U22 Việt Nam chờ đợi gì từ chuyến tập huấn tại Hàn Quốc?

(Dân trí) - Đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã sang Hàn Quốc tập huấn trong khoảng chục ngày, trước khi tham dự SEA Games 29 vào tháng 8 này tại Malaysia.

Thật ra thì đội tuyển U22 Việt Nam hầu như chỉ còn khâu ráp nối đội hình, rà soát lại các phương án chiến thuật và “nhả” khối lượng trong những ngày tới đây, trước khi bước vào giải đấu chính thức là SEA Games 29.

Thành ra, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng không nhất thiết cần phải đá với các đối tượng quá mạnh ở Hàn Quốc. Ưu tiên hàng đầu của đội tuyển U22 Việt Nam bây giờ không còn là thử sức chịu đựng của các cầu thủ, vì giải đấu đã cận kề.

Đội tuyển U22 Việt Nam cũng không nhất thiết phải đá với các đối tượng mạnh vì đằng nào ở SEA Games tới đây, các đối thủ trong bảng B của U22 Việt Nam cũng chưa chắc trên tầm Công Phượng và các đồng đội (dĩ nhiên, trừ Thái Lan).

Cải thiện hiệu quả hàng tấn công là ưu tiên hàng đầu của U22 Việt Nam hiện nay (ảnh: Trọng Vũ)
Cải thiện hiệu quả hàng tấn công là ưu tiên hàng đầu của U22 Việt Nam hiện nay (ảnh: Trọng Vũ)

Nếu điểm yếu lớn nhất của U22 Việt Nam vào lúc này chính là khả năng kết thúc của các tiền đạo, thì chúng ta cần rèn luyện khâu kết thúc. Vì thế, các trận đấu với những đội tượng vừa tầm xem ra hợp lý hơn cho đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng, trong những ngày tại Hàn Quốc.

Đá với các đội bóng không quá mạnh thì hàng tiền đạo mới có nhiều bóng đá để hoạt động, mới có nhiều pha dứt điểm và làm quen với cảm giác dứt điểm.

Lối chơi chủ đạo của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games cũng không phải là phòng ngự phản công, mà là tấn công, nên chúng ta không cần thiết phải đá phản công tại Hàn Quốc, mà điều ta cần là tập các bài tấn công. Với bài đấy, những đội bóng không mạnh sẽ là hợp lý hơn.

Như đã đề cập, U22 Việt Nam hiện đã không còn thời gian cho việc chọn lựa nhân sự mới. Việc chọn lựa, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã làm từ cả năm nay.

Hàng phòng ngự của đội tuyển cũng cần được gia cố (ảnh: Gia Hưng)
Hàng phòng ngự của đội tuyển cũng cần được gia cố (ảnh: Gia Hưng)

Dù giỏi hoặc không giỏi thì đội tuyển U22 Việt Nam hiện cũng phải chấp nhận chừng đó con người. Sẽ không có thêm bất cứ trung vệ nào khác, cho dù bây giờ chúng ta có bình luận rằng các trung vệ của chúng ta đã an toàn hay chưa?

Sẽ không có thêm bất cứ thủ môn nào khác, cho dù chúng ta có tin hay không tin vào sự ổn định của Tiến Dũng hay Minh Long. Hoặc sẽ chẳng có bất cứ sự bổ sung nào ở hàng tiền đạo, cho dù hiệu quả săn bàn của các chân sút hiện giờ vẫn khá thấp.

Không còn thời gian cho những sự bổ sung nữa rồi. Việc còn lại của đội tuyển và của HLV Nguyễn Hữu Thắng là giúp cho những gương mặt hiện có quen với hệ thống chung của toàn đội, hạn chế các sai lầm và phát huy tối đa điểm mạnh của từng người.

Nếu các thủ môn thời gian qua yếu trong bắt bóng bổng, đội tuyển sẽ rèn luyện cho họ cách khống chế bóng bổng, thậm chí liên hệ với các đội bóng chuyên chơi bóng bổng để đấu tập tại Hàn Quốc.

Nếu các tiền đạo yếu trong khâu kết thúc, HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ phải giúp họ làm quen với cảm giác được kết thúc thường xuyên, để họ quen với cảm giác không gian và thời điểm xuất hiện trước khung thành đối phương.

So sánh thì có vẻ hơi khập khiễng, nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy cận ngày diễn ra VCK các giải lớn như Euro hay World Cup, các đội mạnh hàng đầu thế giới cỡ Italia, Đức hoặc Tây Ban Nha vẫn đá tập với một số đội bán chuyên trong nước.

Họ chọn các đội bóng yếu để thi đấu nhằm giúp cho các cầu thủ của họ làm quen với cảm giác của những trận đấu, để “nhả” khối lượng sau những ngày nhồi thể lực, chứ cận ngày diễn ra giải không còn là thời điểm để đá những trận “toé lửa” nữa rồi.

Việc đấy là việc vốn đã được trang bị nhiều tháng, thậm chí cả năm trước đó. U22 Việt Nam từ thực tế đấy có thể rút ra những con tính cho chính mình trước thềm SEA Games 29.

Kim Điền

U22 Việt Nam chờ đợi gì từ chuyến tập huấn tại Hàn Quốc? - 3

Dòng sự kiện: SEA Games 29