1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

U23 Việt Nam và những bài học rút ra từ giải đấu ở Bình Dương

(Dân trí) - U23 Việt Nam ngày càng định hình lối chơi cũng như nhân sự sau giải quốc tế tại Bình Dương. Họ cũng chứng minh họ đang trưởng thành dần. Dù vậy, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc vẫn còn những mặt cần phải cải thiện.

Những điều cần cải thiện về mặt chuyên môn

Công bằng mà nói, U23 Việt Nam đã thi đấu khá ở Bình Dương, lối chơi của đội mỗi lúc được định hình rõ nét hơn, các mũi tấn công cũng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đội cũng có những vấn đề cần phải cải thiện gấp.

Không có tiền đạo nào của đội tuyển U23 Việt Nam ghi bàn tại giải đấu vừa kết thúc ở đất Thủ Dầu. Hà Minh Tuấn và Mạc Hồng Quân tịt ngòi là một chuyện, chân sút vốn ghi bàn khá hay trong thời gian vừa rồi là Lê Văn Thắng cũng tỏ ra vô duyên, dù họ không phải không có cơ hội.

Và không phải ngẫu nhiên là ở 2 trận đấu cuối cùng của giải, 2 trận quan trọng nhất là trận bán kết và chung kết, U23 Việt Nam không ghi được bàn thắng nào. Trước các đối thủ giàu kinh nghiệm và đọc được bài của U23 Việt Nam, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc rất khó đá.

Ủng hộ HLV Hoàng Văn Phúc, nhưng cũng mong các cầu thủnhận ra đâu là phản ứng có chừng mực

Ủng hộ HLV Hoàng Văn Phúc, nhưng cũng mong các cầu thủnhận ra đâu là phản ứng có chừng mực

Đấy cũng chính là chỗ làm lộ ra nhược điểm khác của U23 Việt Nam. Trước các đối thủ thi đấu áp sát, không ngại va chạm như Sinh viên Hàn Quốc và B.Bình Dương, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc lộ rõ sự non nớt so với đối thủ.

Khi các mũi tấn công bị nhận diện và bị phong tỏa, chúng ta cũng chưa có phương án B hữu hiệu, thể hiện qua việc U23 Việt Nam đá trận bán kết và trận chung kết hiệp 2 kém hơn so với hiệp 1.

Và đặt trường hợp Sinh viên Hàn Quốc không bị mất người từ giữa hiệp 2 của trận bán kết, có thể U23 Việt Nam sẽ còn vất vả hơn nữa. Mà dạng đối thủ giàu thể lực, biết đá áp sát, dày dạn kinh nghiệm như kiểu Sinh viên Hàn Quốc hay B.Bình Dương không hiếm tại SEA Games, nơi những Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều mạnh về các mặt này, nên đội tuyển U23 Việt Nam sẽ gặp đối thủ thực sự khi đụng độ với họ trong hơn 1 tháng tới đây.

Cũng đừng quên rằng ở SEA Games 27, chúng ta không còn nhận được sự giúp sức từ yếu tố sân nhà (kèm theo khán giả nhà, và kể cả trọng tài… nhà), nên áp lực dành cho chúng ta tại SEA Games sẽ khác hẳn ở Bình Dương.

Sự băn khoăn về mặt tinh thần

Tại giải đấu vừa kết thúc ở Bình Dương, U23 Việt Nam nói chung và HLV Hoàng Văn Phúc nói riêng vừa trải qua một cú sốc tinh thần cực lớn, xung quanh quyết định đình chỉ công tác mà VFF dành cho HLV Hoàng Văn Phúc.

Ít người ủng hộ cách làm việc nước đôi của VFF. Nhưng đứng trên góc độ các cầu thủ, cũng không phải không có điều cần nói về họ sau câu chuyện này.

Có thông tin cho rằng vài cầu thủ trong đội U23 Việt Nam sẵn sàng tẩy chay đội, tẩy chay SEA Games 27, nếu như VFF “trảm” thẳng tay HLV Hoàng Văn Phúc. Nếu thông tin này có thật thì quả là rất nguy hiểm.

Đành rằng VFF có chỗ chưa đúng, đành rằng các cầu thủ có tình cảm tốt với ông Phúc, nhưng phản ứng theo kiểu vừa nêu là điều chẳng nên. Bản thân các cầu thủ cần hiểu rằng khi đã khoác lên mình màu áo của các đội tuyển cấp quốc gia là họ đang đá bóng cho cả một nền bóng đá, chứ không phải đá cho bất kỳ HLV nào cả.

Thành công của SEA Games 27, nếu đến, chắc chắn các cầu thủ cũng là người được hưởng lợi, và rộng ra nữa là cả nền bóng đá được hưởng lợi, và đây là điều mà các cầu thủ cần phải ý thức được.

Người ta không thể phản ứng một cái sai (của VFF, nếu có) bằng một cái sai khác, theo kiểu dây chuyền. Bóng đá Việt Nam trước giờ cũng xuất hiện không ít trường hợp nạn kiêu binh nẩy sinh từ chính những suy nghĩ lệch đường như thế, mà không được điều chỉnh kịp thời.

Đi chệch đường từ một chuyện nhỏ có thể đi chệch đường trong những chuyện lớn hơn, đặc biệt là với giới cầu thủ, vốn trước giờ không có mấy người có nhận thức sâu sắc. Mà bài học về thế hệ của những Văn Quyến, Quốc Vượng,… vẫn còn đấy, trước khi xảy ra sai lầm tai hại của chính họ ở SEA Games 23 năm 2005.

Kim Điền