Luật sư Phạm Liêm Chính nhận định:

"Treo giò vô thời hạn không phải là treo giò vĩnh viễn"

Xung quanh thông tin Văn Quyến, Quốc Vượng có thể phải chịu một khoản tiền phạt tối thiểu 15.000 franc Thụy Sĩ (hơn 180 triệu đồng) theo luật FIFA... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về góc độ pháp lý của vấn đề này với luật sư Phạm Liêm Chính.

Luật sư Chính cho biết: “Do SEA Games 23 thi đấu bên ngoài lãnh thổ VN và là một giải thi đấu quốc tế nên đương nhiên luật lệ của FIFA được áp dụng. Việc xử lý các cầu thủ dính líu tới bán độ theo điều 73 (điều 75 cũ) của Quy chế về xử lý kỷ luật của FIFA.

 

Mức phạt tối thiểu FIFA đưa ra là 15.000 franc Thụy Sĩ đối với mỗi trường hợp vi phạm. Trong trường hợp các cầu thủ không có khả năng tài chính để nộp phạt, LĐBĐ sẽ phải là người nộp phạt thay.

 

Tuy nhiên, tất cả phải chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra: có phạm tội hay không và phạm tội có nghiêm trọng không”.

 

Theo điều 73 quy chế kỷ luật của FIFA, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cầu thủ có thể bị “treo giò” suốt đời. Trường hợp của Văn Quyến, theo ông, đã tới mức độ này chưa?

 

Ở điều 73, nghiêm trọng ở đây được hiểu là tái phạm nhiều lần ở nhiều giải đấu khác nhau. Trường hợp mới bị rủ rê, lôi kéo vào bán độ lần đầu như Văn Quyến tại SEA Games 23, đó là tình tiết giảm nhẹ. Theo tôi, có thể áp dụng hình phạt “treo giò” một số năm hoặc một số giải đấu thì sẽ phù hợp hơn.

 

Nếu sai phạm đã có tính hệ thống, đã trở thành người mưu mô, thủ đoạn và chủ mưu trong việc bán độ, hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, rõ ràng mức độ nguy hiểm cao hơn và mức độ xử lý sẽ khác với người bị lôi kéo lần đầu.

 

Căn cứ trên mức độ vi phạm, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tòa án sẽ ra một bản án phù hợp nhất, tương xứng với mức độ vi phạm nhưng đó là quyền của những người xét xử.

 

Nhưng thưa ông, khi CQĐT đang điều tra, chưa kết luận mà LĐBĐVN đã tuyên bố việc “treo giò” một số cầu thủ?

 

Theo qui chế của FIFA, có thể “treo giò” cầu thủ trong một số trận hoặc “treo giò” suốt đời. Việc LĐBĐVN đưa ra hình thức “treo giò” vô thời hạn đối với Văn Quyến, Quốc Vượng, tôi nghĩ là phù hợp.

 

Thứ nhất, “vô thời hạn” nghĩa là không có thời hạn, như vậy không phải là “treo giò vĩnh viễn” đối với những cầu thủ này. Tùy theo kết quả điều tra, tùy theo bản án sau này mà tòa án VN tuyên xác định rõ mức độ sai phạm của các cầu thủ, từ đó LĐBĐVN có thể định ra thời gian “treo giò” là bao lâu như 3 năm, 5 năm hay suốt đời cho phù hợp. Để xác định thời hạn “treo giò” chính xác, tôi cho rằng cần phải đợi mọi việc có kết luận rõ ràng.

 

Mô hình tòa án trọng tài bóng đá ở các nước hoạt động ra sao, thưa ông?

 

Ở Đức, Tòa án trọng tài bóng đá thuộc LĐBĐ Đức và hoạt động rất mạnh. Tòa án này tập hợp nhiều chuyên gia nhà nghề để xử những lỗi nghề nghiệp của cầu thủ, trọng tài, HLV... như: cầu thủ giả vờ ngã để được hưởng phạt đền 11m, một trọng tài tham gia bán độ...

 

Tòa án bóng đá gần giống như một Ban khen thưởng - kỷ luật của LĐBĐVN nhưng được đặt “dấu nhấn” mạnh mẽ hơn về mặt nghề nghiệp bởi họ có quyền xác định về chuyên môn xem cầu thủ hay trọng tài... có vi phạm lỗi nghề nghiệp không, có làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu không...

 

Nếu chúng ta có một Tòa án bóng đá của LĐ để xử những vụ như vậy, tôi nghĩ mọi việc sẽ đơn giản hóa đi nhiều bởi không phải vụ việc nào cũng đẩy sang các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như tiến tới làm giảm thiểu khả năng hình sự hóa.

 

Lúc đó chủ yếu sẽ áp dụng những hình phạt trong khuôn khổ nghề nghiệp bóng đá, chẳng hạn bằng cách phạt tiền hay cấm thi đấu một số trận hoặc suốt đời.

 

Xin cảm ơn luật sư.

 

Thái độ của FIFA: Không vội vã trong xử lý

 

Hôm qua 27/12, ông John Schumacher - quan chức phụ trách truyền thông của FIFA - cho biết đến thời điểm này FIFA vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ LĐBĐVN xung quanh án kỷ luật dành cho Văn Quyến và Quốc Vượng.

 

Ông John Schumacher nói: "Chính vì FIFA chưa nhận được văn bản chính thức từ VFF nên có thể sẽ quá vội vã để FIFA đưa ra bình luận hoặc những quyết định kỷ luật tương ứng do Ủy ban kỷ luật trực thuộc FIFA thực hiện".

 

Trong khi đó, ông Schwartz - một trong những luật sư đại diện cho nhiều cầu thủ chuyên nghiệp tại Thụy Sĩ - cho biết theo trình tự VFF sẽ đưa ra án kỷ luật dành cho hai cầu thủ VN dàn xếp tỉ số trận đấu.

 

Quyết định này sau đó sẽ được chuyển lên AFF (LĐBĐ ĐNA) và AFC (LĐBĐ châu Á). Những tổ chức này sẽ cân nhắc, đánh giá mức độ nặng nhẹ để đưa ra mức án kỷ luật thích hợp. 

 

Ủy ban kỷ luật của FIFA sẽ chỉ vào cuộc trong trường hợp họ nhìn nhận "mức án kỷ luật dành cho cầu thủ phạm tội không thỏa đáng". Nếu đánh giá vụ dàn xếp tỷ số là nghiêm trọng, FIFA sẽ phạt tiền và cấm vĩnh viễn các cầu thủ phạm tội tham gia các hoạt động bóng đá.

                                                          

Theo Tuổi  trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm