U19 Việt Nam: Đá để biết mình ở đâu

(Dân trí) - Giải U22 Đông Nam Á chỉ là giải mời và không có nhiều ý nghĩa về mặt tranh chấp thứ hạng. Dù vậy, với U19 Việt Nam, đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng trước khi dự VCK U19 châu Á 2014…

Gặp lại đối thủ Indonesia

Giờ chót, U19 Indonesia quyết định tham dự giải đấu này và lại nằm chung bảng với đoàn quân của HLV Graechen Guillaume. Điều đó sẽ tạo nên cuộc trạm chán thú vị giữa U19 Việt Nam và U19 Indonesia.

Về mặt lý thuyết, cho đến giờ lứa U19 của HLV Graechen Guillaume vẫn chưa phải là số 1 khu vực, cũng bởi rào cản đến từ xứ vạn đảo, khi họ đã thắng chúng ta trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á năm ngoái.

Bỏ qua lối chơi rắn và Indonesia từng sử dụng trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á năm ngoái, thì đây vẫn là một đội bóng có chất lượng tốt. Đội bóng trẻ xứ vạn đảo không chỉ biết đá xấu, mà khi cần họ cũng có thể đá khá kỹ thuật, phối hợp có đường nét.

Indonesia từng đánh bại U19 Hàn Quốc tại vòng loại U19 châu Á cho thấy họ không phải là hổ giấy ở lứa tuổi U19 trong khu vực.

U19 Việt Nam cần những trận đấu ở Brunei để tiến bộ (ảnh: Vũ Dương)
U19 Việt Nam cần những trận đấu ở Brunei để tiến bộ (ảnh: Vũ Dương)

Thế nên, đá với U19 Indonesia ở giải U22 Đông Nam Á trong những ngày tới sẽ là cơ hội để U19 Việt Nam đánh giá mình đã tiến bộ đến đâu, trong bối cảnh mà đối thủ cũng không hề giẫm chân tại chỗ trong thời gian.

Việc đá với U19 Indonesia cũng là cách để chúng ta kiểm chứng các học trò của HLV Graechen Guillaume đã thực sự trưởng thành hay chưa? Đã đủ sức thích nghi với lối đá rắn nếu đối thủ dùng lối chơi này?

Trong bóng đá, không phải đội nào cũng chơi đẹp và một đội bóng trưởng thành phải là một đội bóng biết cách thích nghi với mọi đối thủ. Riêng ở trận đấu với U19 Indonesia năm ngoái, rõ ràng là chúng ta không có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt này, còn các cầu thủ không lường trước được thực tế muôn màu của bóng đá.

Chờ đợi các mảng miếng

Không chỉ có U19 Indonesia, một số đối thủ khác ở khu vực Đông Nam Á cũng tiến bộ nhanh trong thời gian gần đây. Ở giải đấu sắp tới, chúng ta sẽ đụng Malaysia ở vòng bảng, đội cũng từng gây không ít khó khăn cho U19 Việt Nam.

Ngoài ra, nếu qua được vòng bảng, khả năng U19 Việt Nam sẽ đối đầu với Thái Lan hay Myanmar không phải là nhỏ. Myanmar cũng cử lực lượng U19 đá giải này, nhằm chuẩn bị cho VCK U19 châu Á được tổ chức ngay trên sân nhà của họ, nên đây là đối thủ rất đáng xem.

Ngoài ra, vấn đề mảng miếng phối hợp cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm. Thời gian qua, từ cúp Nutifood cho đến những chuyến tập huấn tại châu Âu và Nhật Bản, U19 Việt Nam chủ yếu là đá giao hữu và đấu tập, trong khi không có trận đấu giao hữu hay đá tập nào có tính chất như các trận đấu thật.

Dù sao, so với những trận đấu đã qua, giải U22 Đông Nam Á cũng… thật hơn, có đội có nhiều lý do để chơi nghiêm túc hơn, vì nó liên quan đến thể diện của các nền bóng đá trong khu vực, ở lứa tuổi trẻ.

Ở những trận đấu trước mắt, người ta chờ đợi sự biến hóa trong lối chơi của U19 Việt Nam. Bên cạnh các pha phối hợp nhóm nhỏ vốn là sở trường của đội, U19 Việt Nam cần có thêm cách khác để tiếp cận cầu môn đối phương.

Trước đây, U19 Việt Nam phản công rất kém, chủ yếu là các cầu thủ của chúng ta không quen đá dài. Đây là điều cần phải cải thiện, các trung vệ hầu như không biết chuyền bóng vượt tuyến ngay từ phần sân nhà để bắt đầu các đợt phản công cho đội nhà. Đấy là khiếm khuyết vì những trung vệ hiện đại còn cần phải biết phát động phản công.

Có lẽ không một đội bóng nào trên thế giới có thể thành công trong bóng đá đỉnh cao nếu chỉ dựa vào một cách tấn công duy nhất. Để gây được bất ngờ cho đối thủ, phải có thêm phương án phụ. U19 Việt Nam cần những phương án phụ kiểu như thế để hoàn thiện chính mình, trước những trận đánh lớn hơn. Và đấy cũng là điều mà người ta chờ đợi ở đội bóng này.

Kim Điền