Trọng tài nội không hề tốt lên sau sự cố trận Thanh Hóa-SL Nghệ An
(Dân trí) - Trước khi có “sự cố Hà Anh Chiến”, Ban trọng tài và VPF khẳng định là công tác trọng tài đang tốt lên. Tuy nhiên, sự cố đấy và cách điều hành của trọng tài trong trận Viettel – Phú Yên ở giải hạng Nhất đã trực tiếp phủ nhận quan điểm vừa nêu.
Sau khi xảy ra “sứ cố Hà Anh Chiến”, chính chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (đơn vị đang quản lý các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đã trực tiếp nói lời xin lỗi CLB SL Nghệ An và người hâm mộ xứ Nghệ, với nội dung là đã để cho một trọng tài có chuyên môn kém đến thế điều hành V-League.
Đấy cũng là gián tiếp là lời khẳng định cho chất lượng trọng tài nội vào lúc này, nó khác hẳn với quan điểm của Ban trọng tài trước khi xảy ra sự cố vừa nêu, khi họ cho rằng trọng tài đang tốt lên.
Thực tế thì những người quan tâm đến bóng đá nội có lẽ không cần chờ đến lời xin lỗi từ phía VPF cũng tự mình đánh giá được chất lượng trọng tài nội. Ngoại trừ một Võ Minh Trí vốn đã có thương hiệu quốc tế, không còn nhiều trọng tài Việt Nam được tin tưởng giao bắt chính ở các trận đấu có tầm vóc lớn tại AFC Champions League hay vòng loại các kỳ Asian Cup, World Cup.
Một Nguyễn Trọng Thư từng được đánh giá là nhiều triển vọng thì suốt nhiều năm qua không có nổi đẳng cấp FIFA. Số thường xuyên được giao các trận quan trọng trong thời gian gần đây như Hà Anh Chiến hay Nguyễn Đức Vũ lại thường trở thành tâm điểm của các tranh cãi, vì tiếng còi thiếu thuyết phục.
Thật ra thì người theo dõi bóng đá nội đã truyền tai nhau câu chuyện để được tin tưởng và được giao nhiệm vụ trong giới trọng tài, có khi năng lực chỉ là thứ yếu, mà phải biết... chạy đúng “dây”?
Thực tế câu chuyện này đến đâu có lẽ chỉ có người trong cuộc rõ nhất. Chỉ có điều sau “sự cố Hà Anh Chiến”, và sau tình huống nực cười trên sân Hàng Đẫy (cầu thủ đánh người thì không bị đuổi, cầu thủ bị đánh phải nhận thẻ vàng thứ 2 và phải rời sân), ở vòng 6 giải hạng Nhất cuối tuần rồi, trận Viettel – Phú Yên, có thể khẳng định, trọng tài nội không hề tốt như tuyên bố. Và có một số vị không hề tốt về chuyên môn vẫn thăng tiến đều đều, được giao những trận hóc búa.
Người ta cũng không rõ ở các đợt tập huấn trọng tài trước và giữa mỗi mùa giải, giới “vua sân cỏ” làm gì? Và kết quả của các đợt tập huấn đấy là một Hà Anh Chiến “trông gà hoá cuốc”, tưởng tượng nên quả phạt đền trên sân Thanh Hoá.
Sau các đợt tập huấn đấy, người ta vẫn tự hỏi nhau rằng trọng tài thứ 4 Nguyễn Ngọc Khánh làm gì, phối hợp với trọng tài chính Nguyễn Hữu Tuấn ra sao, để Văn Thiết của Viettel đánh thẳng vào Quang Nam bên phía Phú Yên mà vẫn không bị đuổi? – Đấy là vấn đề thuộc về nghiệp vụ và chất lượng trọng tài, chất lượng khâu đào tạo hẳn hoi, chứ chưa cần bàn đến chuyện tư tưởng.
Văn bản mới nhất của Ban kỷ luật VFF về việc cấm thi đấu 4 trận kế tiếp với cầu thủ Văn Thiết của Viettel, dù anh không bị thẻ đỏ trong trận đấu Viettel – Phú Yên thuộc vòng 6 giải hạng Nhất, cũng là lời khẳng định gián tiếp chuyện trọng tài sai rành rành.
Và khi đã đề cập đến vấn đề trọng tài kém chuyên môn vẫn điều hành giải V-League, thậm chí điều hành các trận đấu “nóng” nhất, dạng trận Thanh Hoá – SL Nghệ An, thì cũng phải hỏi tiếp rằng vai trò điều hành của Ban trọng tài nằm ở đâu?
Khi đã nói đến nghiệp vụ yếu của giới trọng tài, để xảy ra tình huống nực cười trong trận Viettel – Phú Yên, cũng nên bàn tiếp đến khả năng đào tạo và bồi dưỡng công tác trọng tài của những người đang quản lý giới “vua sân cỏ”?
Mặt khác, Ban trọng tài còn là một ban chức năng của VFF, khi trọng tài yếu, khi Ban trọng tài phân công nhân sự chưa hợp lý, gây bất bình trong dư luận, cần phải hỏi tiếp vai trò của những người quản lý ban này nơi VFF đang ở đâu mà lại để chuyện đó xảy ra?
Kim Điền