V-League đang xuống cấp trầm trọng

(Dân trí) - Chất lượng chuyên môn của trọng tài bị đặt trong tình trạng báo động, sức hút của giải đấu giảm sút, BTC bất lực trước những nghi án tiêu cực, đấy đều là những hồi chuông báo động cho chất lượng của V-League.

Ở bất cứ giải đấu nào, cuộc đua vô địch và cuộc đua né suất xuống hạng luôn là 2 cuộc đua căng thẳng nhất. Thế nhưng, với riêng V-League 2016, cuộc đua trốn suất xuống hạng gần như đã ngã ngũ chỉ sau nửa chặng đường.

Đồng Tháp dường như là đội bóng sẽ phải nhận cái suất không mong muốn đấy, và bản thân đội bóng miền Tây Nam bộ cũng phản ứng rất yếu ớt so với tình cảnh của chính họ hiện nay. Người ta không cảm nhận được tinh thần theo kiểu đá một mất một còn của cầu thủ Đồng Tháp, cho dù xét về mặt tình cảnh họ lúc này, họ phải chơi với tinh thần như thế.

Đội bóng của HLV Trần Công Minh vẫn chơi một cách cam chịu như thể với họ có trụ lại V-League thêm một mùa nữa cũng không khác việc rớt hạng. Vấn đề của Đồng Tháp có lẽ là tiền, ở lại với V-League họ chắc chắn sẽ còn tốn kém, trong khi nếu rớt hạng, Đồng Tháp cùng lắm cũng chỉ quay trở lại với khởi đầu của chính họ 6 – 7 mùa bóng gần đây: Tức là cứ lên lên, xuống xuống giữa 2 hạng đấu như đi chợ.

V-League ngày một khó thu hút người xem vì chất lượng kém (ảnh: Trọng Vũ)
V-League ngày một khó thu hút người xem vì chất lượng kém (ảnh: Trọng Vũ)

Một nửa sự hấp dẫn của giải đấu xem như mất đi cùng thái độ cam chịu của Đồng Tháp, nửa còn lại đang bị thách thức nghiêm trọng, khi đội đầu bảng Hải Phòng ngày một đuối dần trong cuộc đua giữ ngôi đầu. Hải Phòng đuối cả về chuyên môn lẫn tinh thần.

Đường đua đến ngôi vô địch rốt cuộc chỉ còn mỗi Thanh Hoá là đội duy nhất công khai quyết tâm, bên cạnh SHB Đà Nẵng khi tỏ khi mờ mà người ta chẳng hiểu nổi đội bóng sông Hàn có thực sự muốn ngán đường Thanh Hoá hay không?

Điều đáng bàn đối với Thanh Hoá nói riêng và V-League nói chung nằm ở chỗ, Thanh Hoá năm nay cũng chẳng phải là đội mạnh, bằng chứng là họ từng thua những trận thua rất dễ trước các đối thủ dưới cơ gồm Quảng Nam, Sài Gòn FC và Cần Thơ, nhưng đến giờ đội bóng của HLV Lê Thuỵ Hải vẫn là đội bóng giàu cơ hội vô địch nhất.

Thanh Hoá nhiều cơ hội vô địch không phải vì Thanh Hoá mạnh, mà chủ yếu là vì hàng loạt đội mạnh gồm B.Bình Dương, Hà Nội T&T không thiết tha đua đến ngôi đầu với Thanh Hoá, trong khi đội bóng từng sở hữu thời cơ rất lớn là Hải Phòng đến lúc cần tung nước rút lại... giẫm chân tại chỗ.

Đấy là về mặt khát vọng, còn về mặt chuyên môn, chất lượng của bóng đá nội còn bị báo động qua những gì mà các cầu thủ thể hiện trên sân.

HLV Miura từng nhận xét cầu thủ Việt Nam rất lười di chuyển. Bằng chứng là các cầu thủ tại V-League trung bình di chuyển kém các cầu thủ ở những giải đấu chuyên nghiệp trên thế giới khoảng 4 – 5 km/trận.

Đến giai đoạn cuối giải, khi động lực của hầu hết các đội bóng đã cạn, thì bệnh lười di chuyển càng nặng hơn, khiến cho tốc độ các trận đấu vốn đã chậm càng thêm chậm, càng khó thu hút khán giả.

Và bàn về chất lượng V-League thì phải bàn về khâu trọng tài. Khi mà giới cầu thủ vẫn vô cảm với đôi chân của đồng nghiệp. Khi mà án phạt dành cho Quế Ngọc Hải với pha vào bóng thô bạo nhằm vào Anh Khoa còn chưa ráo mực, thì lại xuất hiện tiếp tình huống còn rợn tóc gáy hơn từ Bửu Ngọc dành cho Duy Long.

Nhìn cách Bửu Ngọc phân bua như thể chẳng phạm lỗi gì sau pha phi chân vào đầu gối Duy Long, mới cảm nhận rõ hơn sự vô cảm của các cầu thủ. Riêng trọng tài cũng chẳng khá hơn, chiếc thẻ vàng mà trọng tài Nguyễn Trọng Thư sử dụng trong tình huống vừa nêu cũng chẳng nào một sự vô cảm khác với bạo lực sân cỏ.

Trọng tài kém chuyên môn, vô cảm với giải đấu, cầu thủ vô cảm với đồng nghiệp, chẳng trách người xem cũng dần vô cảm với chính V-League. Điều đó khiến cho chất lượng của giải vô địch quốc gia đứng trước thách thức thực sự.

Kim Điền

V-League đang xuống cấp trầm trọng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm