DMagazine

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự "xuống cấp" ở Man Utd

(Dân trí) - Như một sự xếp đặt tài tình và châm biến, tổng hành dinh của Man Utd nằm ở một nơi không ai biết và chẳng ai hay ở cách Old Trafford 5.500 cây số.

Như một sự xếp đặt tài tình và châm biến, tổng hành dinh của Man Utd nằm ở một nơi không ai biết và chẳng ai hay ở cách Old Trafford 5.500 cây số.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 1

Bên ngoài tòa nhà văn phòng tại Washington DC, nơi Joel Glazer sử dụng làm trung tâm chỉ huy Manchester United, một biển báo ghi: United Bank: 24 hour ATM. Như một sự xếp đặt đầy châm biếm, tréo ngoe và trêu ngươi, chỉ dấu để biết trung tâm đầu não của Man Utd lại là một cây ATM cùng tên dưới chân tòa nhà.

Đối với nhiều người hâm mộ Quỷ đỏ, nhà Glazer xem Man Utd chẳng khác nào cỗ máy rút tiền cá nhân. Như cựu thủ quân Gary Neville so sánh trong cuốn The People's Game: A View From A Front Seat in Football (tạm dịch: Môn thể thao quốc dân: Góc nhìn từ hàng ghế trước trong bóng đá): "Về cơ bản, dường như tất cả chỉ rút tiền ra".

Những con số chứng minh mạnh mẽ cho quan điểm vừa nêu. Kể từ khi nắm quyền kiểm soát đội bóng nổi tiếng nhất hành tinh vào năm 2005, nhà Glazer nhận khoảng 457 triệu bảng (486 triệu USD) cho các khoản vay ưu đãi, bán cổ phiếu và thu cổ tức. Yếu tố cuối cùng gây ra nhiều tranh cãi nhất - Man Utd là đội bóng Ngoại hạng Anh duy nhất trả tiền cho các cổ đông. Dòng tiền lợi nhuận từ cổ phiếu tiếp tục chảy trong thời gian đại dịch cho dù Man Utd báo khoản lỗ kỷ lục lên tới 115,5 triệu bảng trong năm tài chính 2021/22.

Trong báo cáo tài chính được công bố vào trung tuần tháng 9, dữ liệu cho thấy 33,6 triệu bảng là số tiền được chi để trả cổ tức cho các cổ đông, trong đó 6 anh chị em nhà Glazer chiếm phần lớn. Chiều ngược lại, hạn mức tín dụng của Man Utd bị giảm 40 triệu bảng.

Tình trạng cạn kiệt tài chính như vậy đã tiếp thêm động lực cho phong trào chống lại quyền kiểm soát đội chủ sân Old Trafford của gia đình Glazer, vốn được khơi dậy từ vụ binh biến bất thành European Super League. Thực tế, dĩ nhiên phong trào phản đối giới chủ tại Man Utd luôn hiện hữu, lúc âm ỉ, khi bùng phát, suốt 17 năm nhà Glazer cầm quyền, ngay trước cả thời điểm nhà tài phiệt quá cố Malcolm Glazer mua lại Quỷ đỏ.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 3

Tuy nhiên, sự bùng phát lần này đem lại cảm giác khác lạ. Ngọn lửa đấu tranh được duy trì bền bỉ cũng như xuất hiện hiện tượng biểu tình tiệm cận bạo loạn. Bằng chứng là các cổ động viên (CĐV) tràn vào Old Trafford trước trận đấu Man Utd đấu Liverpool vào tháng 5/2021.

Những CĐV thường xuyên hành quân đến Old Trafford với tinh thần đoàn kết và trong mọi trận đấu, những người cùng khổ ấy hát vang bài hát chống lại nhà Glazer. Ngay cả những thời điểm trọng đại và hoan hỉ, người hâm mộ vẫn gào rú những câu từ thống thiết, ai oán và căm phẫn nhắm vào giới chủ đến từ nước Mỹ, từ lễ ra mắt Casemiro, cho đến thời điểm Antony ghi bàn vào lưới Arsenal. Bên đó, hàng loạt biểu ngữ từ đấu tranh ôn hòa đến chống đối cực đoan, ví dụ như băng-rôn "Hang the Glazers" (Treo cổ nhà Glazer), được các CĐV mang đến sân và trưng lên khắp khán đài.

Các nhà tài trợ của Man Utd cũng ở trong tình trạng tương tự. Một số nhãn hàng chứng kiến điểm trực tuyến giảm mạnh do hàng trăm đánh giá tiêu cực. Theo các thành viên The 1958, nhóm CĐV chống đối nhà Glazer, Giám đốc điều hành Richard Arnold thừa nhận ở cuộc nói chuyện ngẫu hứng trong quán rượu rằng "chiến thuật chống phá" như vậy có hiệu quả trong việc gây ra sự gián đoạn quyền lực tại Man Utd.

Quan trọng hơn hết, những nguồn tin xác tín cho biết khả năng gia đình Glazer, cụ thể là anh em Joel và Avram, đang tìm cách bán một phần thiểu số cổ phiếu Man Utd.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 5
Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 7

Tại thượng tầng Man Utd, Joel là cái tên nhà Glazer đầu tiên phải nhắc đến. Vị doanh nhân này là tâm điểm chỉ trích của người hâm mộ bởi lẽ ông sở hữu quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn nhất. Joel nắm quyền ra quyết định ở các thương vụ lớn, chịu trách nhiệm thuyết trình trước người hâm mộ về các chiến lược dài hạn của Quỷ đỏ, và giữ trọng trách cải tạo sân Old Trafford lẫn trung tâm huấn luyện Carrington. Trong khi đó, các anh chị em Bryan, Kevin, Ed và Darcie ít quan tâm đến việc quản lý đội bóng hơn, còn Avram tuy cũng nằm trong bộ phận lãnh đạo nhưng góp tiếng nói ít trọng lượng hơn so với Joel.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 10

Tuy nhiên, việc đối thoại với Joel dường như là không thể. Người đàn ông quyền lực nhất Man Utd này từng tuyên bố đầy hào sảng rằng việc giao tiếp với người hâm mộ là việc "cực kỳ quan trọng", được ví như "mạch máu của CLB", song lời nói chẳng đi đôi với việc làm. Phải chờ đến khủng hoảng xảy ra sau sự sụp đổ của "khởi nghĩa" European Super League, Joel Glazer mới chịu xuất đầu lộ diện trong một cuộc đối thoại thực sự.

Kể từ đó, vị lãnh đạo Man Utd lại chỉ dành thêm vỏn vẹn 10 giờ đồng hồ cho các hội CĐV và chỉ hứa hẹn gặp gỡ đại diện người hâm mộ thông qua phương pháp họp trực tuyến. Các vấn đề quan trọng của đội bóng dĩ nhiên được thảo luận, chẳng hạn như điều chỉnh kế hoạch bán vé mùa, nhưng biên bản cuộc họp chưa bao giờ được công bố. Vì vậy, phần lớn người hâm mộ vẫn bị bỏ rơi trong đêm trường hỗn loạn.

Joel cũng không thực hiện bất kỳ cuộc phỏng vấn truyền thông nào. Tháng 12 năm ngoái, phóng viên của Bloomberg mòn mỏi chờ đợi vị lãnh đạo cao nhất của Man Utd suốt 2 giờ đồng hồ tại văn phòng công ty để rồi chỉ nhận được cái lắc đầu, kể cả ghi âm hay thậm chỉ trả lời bằng thư điện tử.

Bản thân Joel Glazer cũng thừa hiểu việc lười giao tiếp với người hâm mộ lẫn báo chí càng khiến hình ảnh của ông trở nên xấu xí. Trong bức thư ngỏ gửi người hâm mộ vào tháng 4/2021, sau cuộc binh biến bất thành European Super League, nhà tài phiệt bộc bạch đầy chất mị dân: "Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi cần giao tiếp tốt hơn với các bạn, những người hâm mộ của chúng tôi, bởi vì các bạn sẽ mãi là trung tâm của đội bóng này".

Rốt cuộc, chẳng ai trả lời cho những người hâm mộ hoang mang tột độ của Man Utd những câu hỏi như sau:

- Ai trên thế giới này đủ tiềm lực tài chính để mua lại Man Utd và giá chào bán là bao nhiều?

- Có sự biện minh nào cho việc chia cổ tức hàng năm trong khi thành tích thi đấu của Man Utd đang ngày càng đi xuống và đã 9 năm không vô địch Ngoại hạng Anh?

- Khi nào tổng nợ của Man Utd, hiện ở mức 636 triệu bảng, được giảm đi đáng kể?

- Số tiền chi tiêu quá mức trong kỳ chuyển nhượng mùa hè đến từ đâu và có ảnh hưởng đến kế hoạch nâng cấp sân Old Trafford hay không?

- Tại sao Man Utd liên tục thực hiện những bom xịt trên thị trường chuyển nhượng?

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 11
Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 13

Thật sai lầm nếu tưởng tượng văn phòng của Joel Glazer hào nhoáng ngang ngửa với những tòa nhà cao tầng của chính phủ Hoa Kỳ. Văn phòng của vị doanh nhân này nằm cách Nhà Trắng và Đồi Capitol vài cây số, về mặt hành chính không phải ở Washington mà là khu phố có tên Chevy Chase ở Maryland.

Cái tên Chevy Chase khởi nguồn từ bản ballad có từ thế kỷ 16 kể về nhóm thợ săn lội bộ xuyên qua ngọn đồi Cheviot giáp ranh giữa Anh và Scotland. Sau này, một diễn viên hài nổi tiếng người Mỹ cũng lấy tên là Chevy Chase. "Tổng hành dinh" của Man Utd nằm trên khu phố cùng tên một diễn viên hài, đó cũng là sự xếp đặt thật bỡn cợt.

Có một trạm tàu điện ngầm ở cuối lối đi và được lát gạch đỏ nhưng rất ít người qua lại. Cảm giác con phố này chẳng giống trung tâm tài chính nhộn nhịp chút nào. Đi qua cây ATM United Bank, tiệm làm nail có tên Acqualuxe nằm ở tầng trệt tòa nhà. Xa hơn nữa, bên kia sân hình bầu dục, là cửa hàng bách hóa Bloomingdale.

Trở lại với lối vào phía trước tòa nhà và cửa kính với tay nắm bằng thép không gỉ. Không bảo vệ. Không cửa tự động. Bất cứ ai cũng có thể đẩy vào. Chẳng ai nghĩ "tổng hành dinh" của đội bóng lớn nhất hành tinh lại ở bên trong tòa nhà này.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 15

Bên trong tòa nhà, cô nàng lễ tân dù thân thiện đến mức nào vẫn không biết Joel Glazer là ai. Chỉ đến khi nhắc đến từ khóa Manchester United, cô lễ tân mới "ồ" lên một tiếng. Như đã nói, văn phòng của Man Utd nằm ở tầng 10, và đã hơn một tuần nay chưa ai nhấn nút thang máy lên tầng 10.

Những người từng may mắn tham quan tổng hành dinh của Man Utd mô tả văn phòng được trang trí như bảo tàng, với những chiếc áo được trưng bày, trong đó có áo đấu mang tên Jadon Sancho. Có bức ảnh lớn của Ole Gunnar Solskjaer tại Camp Nou năm 1999, một bức ảnh khác của Ryan Giggs ăn mừng bàn thắng vào lưới Arsenal tại FA Cup cũng mùa giải "ăn ba" lịch sử ấy, và hai bức ảnh nữa của Cristiano Ronaldo và George Best đang chơi bóng.

Một chi tiết khác "thê thảm" hơn được ghi trong hồ sơ công khai, văn phòng này không hề thuộc sở hữu của Man Utd. Từ năm 2019, Quỷ đỏ còn thuê và "share" phòng với các công ty như Brown Advisory, một công ty tư vấn đầu tư và CapitalSource, một công ty cho vay kinh doanh. Không chỉ cây ATM trước tòa nhà, sự xếp đặt các doanh nghiệp hàng xóm với cơ quan quyền lực nhất của Man Utd cũng thật giễu nhại.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 17

Nhưng ngoài sự châm biếm, có một thực trạng là việc điều hành từ xa như một doanh nghiệp thay vì câu lạc bộ bóng đá gây nên hiện trạng khủng hoảng văn hóa tại Man Utd. Minh chứng sống động hơn, Joel đến dự khán mọi trận đấu của Tampa Bay Buccaneers, đội bóng bầu dục Mỹ cũng thuộc sở hữu của nhà Glazer, nhưng ông đã không xuất hiện tại Old Trafford từ tứ kết Champions League giữa Man Utd đấu với Barcelona vào tháng 4/2019.

Sự bàng quan còn được thể hiện rõ qua thống kê do The Swiss Ramble thực hiện, số liệu cho thấy Carrington lẫn Old Trafford chưa hề được sửa chữa lớn từ khi được nhà Glazer tiếp quản và trong 10 năm qua, Fulham hay Leicester còn chi nhiều tiền hơn Man Utd để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Tổng hành dinh châm biếm và nguồn cơn sự xuống cấp ở Man Utd - 19

Thực ra nhà Glazer đang tiến hành chỉ định các nhà quy hoạch tổng thể để nghiên cứu tiến trình tái thiết sân vận động lẫn sân tập của Man Utd, nhưng Giám đốc điều hành Richard Arnold đưa ra lưu ý đáng quan ngại. "Trong khi vẫn cam kết đầu tư lâu dài vào sân bóng, chúng tôi sẽ phải đưa ra quy trình nghiêm ngặt về kế hoạch vốn. Vốn phải bền vững!", ông nói trong cuộc họp với các nhà đầu tư.

Những công bố tài chính mới nhất tiết lộ tổng lãi vay nhà Glazer đã sử dụng như đòn bẩy để mua lại Man Utd là 886 triệu bảng. Dĩ nhiên, con số khổng lồ ấy do Man Utd chi trả. Chỉ phân nửa con số đó, ước chừng 500 triệu euro, ngài Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez đã hiện thực hoài bão cải tạo thánh địa Santiago Bernabeu trở thành sân bóng số một hành tinh.

Sân bóng có lẽ là biểu hiện rõ nhất cho sự khác biệt giữa Man Utd và Real Madrid, giữa Joel Glazer và Florentino Perez. Joel muốn thu lợi, Perez muốn lưu danh. Joel là người hâm mộ của… Tampa Bay Buccaneers, Perez là madridista chính hiệu. Cả Manchester căm hận Joel, nhưng người đàn ông này ở tận Washington.

Còn đối với người Madrid, vị Chủ tịch đương nhiệm của đội bóng Hoàng gia là "Bố già" khả kính. Một phần nào đó, sự hiện diện trong mọi trận đấu của Florentio Perez hun đúc thêm văn hóa chiến thắng tại Real Madrid. Ngược lại, sự bàng quan của Joel khiến những ngôi sao khoác áo Man Utd chẳng khác gì những kẻ làm tiền. Chỉ có người hâm mộ là đơn côi.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Đỗ Diệp