để lộ những khoảng trống chết người nơi hàng thủ, trách là trách Hải Phòng không tận dụng hết. Bản thân Cần Thơ cũng đột ngột đá thiếu người từ phút 61, do có cầu thủ bị đuổi trong một tình huống mà phần đông người hâm mộ nói chung chẳng hiểu cầu thủ ấy nổi nóng vì lẽ gì?
Nói tóm lại, Hải Phòng thua vì họ “tự sát” vì những sai lầm không thể hình dung nổi của thủ môn Đặng Văn Lâm và hàng thủ, chứ thật ra Cần Thơ không hề chơi hay, cũng chưa chắc quyết tâm đánh bại Hải Phòng bằng mọi giá.
Bầu Hiển càng thành công, V-League càng vắng khán giả
V-League càng không khó đoán ở chi tiết càng đến thế “cờ tàn” thì hiện tượng “dồn điểm” cho một đội bóng của bầu Hiển là Hà Nội T&T từ phía 3 đội bóng khác cũng có liên quan ông bầu này càng lúc càng rõ rệt.
Ở vòng 23 thì Sài Gòn FC thua Hà Nội T&T đúng như dự đoán, đúng theo cách mà những SHB Đà Nẵng và Quảng Nam cứ hễ gặp Hà Nội T&T là thua từ đầu mùa đến giờ. Theo thống kê, Hà Nội T&T giành đến 16/18 điểm ở các trận đấu với Quảng Nam SHB Đà Nẵng và Sài Gòn FC, tính từ đầu V-League 2016 (chỉ 1 trận hoà và 5 chiến thắng).
Người hâm mộ trung lập không tin những thông số quá trùng hợp như thế, người ta cũng chán nghe cách giải thích của những người điều hành bóng đá Việt Nam rằng bầu Hiển không trực tiếp đứng tên sở hữu các đội ấy, nên không phải là ông chủ.
Họ chán xem những trận đấu dễ đoán trước kết quả, còn những người điều hành bóng đá nội càng giải thích theo kiểu có lợi cho bầu Hiển trong vụ “một ông chủ - nhiều đội bóng” thì V- League càng mất giá.
2 đội bóng của bầu Hiển đá với nhau để một đội tranh ngôi vô địch (Hà Nội T&T) nhưng chỉ có 1.5000 người đến sân Thống Nhất, bao gồm luôn khoảng trăm người là nhân viên phục vụ trận đấu.
Có nghĩa là các đội bóng của ông bầu này càng thành công, thì tâm lý bất mãn với V-League càng lớn, từ những đội bóng khác và từ người hâm mộ, họ bất mãn vì cuộc chơi không còn công bằng, vì sự bất lực của BTC V-League, của VFF trong việc cứu chất lượng giải đấu.
Một V-League như thế, có nên gọi là thành công?
Trọng Vũ