1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Trọng tài Phùng Đình Dũng bị rượt đánh và vấn đề bảo hiểm cho trọng tài

(Dân trí) - VPF vừa đề xuất gói bảo hiểm cho trọng tài thì lập tức xảy ra ngay vụ trọng tài Phùng Đình Dũng suýt bị hành hung trên sân Bình Dương. Bảo hiểm là điều quá cần thiết, nhưng trước tiên để “phòng bệnh”, những người tổ chức giải phải nghiêm với bên vi phạm.

Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi vừa phát biểu rằng ông vui khi thấy VPF bàn kế hoạch triển khai mua gói bảo hiểm cho lực lượng trọng tài. Ông Mùi còn kể ra một số vụ tiêu biểu về chuyện trọng tài bị tấn công, như vụ trợ lý Châu Đức Thành bị CĐV Long An ném đá bể đầu trên sân Long An năm 2005.

Ông Mùi kể ra tiếp vụ trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng bị cầu thủ CA.TPHCM rượt đánh năm 1996, sau trận chung kết giải vô địch quốc gia trên sân Cao Lãnh (Đồng Tháp), hay vụ việc sau đó vài năm trọng tài Trương Thế Toàn phải nhờ đến những bước chạy ngoằn ngoèo kỳ lạ mới thoát khỏi màn rượt đuổi của các cầu thủ Vĩnh Long.

Và hôm qua, nếu không phải bằng cách thoát thân thần tốc, cùng những bước chạy ngoằn ngoèo ấy thì có lẽ trọng tài Phùng Đình Dũng đã “no đòn” với cầu thủ Yadanarbon (Myanmar). Hôm qua, vị trưởng Ban trọng tài chưa kịp vui với gói bảo hiểm dành cho các thuộc cấp, đã phải thót tim với sự việc trọng tài Phùng Đình Dũng suýt chút nữa bị hành hung trên sân Bình Dương.

 

Cầu thủ Yadanarbon (Myanmar) toan hành hung tập thể trọng tài Phùng Đình Dũng (ảnh: Nguyễn Đình)
Cầu thủ Yadanarbon (Myanmar) toan hành hung tập thể trọng tài Phùng Đình Dũng (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Nghề trọng tài vốn là nghề nguy hiểm, nhất là trong môi trường bóng đá thiếu chuyên nghiệp như ở Đông Nam Á, khi cầu thủ lẫn quan chức đội bóng dễ sa vào những phản ứng thái quá, mà có khi chính họ còn chưa hiểu họ có phản ứng đúng luật hay không?

Cho dù trọng tài có sai đi chăng nữa thì hành động rượt đuổi, đòi hành hung trọng tài của các cầu thủ Yadanarbon là không chấp nhận được, vừa phản cảm, vừa phi thể thao.

Chính vì vậy, gói bảo hiểm cho giới trọng tài là cần thiết và nên thực hiện, để bảo vệ các trọng tài. Ngoài ra, phương pháp “phòng bệnh” tốt nhất là luật phải nghiêm, bản thân những nhà tổ chức giải cũng phải dứt khoát với việc lập lại kỷ cương, cũng đồng thời là thông điệp bảo vệ giới “vua sân cỏ”.

Ví như vụ hàng loạt cầu thủ Yadanarbon đòi hành hung trọng tài Phùng Đình Dũng tối 8/11, sau đó tự ý dừng trận đấu, rời sân về thẳng khách sạn, từ chối thi đấu tiếp là vừa thiếu tôn trọng trọng tài, không tôn trọng BTC, và càng không tôn trọng khán giả Bình Dương nói riêng và khán giả Việt Nam nói chung.

Một đội bóng như thế mà chỉ bị xử thua 0-3 là quá nhẹ. Thực tế là Yadanarbon đằng nào cũng sẽ thua, vì đã bị đuổi đến 2 người, rồi còn bị dẫn 3-1, thậm chí nguy cơ còn thua đậm hơn 3 bàn nếu đá tiếp hơn 20 phút cuối.

Đội bóng đấy đáng bị xử nặng hơn, thậm chí BTC có thể tước quyền tham dự giải của CLB đến từ Myanmar, vì họ có còn muốn đá đâu, có còn muốn phục vụ khán giả đâu mà giữ họ lại với giải? Đội bóng đấy, nếu giữ lại có khi lại dễ phát sinh những rắc rối khác, lại khiến cho người xem và chính giới trọng tài thấy rằng họ chưa được tôn trọng đúng mức, khi buộc phải làm việc chung với dàn cầu thủ vốn đã thẳng thừng tỏ thái độ không tôn trọng họ.

BTC giải cũng nên có báo cáo đầy đủ sự việc lên AFC, nếu giải giao hữu quốc tế đang diễn ra tại Bình Dương đã được AFC công nhận.

Kim Điền

 

Trọng tài Phùng Đình Dũng bị rượt đánh và vấn đề bảo hiểm cho trọng tài - 2