1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

U19 Việt Nam: Từ những đôi chân trần đến những niềm hy vọng

(Dân trí) - 7 năm trước, nhiều người thấy lạ với phương pháp đào tạo của học viện HAGL-Arsenal.JMG. Hồi đấy, nhiều người lạ với cách mà học viện JMG cho cầu thủ nhí đá bóng chân trần, để rồi những đôi chân trần ấy về sau thành những niềm hy vọng.

Những đôi chân trần mang niềm hy vọng

Ngày ấy, trong một lần trò chuyện với chuyên gia Jean Marc Guillou, người sáng lập ra hệ thống học viện JMG toàn cầu (JMG cũng chính là cách viết tắt tên của ông này), khi ông sang Việt Nam, mới hiểu nguyên nhân vì sao trong những năm đầu tiên của chương trình đào tạo, các cầu thủ nhí phải đá bóng chân trần.

Theo vị chuyên gia người Pháp, từng đá bóng cùng thời với Platini ở đội tuyển áo Lam, sở dĩ học viện của ông cho cầu thủ đá bóng chân trần, vì theo ông cách ấy giúp cho cầu thủ tăng cảm giác bóng, điệu nghệ hơn trong pha xử lý.

Mỗi học viện và mỗi trung tâm đào tạo trẻ có cách làm riêng, nhưng đến giờ thì có thể thấy ý tưởng của Jean Marc Guillou không phải không có lý. Cầu thủ U19 Việt Nam thuộc lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… đều có kỹ thuật rất tốt, đúng với ý đồ đào tạo của học viện này.

Các pha xử lý bóng mà ngày nay chúng ta được thấy nơi Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đều rất mềm mại, uyển chuyển, đồng thời cảm giác bóng của họ thuộc vào loại hiếm thấy nơi các cầu thủ cùng trang lứa.

U19 Việt Nam giờ là niềm hy vọng của bóng đá nội
U19 Việt Nam giờ là niềm hy vọng của bóng đá nội

Nhưng vượt lên trên chuyện phương pháp tập đá bóng như thế nào, vượt lên trên chuyện cầu thủ thuộc học viện của bầu Đức sau khi ra lò có thành cầu thủ lớn hay không, hồi đấy, những đôi chân trần đến với học viện HAGL-Arsenal.JMG của bầu Đức đều mang theo giấc mơ về tương lai.

Ví như Công Phượng, cầu thủ này ban đầu đã thi trượt vào lò đào tạo trẻ của SL Nghệ An, thành ra, việc đến với học viện của bầu Đức chính là lối ra cho giấc mơ được đá bóng chuyên nghiệp của cậu nhóc Công Phượng 7 năm về trước.

Hay như Tuấn Anh và Minh Vương, những cầu thủ được bố mẹ lặn lội đưa từ Thái Bình đến Pleiku để thi tuyển đợt tuyển sinh chung kết của học viện. Với những bậc phụ huynh của những cầu thủ ấy, phải hy vọng vào tương lai như thế nào, họ mới vượt quãng đường xa đến thế, để tìm cơ hội vươn lên cho con mình. Còn nhiều hoàn cảnh như thế ở học viện của bầu Đức cách nay 7 năm, nơi người ta ban đầu đến với nhau bằng niềm tin.

Những tài năng sắp ra lò

Sau VCK U19 châu Á trên đất Myanmar vào tháng 10 này, các cầu thủ U19 Việt Nam xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG sẽ chính thức “ra lò”.

Họ sẽ bước vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Khi đó, chắc chắn sân chơi dành cho các cầu thủ hiện nay sẽ khắc nghiệt hơn hẳn những sân chơi mà họ từng trải qua.

Dù vậy, hành trang mà họ mang vào môi trường bóng đá đỉnh cao là thứ hành trang đầy đặn hơn, khác hơn so với nhiều thế hệ cầu thủ trẻ khác của bóng đá nội. Lứa cầu thủ U19 Việt Nam hiện nay được đào tạo bài bản, được ăn học đàng hoàng, nên so với nhiều thế hệ cầu thủ khác, sức đề kháng của họ với những mặt trái của bóng đá nội sẽ cao hơn.

Đấy cũng là những gì mà người ta hy vọng nhất vào lứa cầu thủ hiện tại. Ngoài vấn đề chuyên môn, vấn đề đáng quan tâm của cầu thủ nội luôn là phải biết đi đường ngay giữa một môi trường bóng đá quá phức tạp.

Đi đúng đường thì cầu thủ mới phát triển lâu dài, không sớm thui chột tài năng và không sớm bị sa ngã. Người ta không chỉ muốn thấy những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tỏa sáng ở các giải đấu trẻ rồi mất hút như lứa U16 Việt Nam từng gây chấn động năm 2000 từng như vậy, mà người ta còn muốn thấy những điều to tát hơn nơi họ.

7 năm sau cái ngày đi chân trần vào học viện HAGL-Arsenal.JMG, những cầu thủ nhóc của 7 năm trước bây giờ đều đã trở thành những niềm hy vọng của bóng đá nội. Họ là sản phẩm của một mô hình đào tạo lạ so với bóng đá Việt Nam thời đó, nhưng bây giờ thì nhiều người thấy cái lạ vừa nêu đang được việc, thậm chí có thể vạch ra hướng đi khác cho công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam.

Kim Điền