U19 Việt Nam: Đội hình nào trước Nhật Bản?

(Dân trí)- Việc U19 Việt Nam dùng đội hình nào để đá với Nhật Bản là chủ đề được quan tâm. Dùng người như thế nào và cách chơi như thế nào trước đối thủ sẽ tái ngộ chúng ta ở VCK châu Á là bài toán không hề dễ.

Nhật Bản không muốn lộ bài

Ngay trước khi giải U19 Đông Nam Á Nutifood Cup diễn ra, phía Nhật Bản đã vài lần đề nghị BTC chuyển họ sang bảng khác, hòng tránh chạm mặt U19 Việt Nam, vốn sẽ là đối thủ của ở VCK U19 châu Á 2014, diễn ra vào tháng 10.

Với Nhật Bản, giải đấu tại Myanmar vào tháng tới mới là giải đấu quan trọng nhất, nên họ dĩ nhiên không muốn “phơi” hết toàn bộ bài vỡ trước đối thủ mà họ sẽ đụng ở giải đấu ấy.

Mọi việc không suôn sẻ như người Nhật muốn, họ vẫn phải tiếp tục đá chung bảng với U19 Việt Nam ở giải Đông Nam Á – cúp Nutifood, đấy là lý do mà Nhật Bản chỉ đưa đến Hà Nội đội hình phụ, với nhiều cầu thủ chủ chốt vẫn đang “luyện công” ở nhà.

Đây là điều bình thường trong bóng đá, vì mỗi đội bóng đều có những mục tiêu khác nhau ở những giải đấu khác nhau và những thời điểm khác nhau. Chưa đến mục tiêu chính thì người ta cũng ít muốn lộ hết bài tủ và bung hết sức của mình.

U19 Việt Nam sắp tái ngộ U19 Nhật Bản (ảnh: Kim Điền)
U19 Việt Nam sắp tái ngộ U19 Nhật Bản (ảnh: Kim Điền)

Nhưng dù muốn dù không, dù đá với đội hình nào, U19 Nhật Bản vẫn được đánh giá cao hơn U19 Việt Nam, bởi cơ bản bóng đá Nhật vẫn ở đẳng cấp trên khá xa so với U19 Việt Nam.

Thành ra, người Nhật có thể dễ dàng giấu bài khi đá với U19 Việt Nam. Ngay cả một Nhật Bản với nền bóng đá hùng mạnh, với một đội U19 rất mạnh mà còn như thế, thì U19 Việt Nam không tính không được. Điều quan trọng là tính như thế nào?

Thứ nhất, U19 Việt Nam vốn đã không có nhiều bài, chúng ta cũng không có nhiều con người tốt như Nhật Bản, nên chúng ta chưa thuộc dạng đội bóng có thể thi đấu sòng phẳng với mọi đối thủ bằng mọi đội hình.

U19 Việt Nam đến với giải đấu với mục đích là tìm cú hích tinh thần cho VCK châu Á vào tháng 10, nên có thể HLV Graechen Guillaume không muốn nhìn thấy một trận thua quá đậm như trận thua 0-7 trước chính U19 Nhật Bản ở cúp Nutifood hồi đầu năm trên sân Thống Nhất.

U19 Việt Nam đi tìm một niềm tin

Muốn tìm cú hích tinh thần, cụ thể muốn đá coi được, tránh thua đậm trước U19 Nhật Bản, U19 Việt Nam ắt hẳn phải dùng một đội hình coi được. Đấy là điều mà HLV Graechen Guillaume có thể đang hướng tới.

Thực tế là U19 Việt Nam hiện không có nhiều cầu thủ dự bị tốt, khoảng cách giữa đội hình chính thức với đội hình dự bị, nhất là ở hàng thủ không phải là nhỏ.

Vấn đề ở đây là vị HLV người Pháp sẽ dùng người như thế nào trong từng thời điểm cụ thể của trận đấu. Không dùng những trụ cột thì có thể không đá lại Nhật, thậm chi có khả năng thua choáng váng, nhưng dùng liên tục trong suốt trận, vắt kiệt họ ở trận này, làm hao tổn thể lực của họ ở chặng đường tiếp theo lại có thể là… dại.

Rồi cũng phải tính xem mục tiêu của U19 Việt Nam tại giải đấu đang diễn ra ở Hà Nội là gì? Nếu nói như chính HLV Graechen Guillaume trước giải là vào chung kết, thì trận đấu với Nhật Bản tới đây có khi không quan trọng bằng trận bán kết sau đó ít ngày.

Có bao nhiêu “phơi” ra hết trước Nhật Bản, đồng thời để đối thủ ở bán kết nhìn thấy cũng là điều chẳng nên. Đấy nói cho cùng cũng là chi tiết thuộc về phương pháp cầm quân mà những HLV có kinh nghiệm đều phải tính.

Người viết cho rằng vị HLV người Pháp đủ khôn ngoan để biết đội mình cần đá ở mức nào trước Nhật Bản, cũng giống như đội bóng đến từ xứ sở Phù Tang đã và đang tính khi đưa quân đến Hà Nội dự giải U19 Đông Nam Á.

Đá đẹp thì ai cũng muốn, đá đẹp thì khán giả nào cũng thích, nhưng chẳng có đội bóng nào trên thế giới có thể đá đẹp trong mọi trận đấu. Biết cách phân phối sức, phân phối nhân sự cho từng đối thủ và từng thời điểm, biết lúc nào cần thắng bằng mọi giá và lúc nào cần có chừng có mực cũng là cái hay cũng từng nhà cầm quân vậy!

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm