1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League đang phản chiếu đúng thực lực đội tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Khi một đội bóng thi đấu không thuyết phục, dĩ nhiên HLV phải chịu trách nhiệm, như trường hợp của đội tuyển Việt Nam mới đây. Nhưng cũng không nên quên rằng đội tuyển nói chung cũng chỉ là nơi phản ánh thực trạng của giải quốc nội.

Bảo đội tuyển thi đấu thuyết phục hay không thuyết phục trong trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc) mới đây, hoặc có thuyết phục hay không trong một số trận đấu đã qua ở các giải quốc tế khác nhau? – Câu trả lời có thể là chưa thuyết phục.

Hỏi rằng đội tuyển có bất ổn hay không xung quanh khả năng kết dính? – Câu trả lời vẫn có thể là có. Và một khi đội tuyển thi đấu không thuyết phục, dĩ nhiên HLV Miura phải có trách nhiệm.

Dù vậy, ngay cả khi đó thì không thể nói rằng toàn bộ sự bất ổn của đội tuyển, nếu có, đều xuất phát từ vị HLV người Nhật. Càng không thể chối bỏ ảnh hưởng từ V-League lên lối chơi chung của đội tuyển Việt Nam, vì nói cho cùng cấp độ đội tuyển chỉ là bộ mặt phản ánh thực trạng của toàn bộ nền bóng đá, phản ánh chất lượng của giải quốc nội.

Rất khó tìm ra một đội tuyển tốt nếu nền bóng đá chưa tốt, cộng với một giải vô địch quốc nội thiếu tính cạnh tranh và lắm vấn đề nhạy cảm.

 

dtvn-10-9-15-1441873637559
Đội tuyển nói cho cùng chỉ là phần ngọn phản ánh cái gốc là giải quốc nội

 

Chúng ta đang đòi hỏi phong độ cao với một loạt tuyển thủ quốc gia trong bối cảnh và trong thời điểm mà hàng loạt vòng đấu cuối của V-League, trùng với thời điểm đội tuyển tập trung, xuất hiện rất nhiều trận đấu thiếu quyết liệt.

Đấy là vấn đề lẽ ra cần phải được mổ xẻ đến nơi đến chốn khi bàn đến chuyên môn của đội tuyển, vì nói cho cùng tất cả các tuyển thủ hiện nay đều đến từ V-League, từ một giải đấu mà các vòng cuối nhiều đội bóng đá như chơi. Thế thì làm sao thẩm định được phong độ của những người tham gia đội tuyển bây giờ?

Người ta đòi hỏi đội tuyển phải đá nhuyễn, nhỏ, ban bật phải đẹp, trong khi thói quen của các cầu thủ ngay từ cấp CLB là gì? Đó là phất bóng dài, đá vượt tuyến cốt mang bóng thật nhanh lên phía trên cho các ngoại binh xử lý. Họ quen đá như thế ở CLB, thì trong ngày một ngày hai làm sao bỏ hẳn thói quen ấy khi lên tuyển?

Việc đấy có lẽ cũng cần phải tính đến khi bàn về chất lượng của đội tuyển. Muốn đá nhuyễn, dứt khoát cần dạng cầu thủ có kỹ thuật. Mà để có dạng cầu thủ có kỹ thuật, trước tiên phải là tốt khâu đào tạo. Vậy thì cũng nên xem lại khâu đào tạo của các đội bóng trong nước bấy lâu nay như thế nào, hay đa phần đến các giải trẻ lại đi gom quân theo kiểu đối phó?

Rồi trách nhiệm của những người điều hành bóng đá nội ở đâu khi để xảy ra tình trạng đấy? – Trong khi họ đóng vai trò là những người nắm định hướng và quản lý nền bóng đá, cụ thể hơn là quản lý các CLB.

HLV Miura dĩ nhiên có trách nhiệm trong việc đội tuyển thi đấu thiếu thuyết phục, phong độ phập phù trong thời gian vừa rồi. Nhưng nếu để thay đổi tình trạng đấy, thay một hay một vài ông Miura có giải quyết dứt điểm hay không? – Trong khi phần gốc của vấn đề là thay đổi chất lượng của giải quốc nội, thay đổi phương thức thi đấu của giải đấu này, thay đổi chất lượng đào tạo của từng đội bóng thì ta giải quyết chưa tốt.

Không giải quyết triệt để việc đấy, thì có thay bao nhiêu ông Miura cũng không đủ, có đưa người khác lên nắm đội tuyển cũng chưa chắc thay đổi bộ mặt của đội tuyển hiện tại. Và chúng ta đã thay bao nhiêu HLV trong hoàn cảnh tương tự như thế này rồi, thay tướng sau một vài thất bại? – Để rốt cuộc có tạo nên một đội tuyển khác hay không? Có thay đổi được bản chất của vấn đề hay không?

Trọng Vũ

 

logobanthethao-840e5