V-League 2015 thực sự bất cập khi chỉ có 1 đội xuống hạng?

(Dân trí) - Theo đề xuất, chỉ có 1 suất xuống hạng ở V-League 2015, trong khi giải đấu có đến 14 đội tham dự. Điều này đặt ra nhiều thách thức về tính cạnh tranh của giải đấu. Từ đây cũng cho thấy nhiều bất cập trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp.

1 suất xuống hạng cho 14 đội?

14 đội tham dự giải VĐQG, nhưng chỉ có 1 suất xuống hạng xem ra quá ít. Suất xuống hạng này còn ít ở chỗ với bóng đá Việt Nam, với V-League do năm nào cũng có đội đứng trước nguy cơ giải thể, năm nào cũng có thể xảy ra trường hợp các đội đang đá giữa chừng thì… muốn ngưng, nên có thể rốt cuộc thì cũng chẳng đội nào phải xuống hạng hết cả. Người ta cứ việc đủng đỉnh đá, rồi chờ đội nào đấy giải thể là coi như xong nhiệm vụ.

Đấy là một bất cập và cũng là chi tiết tạo ra thách thức lớn cho bóng đá nội. V-League vốn đã là một giải đấu mà ở đó người ta không thấy sự mặn mà và quyết tâm của hầu hết các đội bóng trong việc cạnh tranh ngôi vô địch.

Ví như năm ngoái, càng đến gần đích đến thì người ta càng cảm nhận được rõ rằng hầu như phần còn lại của bóng đá nội không muốn ngăn B.Bình Dương lên ngôi.

Một giải đấu vốn đã thiếu sự cạnh tranh ở nhóm trên như vậy, giờ lại thêm chuyện nhóm dưới cũng thiếu cạnh tranh nốt thì còn gì là hấp dẫn?

Càng ít suất xuống hạng thì V-League càng giảm tính cạnh tranh
Càng ít suất xuống hạng thì V-League càng giảm tính cạnh tranh

Hàng loạt đội bóng đầu tư vài chục tỷ đồng mỗi năm vốn đã không thể tơ tưởng đến chuyện tranh ngôi cao, giờ lại chẳng cần phải cạnh tranh suất xuống hạng, thì hóa ra họ lập ra đội bóng, duy trì đội bóng ấy hết sức tốn kém chỉ để đá… chơi à?

Không có áp lực cạnh tranh, trách sao những người quản lý đội bóng không thể đòi hỏi cao nơi các cầu thủ? Trách sao cầu thủ nội không lười nhác, ra sân mà chẳng thèm di chuyển như HLV Miura phản ánh khi trả lời báo chí Nhật, như trưởng Tanaka Koji thống kê rằng cầu thủ Việt Nam đang “ăn gian” thời gian xem bóng đá của người hâm mộ?

Những nhà điều hành bóng đá Việt Nam luôn miệng cho rằng cần phải nâng chất giải đấu trong nước, nâng tầm bóng đá nội. Tuy nhiên, việc cần thiết nhất để nâng chất và nâng tầm hệ thống bóng đá là tạo ra áp lực cạnh tranh thì những người đang làm công tác điều hành bóng đá Việt Nam không thể thực hiện được.

Hệ thống thi đấu “trói” lẫn nhau

V-League có tới 14 đội bóng với chất lượng làng nhàng đã là một nhược điểm của bóng đá nội, 14 đội bóng đá đấy chỉ có 1 đội phải rớt hạng lại càng bất cập hơn. Tuy nhiên, chính những các cơ quan quản lý bóng đá nội cũng đá lúng túng trong việc có nên tăng suất rớt hạng hay không, xuất phát từ chỗ suất rớt hạng ở V-League sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến suất thăng hạng ở giải hạng Nhất.

Giải hạng Nhất mùa tới sẽ có 8 đội tham dự. Trong số 8 đội này, có vẻ như chẳng có đội nào sẵn sàng… thăng hạng. Những đội dạng như Phú Yên, Bình Phước, Huế, Đắk Lắk, Nam Định vốn không phải là các CLB bóng đá chuyên nghiệp thực thụ theo quy định của AFC.

Họ là những đội bóng được bao cấp hoàn toàn từ địa phương, hoặc có nhận tài trợ từ doanh nghiệp thì cũng chỉ là những gói rất nhỏ, vốn không đáng kể. Riêng đội Công An Nhân Dân không thể nào chuyển đổi sang mô hình của doanh nghiệp, nếu họ có lên hạng, vì đặc thù của ngành.

CLB TPHCM vốn không đủ tiềm lực tài chính và con người để nghĩ đến chuyện lên V-League. Còn CLB Hà Nội vốn chỉ là sân sau của Hà Nội T&T, nên nếu họ lên hạng thì lại càng không nên.

8 đội bóng dự giải hạng Nhất thì cả 8 đội đều có những đặc thù để gây khó cho chính họ trong việc thăng lên V-League. Với chất lượng và đặc thù của các đội giải hạng Nhất như vậy thì cũng thật khó để người điều hành bóng đá nội tính đến chuyện tăng suất rớt hạng ở V-League (đồng nghĩa với việc phải tăng suất thăng hạng từ giải hạng Nhất) nhằm tăng sức hấp dẫn của giải đấu số 1 Việt Nam.

Bất cập nằm ở chỗ các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá nội đang “trói” lẫn nhau. Bất cập còn nằm ở chỗ những người điều hành bóng đá nội quá thiên về số lượng đội bóng chơi ở giải V-League, mà bỏ qua chất lượng. Họ cứ đều đặn tăng số lượng đội dự V-League qua mỗi mùa bóng, trong khi chất lượng của các đội bóng và chất lượng giải đấu không hề tương xứng.

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm