Nghi án bán độ tại SEA Games 23:

Trảm tướng hay thí binh?

(Dân trí) – Dư luận đang chờ đợi câu trả lời cuối cùng của các cơ quan chức năng cho hàng trăm câu hỏi đang được đặt ra xung quanh vụ bán độ đầu tiên bị phanh phui này. Trảm tướng hay thí binh? Chúng ta sẽ làm gì để không bị “tuột tay”?

Lần lượt Văn Quyến rồi Quốc Vượng đã đưa chân vào trong những căn phòng có cánh cửa sắt với tội danh “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc”(Điều 249 Bộ luật Hình sự), nhưng ai cũng hiểu đó mới chỉ là phần nổi nhỏ bé của “tảng băng trôi” khổng lồ này.

 

Câu chuyện như trinh thám về hai người phụ nữ và 23 triệu đồng, những lời khai mới nhất của Tấn Tài và Tài Em, vụ cựu TTQG Phi Hùng bỏ trốn(?) và cả việc trùm cá độ Thắng “tài dậu” đang lẩn trốn ở nước ngoài gọi điện về đầu thú... đã phần nào phác họa nên bức tranh tổng thể về một hệ thống ngầm đã và đang thao túng đường đi của trái bóng trên các sân cỏ VN.

 

Nhiều người đang nghĩ đến một truyền kỳ có thật về bản “danh sách đen” dài hàng trang giấy về những nhân vật liên quan đến trò chơi “bóng bàn” từ xưa đến nay trong làng túc cầu nước Việt. Và cũng không ít ý kiến cho rằng, những mắt xích trong vụ (nghi) án này sẽ mang lại một cơ hội có một không hai để diệt tận gốc “đại dịch” mua bán vốn đã thâm căn cố đế và ngày càng gia tăng về cả mức độ tinh vi cũng như “độ nặng” của các bản “hợp đồng”.

  

Chuyện Như Thành hay ông Thành Vinh phải giơ đầu ra nhận búa rìu dư luận được người ta ví như những con “tốt thí” trong thế cờ cùng của những bàn tay đen nào đó nhưng dư luận muốn nhiều hơn thế. Ai cũng hiểu, trên bàn cờ những con tốt chỉ là tấm bình phong chỉ biết tiến không biết lùi để che chắn cho những xe, pháo mã mặc nhiên tung hoành. Còn biết bao nhiêu kẻ làm những chuyện tày trời hơn thế vẫn còn hiên ngang ngoài vòng pháp luật và hàng vẫn tiếp tục thao túng đường đi của trái bóng bằng những việc làm nhơ nhuốc của mình.

 

Trước những sự việc này, cũng đã có không ít vị lãnh đạo “chóp bu” của bóng đá VN nói riêng và thể thao VN nói chung bị “lộ gáy”. Nhưng cuối cùng, không hiểu vì sao mà có vị thì chỉ phải ra đi không cờ không trống, có vị lại chỉ bị phê bình nội bộ qua loa vì những lỗi kiểu như “buông lỏng quản lý” hay “thiếu trách nhiệm” và vẫn hiên ngang tại vị để tiếp tục công tác … làm sạch bóng đá nước nhà(?).

 

Rõ ràng, việc mua – bán độ, việc “lót tay” trọng tài, v.v… đã trở thành một việc làm có hệ thống, có đường dây và nó đã tạo được một thế đứng khá vững chắc với những chiếc vòi len lỏi lên đến tận đâu thì có trời mới biết được. Và người ta có cảm tưởng rằng những vụ việc được phanh phui của một ông trọng tài, một cầu thủ hay một vị HLV nào đó thì cũng chỉ là một giọt nước nổi trong bát canh thiu mà thôi.

 

Quay lại với nghi án bán độ của một số cầu thủ lần này, gần như chắc chắn sẽ có vài ba cái tên tuổi đôi mươi bị đưa ánh sáng, cũng chẳng nghi ngờ gì khi những nhân vật “tuổi trẻ tài cao” này sẽ phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra, và cũng không có gì phải ngạc nhiên nếu người ta sẽ lại (như mọi lần) ca ngợi về sự thành công của một chiến dịch đấu tranh với tiêu cực. 

 

Vết xe đổ của cách hành xử kiểu “cờ bí dí tốt” vẫn còn sờ sờ trước mặt. Liệu lần này chúng ta có lặp lại hay không? Liệu chúng ta có tìm được một con đường sáng để đưa bóng đá VN thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những đồng tiền tội lỗi?

 

Mong rằng, một lần chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ, vượt qua được sự yếu hèn của chính mình để làm được những việc lớn lao hơn là đập đi vài cái bình phong để rồi ngay ngày mai lại có kẻ dựng lên những chiếc bình phong mới bởi nếu không, chúng ta vẫn chỉ là người thất bại trong cuộc chiến với tiêu cực mà thôi.

 

Tương lai của bóng đá VN sẽ đi về đâu? Phải chăng đã đến lúc những ung nhọt phải được mổ xẻ tận gốc để trả lại cho những trái bóng trên sân cỏ VN hình tròn vốn có và trả lại cho người hâm mộ những trận cầu đẹp đẽ với niềm đam mê bất tận từ chính trái tim.

 

Trảm tướng hay lại thí binh? Thế cờ định mệnh này chỉ có duy nhất một nước đi đúng.

 

Hồng Kỳ