1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tội …

(Dân trí) - Đầu mùa, ông Vũ Trường Giang, HLV trưởng đội Tiền Giang tâm sự: “Tiền Giang là đội bóng mang niềm tự hào của tỉnh. Mùa giải mới sẽ rất khó khăn. Nhưng với sự hậu thuẫn tinh thần của lãnh đạo tỉnh, người hâm mộ, cũng như của nhà tài trợ, tôi tin Tiền Giang sẽ thành công". Thế nhưng …

Phận long đong vẫn chưa buông ông Giang. Chỉ chưa đến 24 giờ sau trận thua cay đắng trên sân nhà, vị HLV người Hà Nội này đã nói lời từ chức.

 

Sự ra đi của ông không chỉ được lý giải bởi chuỗi trận yếu kém của đội bóng sông Tiền, mà còn làm dấy nên những hoài nghi về một sự lục đục trong lòng đội bóng.

 

Lời ra tiếng vào về việc binh tướng hục hặc, có kẻ muốn "nhổ" ông ra khỏi cái ghế nhiều cám dỗ kia. Nhưng liệu có quá oan ức cho ông, cho Tiền Giang?

 

Qua một nửa chặng đường, sự ủng hộ của người dân Tiền Giang với đội bóng đang có nguy cơ rạn nứt. Đã 2 trận liền trên sân Mỹ Tho, số khán giả đến sân không vượt quá 4.000.

 

Tệ hơn, trong trận đấu hôm qua, không hài lòng với lối đá của đội nhà, khán giả sông Tiền đã quay ra cổ vũ cho đối thủ K.Khánh Hòa. Cuối cùng, đội khách lấy 3 điểm, khán giả cũng đâu có sung sướng gì.

 

Hồi đầu mùa, khi đội bóng chân ướt chân ráo đặt chân vào đấu trường chuyên nghiệp, khán giải Tiền Giang xứng đáng được điểm 10. Có trận, có đến vạn khán giả ngồi chật cứng sân Mỹ Tho, xem và cổ vũ rợp trời.

 

Hội cổ động viên của Tiền Giang cũng lên đến non nghìn người, không chỉ “phủ sóng” ở sân nhà mà còn lặn lội theo các cầu thủ đi làm khách. Thậm chí, đã có lúc công ty du lịch Đất Thủ, đơn vị lo công tác quảng cáo cho đội bóng sông Tiền, đã nghĩ đến việc phát triển các tour du lịch bóng đá, để tăng lượng cổ động viên khi du đấu trên sân khách.

 

Ban đầu được yêu là thế, nhưng dần dà P.Tiền Giang càng mất dần đi sự quan tâm của người hâm mộ tỉnh nhà. Cùng với thành tích yếu kém của đội bóng, sân Mỹ Tho cứ thế vắng dần đi vào các buổi chiều cuối tuần.

 

Ngày hôm qua, có lẽ là do khó chấp nhận việc đội nhà đá rời rạc để K.Khánh Hòa, đội đã vượt qua chính Tiền Giang ở phút chót để đăng quang chức vô địch Giải hạng nhất năm trước, lấn lướt đến thế, nên lần đầu tiên người sông Tiền hiền hậu đã nổi giận, quay sang mắng mỏ đội nhà.

 

Tội … - 1

 Khán giả sông Tiền có còn đứng

bên cạnh đội bóng thân yêu? (Ảnh: VFF).

 

Tiền Giang đá khô cứng, các cầu thủ do quá thận trọng đâm ra cầu toàn, cứ chuyền bóng cho xong trách nhiệm, đẩy đồng đội vào thế khó. Đá hết trận, các cầu thủ trong đội đã có lời qua tiếng lại với nhau, cũng là lần đầu tiên người ta thấy cảnh đó. Thật chẳng nhận ra hình ảnh đội bóng rắn rỏi, luôn đá với 120% sức lực ở những vòng đầu.

 

Tội, tất cả những “điều trông thấy” đó đều cho thấy sự bế tắc của đội bóng sông Tiền. Con người Tiền Giang vốn lành là thế, các cầu thủ lúc nào cũng ra sân là đá như chiến binh. Biết sức mình kém hơn, ai cũng cố gắng bù đắp bằng nhiệt huyết và tinh thần.

 

Đối thủ là K.Khánh Hòa, nhưng không còn “ngang vai phải lứa” với Tiền Giang như mùa giải trước. K.Khánh Hòa bây giờ chững chạc, sắc sảo hơn nhiều. Lực cũng mạnh hơn, tiền cũng nhiều hơn, nếu đem so đo thì muôn phần khập khễnh.

 

Trước giải, ông Giang đã thấy trước một mùa giải khó khăn. Ông đã bộc bạch: “Lực lượng của chúng tôi không thể so sánh với các đối thủ. Nhưng chắc chắn, tinh thần thi đấu của chúng tôi sẽ hơn họ”.

 

Lời ông nói đến bây giờ vẫn đúng, kể cả trận đấu hôm qua, cũng không thể chê trách gì về tinh thần thi đấu của đội bóng miền Tây. Lăn xả là thế, cuối cùng thua vẫn hoàn thua.

 

Lực Tiền Giang yếu quá, đá ở V-League không thể dùng sức và tâm huyết để chơi mãi được. Với lực lượng nội binh hiện tại, chơi ở đấu trường cao nhất là có phần quá sức. Ngoài một số cầu thủ có ít tên tuổi nhưng đã qua thời đỉnh cao như Quang Trãi, Ngọc Mẫn, những cầu thủ còn lại chỉ thuộc hạng “nhàng nhàng” biết đá bóng.

 

Sự ra đi của 9 trụ cột hồi đầu mùa giải đến bây giờ vẫn để lại những khoảng trống to vật vã trong đội Tiền Giang. Những người mới đến, kể cả bộ 3 người Thái, được hy vọng rất nhiều, cũng không khỏa lấp xuể. Hết giai đoạn 1, cả Vimon và Kriangsuk đều khăn gói ra đi.

 

Có trong tay Vua phá lưới Giải hạng nhất 2005 Martin Trindade, nhưng cho đến thời điểm này đội bóng của ông Giang mới 8 lần được ăn mừng bàn thắng. Chính vì thế mà dù căng sức đá, và chẳng mấy khi thua to, nhưng Tiền Giang vẫn mới có 2 trận thắng lận lưng.

 

Gặp tướng Giang đầu năm và bây giờ, không khó để nhìn thấy thêm những vết hằn của sự lo lắng và trăn trở trên gương mặt vốn đã gầy gò của người đàn ông gốc Hà Nội. Biết đội bóng chưa mạnh, ông đã biết bảo học trò đá kiểu nhà nghèo. Nhưng không có bột, làm sao để gột nên hồ.

 

Tội, cả thầy, cả trò đều đã mượn tinh thần, nỗ lực để mong bù đắp cho thực lực. Nhưng đến nước này, có lẽ cũng chẳng thể cứ lao vào bóng để rồi thua mãi. 5 điểm thua đội xếp trên, cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng với lực hiện tại, tinh thần đang chao đảo, dù thương cũng chẳng dám tin Tiền Giang sẽ làm nên kỳ tích ở phần còn lại.

 

Dù đã tăng cường đến 3 gương mặt ngoại binh, nhưng nhìn các “ông Tây” này đá 2 trận, e Tiền Giang lại gặp phải “hàng hớ” như nửa đầu mùa. Chẳng nói gì xa xôi, cái mục tiêu trụ hạng cũng đang trở nên xa vời trước mắt đội bóng miền Tây.

 

Thánh tích kém, tướng phải ra đi. Đó cũng là quy luật muôn đời của bóng đá. Nhưng với ông Giang, quy luật đó có phần nghiệt ngã, vì ai cũng hiểu ông đã làm tất cả nơi mảnh đất xa xôi này.

 

Tội cho ông, tội cho Tiền Giang ...

Hồng Kỹ