(Dân trí) - Đã một thời, người hâm mộ bóng đá say sưa kể về những tay săn bàn cự phách và độc đáo. Quãng thời gian đó sắp trở lại với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những tiền đạo tài năng.
Đã một thời, người hâm mộ bóng đá say sưa kể về những tay săn bàn cự phách và độc đáo. Quãng thời gian đó sắp trở lại với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những tiền đạo tài năng.
Cuối thập niên 1990, đầu 2000, cùng với sự thịnh hành của sơ đồ 2 tiền đạo, bóng đá thời kỳ này là giai đoạn nở rộ của những tay săn bàn. Mỗi đội tuyển quốc gia, mỗi CLB hàng đầu đều sở hữu những tay săn bàn cự phách. Mỗi tay săn bàn lại có một phong cách đặc trưng, nhưng tựu trung cực kỳ thính nhạy trước khung gỗ. Và không chỉ sắc bén, mỗi tiền đạo là một kỳ hoa dị thảo làm phong phú và độc đáo thêm cho vườn hoa bóng đá.
Bàn về sự phong phú, đi đầu luôn là Argentina và Brazil, hai đại diện ưu tú của bóng đá Nam Mỹ. Argentina là sự hiện diện của Batistuta, Claudio Lopez, Hernan Crespo v.v.. Brazil có Ronaldo, Romario và thừa mứa tiền đạo tới mức Giovani Elber, chân sút chủ lực của Bayern Munich hay Mario Jarden, chiếc giày vàng 1998/99 và 2001/02, Vua phá lưới Champions League 1999/2000 vẫn hiếm khi được triệu tập vào Selecao.
Ở cấp CLB, MU làm nên cú "ăn ba" vĩ đại ở mùa 1998/99 khi sở hữu trong đội hình tới 4 tiền đạo cự phách là cặp Cole-Yorke, Teddy Sheringham và "siêu dự bị" Solskjaer. Inter Milan thì có thời điểm quy tụ cả Ronaldo, Zamorano, Baggio và Vieri, chưa kể Recoba và Mutu cũng thuộc hàng số má. Juventus cũng không kém cạnh với Del Piero, Trezeguet và Inzaghi. Tại Tây Ban Nha, đội bóng Hoàng gia Real Madrid ngoài cặp Raul-Morientes còn chiêu mộ Anelka.
Phân tích sâu hơn về những kỳ hoa dị thảo của thời kỳ này, các tiền đạo đều có nét đặc trưng rất riêng, không ai giống ai. Phong cách "hàn lâm" thì có "bò mộng" Vieri, "vua sư tử" Batigol hay Hernan Crespo, David Trezeguez, Patrick Kluivert, Ruud van Nistelrooy, Alan Shearer... Đó là những tiền đạo toàn diện, sở hữu hình thể lý tưởng, giàu kỹ thuật nhưng cũng giỏi tranh chấp và đặc biệt dứt điểm đa dạng, từ không đến cận chiến và cả sút xa.
Kỳ dị thì không thể không kể đến Filippo Inzaghi, tay săn bàn được ví sinh ra trên lằn ranh việt vị. "Siêu dự bị" Solskjaer cũng là một dạng độc đáo, khi rất có duyên với những phút cuối và vào sân từ băng ghế dự bị. Ngoài ra, Thierry Henry nổi danh với tốc độ và những cú sửa lòng cực ngọt, Dennis Bergkamp là siêu kỹ thuật gia với mỗi pha chạm bóng là một tác phẩm nghệ thuật, Michael Owen nhanh như một tia chớp, còn Raul Gonzalez gây thương nhớ bởi những pha lốp bóng điệu nghệ...
Nhưng nổi trội hơn hết cả là Ronaldo. Ronaldo "béo". Ronaldo người Brazil. Mọi ngôn từ đều bất lực để miêu tả khả năng hủy diệt hàng thủ đối phương của tiền đạo này, tới nỗi anh được đặt biệt danh là O Fenomeno (Hiện tượng) hay trực diện hơn là Người ngoài hành tinh. Tài năng của Ronaldo vĩ đại tới mức anh không cần bổ sung kỹ năng không chiến vẫn ghi bàn với hiệu suất không tưởng. Anh xuất chúng tới độ bất chấp chấn thương hành hạ vẫn chinh phục những đỉnh cao danh vọng cao nhất.
Tóm lại, Ronaldo chính là biểu trưng của một thời người hâm mộ vào sân và chờ xem những tiền đạo tỏa sáng. Cho dù chỉ là 1 phút rực rỡ và 89 phút vật vờ.
Những cuộc cách mạng chiến thuật liên tiếp và sự xuất hiện của hai tài năng siêu việt C.Ronaldo và Messi đã đẩy những tiền đạo trung tâm vào giai đoạn tàn phai. Đi sâu hơn vào sự biến chuyển thời đại, nếu như giai đoạn cuối thập niên 1990, đầu 2000 là quãng thời gian thịnh trị cuối cùng của tư duy bám vị trí. Mỗi cầu thủ một vị trí và làm tròn phận sự ở khu vực được giao phó. Beckham chỉ chạy và tạt. Makelele chỉ dọn dẹp giữa sân. Và những tiền đạo chỉ chăm chăm ghi bàn. 4-4-2 chính là sơ đồ thịnh hành nhất ở giai đoạn này vì hệ thống này tối ưu nhất cho tư duy cố định vị trí.
Nhưng rồi Mourinho xuất hiện, đem theo sự mới lạ của giai đoạn chuyển trạng thái. Bóng đá xưa cũ chỉ tập trung vào hai khâu tấn công và phòng ngự, nhưng "Người đặc biệt" đặc biệt vì đi trước thời đại. Ông chú trọng vào việc khai thác ở hai khâu chuyển trạng thái, giữa tấn công và phòng ngự cũng như ngược lại, thời điểm cấu trúc đội hình thiếu bền vững nhất. Đặc trưng của tư duy khai thác khâu chuyển trạng thái này chính là những pha tấn/phản công như điện xẹt.
Mourinho xuất hiện chưa lâu, một tư duy mới hơn nữa xuất hiện. Đó là trường phái kiểm soát và định hướng vị trí của Pep Guardiola. Muốn cầm bóng và kéo giãn các cầu thủ đối phương, không đơn giản chỉ cần những cầu thủ giàu kỹ thuật mà còn cần cả một hệ thống hoán chuyển vị trí tinh vi. Các cầu thủ không còn được đứng một chỗ để nhận bóng và thực hiện bổn phận riêng biệt trong đội hình Barca. Và để triệt phá lối đá kiểm soát của Barca, Gegen-pressing ra đời, với Juergen Klopp là hiện thân. Lối đá này không tập trung vào khâu cầm bóng như Pep Guardiola, không lùi sâu đội hình phòng ngự như Mourinho, mà dâng cao gây sức ép kịch liệt mỗi khi để mất bóng.
Chính những vị chiến lược gia đã tạo ra biến chuyển chiến thuật của thời đại này cũng đã định nghĩa lại vị trí tiền đạo. Mourinho loại bỏ từ Crespo đến Shevchenko, những tiền đạo cự phách của thời đại trước để trọng dụng một Didier Drogba dũng mãnh và nhiệt huyết. Pep Guardiola gạt Ibrahimovic, trung phong cự phách cao trên 1m90 và bộ kỹ năng dứt điểm tuyệt hảo để sử dụng Messi, một anh chàng cao chưa đến 1m70 ở vị trí tiền đạo trung tâm. Còn Juergen Klopp, tiền đạo trung tâm của ông ở Liverpool là Roberto Firmino, một chuyên gia pressing hơn là săn bàn.
Tựu trung, những trung phong mắc võng trong vòng cấm đã hết thời. Họ bị cô lập ở tuyến trên và các chiến lược gia ngày nay lại cần những tiền đạo hoạt động hiệu quả hơn ở ngoài vòng cấm. Đó là lý do tại sao Chelsea từng khước từ chiêu mộ Falcao để ký hợp đồng với Schuerrle. Dĩ nhiên bóng đá vẫn sản sinh ra những chân sút cự phách, nhưng giới mộ điệu không còn say sưa kể về những tay săn bàn tuyệt luân như cuối thập niên 1990, đầu 2000. Không còn Batistuta với những cú sút dũng mãnh, không còn Raul với những cú lốp bóng diệu vợi, không còn Henry với những pha bứt tốc xé gió, và không còn Ronaldo với những pha rê bóng như rẽ nước.
Thay vào đó, người hâm mộ nói nhiều hơn đến những tiền đạo không cần biết ghi bàn như Giroud, những trung phong cồng kềnh như Lukaku hay sát thủ cục súc kiểu Diego Costa. Những tiền đạo giỏi phải chấp nhận vị thế kém hơn trong đội hình, phần nào do sự hiện diện của Messi và C.Ronaldo. Đơn cử như Suarez và Benzema, tài nghệ của hai tiền đạo này miễn phải bàn cãi, nhưng một thời gian dài sắm vai kép phụ cho hai siêu sao kể trên. Benzema thậm chí bi đát hơn nữa khi gác bỏ cả đam mê săn bàn để tập trung hỗ trợ siêu sao người Bồ Đào Nha. Chỉ đến khi CR7 chia tay Real Madrid, tinh hoa của Benzema mới phát tiết.
Một trong những bi kịch lớn nhất của các tiền đạo trong thời đại của những thánh thành Messi và C.Ronaldo là Higuain. Anh là cộng sự của Messi ở ĐT Argentina và một thời gian gắn bó với Ronaldo ở Real Madrid. Nếu ai đó được sát cánh với cả Messi lẫn C.Ronaldo là diễm phúc thì Higuain là đại họa. Anh bị đá bay khỏi Bernabeu vì dám cạnh tranh suất săn bàn chính của CR7. Anh bị xem là tội đồ của Argentina vì đá bay những danh hiệu của Messi. Số 9 người Argentina trải qua mọi cơn ê chề tới mức trong ngày tuyên bố chia tay ĐT Argentina, anh chua chát nói: "Vì niềm vui của nhiều người, tôi xin chấm dứt sự nghiệp tại đội tuyển quốc gia".
World Cup 2018 có thể xem là thời điểm chạm đáy của những trung phong. Thật không ngờ, có thời điểm hai đội tranh chức vô địch lại sở hữu những trung phong không hề ghi bàn trong suốt hành trình đến chung kết. Đó là Giroud của ĐT Pháp và Mandzukic của ĐT Croatia. Đó là sự kỳ dị của thời đại vừa qua. "Trung phong tuyệt chủng" hay "tiền đạo đã chết" là những ngôn từ báo chí đã dùng để miêu tả về sự đi xuống của vai trò tiền đạo trung tâm tại các đội bóng.
Cũng vì vậy, giới quan sát âu lo về sự biến mất của "số 9" như đã từng xảy ra với "số 10", hai vị trí gợi cảm nhất trên sân. Song, tổ chức và kiến thiết có nhiều cách còn săn bàn chỉ có một. Vì vậy, bóng đá muôn đời cần những tay săn bàn, những người làm nhiệm vụ thiêng liêng nhất trên sân cỏ: ghi bàn. Và theo tính chu kỳ, sau khi chạm đáy là tăng trưởng. Hiện tượng này đang xảy ra trong suốt 3 năm qua. Ứng với giai đoạn bắt đầu đi xuống của Messi và Ronaldo.
Bằng chứng là những danh hiệu đã được san sẻ nhiều hơn cho các cầu thủ khác, thay vì bị độc chiếm bởi hai siêu sao kể trên. Trong đó, những tiền đạo cũng dần lấy lại tiếng nói. Lewandowski mới là tay săn bàn thiện nghệ nhất thế giới hiện nay. Tài năng của Benzema cũng được thừa nhận một cách rộng rãi thay vì những biệt danh mang nặng tính châm biếm như "mèo lười" hay Ben ú.
Thực tế tại kỳ World Cup gần nhất đã chứng kiến sự định danh của một trong những tiền đạo hứa hẹn nhất của bóng đá thế giới đương đại. Đó là Kylian Mbappe. Xuất thân ở vị trí tiền đạo cánh nhưng Mbappe ngày càng bó vào trung lộ để phát huy hết những phẩm chất ưu việt, từ tốc độ, kỹ thuật đến kỹ năng dứt điểm. Ngoài 4 bàn thắng đưa Les Bleus đến chức vô địch thế giới, Mbappe đã phá kỷ lục của Messi để trở thành cầu thủ trẻ nhất chạm mốc 30 bàn tại Champions League, khi mới 22 tuổi 352 ngày.
Hai năm sau Mbappe, người hâm mộ choáng váng với thành tích ghi bàn khủng khiếp của Erling Haaland, người tạo cảm giác ghi bàn dễ như lấy đồ trong túi. Và hiện tại, đến lượt Dusan Vlahovic gây chấn động. Haaland từ khi bùng nổ ở tuổi 18 trong màu áo RB Salzburg luôn duy trì một cách đều đạt hiệu suất trên dưới 1 bàn/trận. Còn Vlahovic, chân sút 20 tuổi người Serbia đã ghi tới 33 bàn thắng trong năm 2021 tại đấu trường Serie A, thành tích khiến anh được so sánh với Batistuta hay Luca Toni.
Điểm chung của 3 tiền đạo này là tỏa sáng từ khi còn rất trẻ nhưng luôn duy trì được sự ổn định. Đó là điều không nhiều tài năng trẻ có được và tưởng như chỉ thấy ở Messi và Ronaldo. Một khía cạnh khác, Mbappe, Haaland hay Vlahovic dường như là phiên bản cập nhật của những tiền đạo kiểu cổ điển. Họ to lớn nhưng không cồng kềnh. Họ khéo léo nhưng không yếu đuối. Họ tốc độ nhưng vẫn đầy uy mãnh. Họ đánh hơi bàn thắng và dứt điểm nhạy bén nhưng lại chăm chỉ di chuyển và pressing.
Ngoài những trung phong kiểu mẫu, những tiền đạo lùi kiểu mẫu cũng dần trở lại. Đó là kiểu tiền đạo hoạt động rộng thay vì chỉ bám một biên. Đó là trường hợp của Joao Felix, Ferran Torres, Ansu Fati và đặc biệt là Vinicius. Những tiền đạo này không có hình thể như một chiến thần nhưng xử lý bóng bằng tài nghệ tuyệt luân. Họ vừa có độ khéo vừa dẻo dai và tinh quái.
Tóm lại, những tiền đạo kiểu mới trên nền tảng kiểu cũ ngày càng hoàn thiện từ thể chất, kỹ năng cho đến tâm lý. Qua đó mở ra sự định danh trở lại cho những tiền đạo săn bàn. Suy cho cùng, ghi bàn luôn cần những tay săn bàn xuất chúng và hoàn thiện. Những trường hợp như Messi và Ronaldo là dị biệt về cá nhân. Salah, Firmino, Lukaku hay Giroud là dị biệt của thời đại. Không sớm thì muộn, các vị trí trong bóng đá cũng phải quay về với chức năng vốn có, điển hình là tiền đạo phải ghi bàn, nhưng ở một phiên bản nâng cấp hơn. Và sự xuất hiện của Mbappe, Haaland hay Vlahovic là khẳng định đanh thép cho giá trị trường tồn của những tiền đạo.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên