1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Toan tính mạo hiểm của đội tuyển nữ Việt Nam

(Dân trí) - Trong khi 2 đội tuyển Myanmar và Thái Lan chọn cách thua dễ những đội thủ mạnh thì đội tuyển nữ Việt Nam lại chơi nghiêm túc trước Nhật. Mỗi HLV có một cách tính, chỉ mong rằng ván cờ mà HLV Trần Vân Phát đang chơi đưa đội nữ Việt Nam đến chiến thắng.

Đối thủ buông, Việt Nam đá thật

Myanmar hầu như không cố trong trận thua 0-12 trước Hàn Quốc, Thái Lan cũng ở tình cảnh tương tự khi họ để thua Trung Quốc 0-7. Hai đội bóng Đông Nam Á hầu như chỉ xuất hiện trên sân cho đủ trong các trận đấu ấy.

Mục đích chính của họ ở vòng bảng là trận mà Thái Lan và Myanmar trực tiếp đụng độ nhau ngày 19/5, sau đó nữa là trận play-off (đến giờ này có thể xác định đối thủ của Thái Lan hoặc Myanmar sẽ là Việt Nam).

Vì xác định những trận tới đây mới là trận quyết định, nên cả Thái Lan và Myanmar đều không cố đá với các đội bóng có trình độ cao hơn, để dưỡng sức, để giấu bài,…

Ván cờ mạo hiểm của HLV Trần Vân Phát
HLV Trần Vân Phát (thứ 2 từ phải sang) đang đau đầu với những con tính cho đội tuyển nữ Việt Nam, ảnh: Trọng Vũ


Ngược với 2 đội trên, Việt Nam đã đá rất thật, rất nghiêm túc trước đội bóng có trình độ cao hơn hẳn mình là Nhật Bản. Chúng ta phòng ngự rất kiên cường, chịu khó va chạm và chịu khó tranh cướp bóng.

Nhưng không thể nói nhiều về chuyên môn của trận đấu với Nhật Bản vừa rồi, cơ bản là người Nhật cũng không đá hết sức. Các cô gái đến từ xứ sở Phù Tang hầu như không tăng tốc trong suốt trận, nên cũng không thể đánh giá là đoàn quân của HLV Trần Vân Phát thủ tốt hay không tốt.

Nhật Bản cứ đá đủng đỉnh, phối hợp từ tốn, rồi thì họ buộc Việt Nam bộc lộ những điểm yếu về trình độ, chứ họ không đá theo kiểu muốn “làm gỏi” chúng ta.

Dĩ nhiên mỗi HLV có một cách tính. Không thể nói ai tính đúng, ai tính sai khi chưa có kết quả cuối cùng. Thái Lan và Myanmar buông những trận đầu tiên của họ tại giải vì họ có lý do riêng của họ, trong khi HLV Trần Vân Phát vừa đá vừa giúp các cầu thủ điều chỉnh cũng có lý do riêng của ông Phát.

Hy vọng rằng những nước cờ đầu tiên của ông Phát đang đi tại giải là những nước cờ đúng, vì người hâm mộ Việt Nam rất mong một kết quả cuối cùng có hậu nhất.

Đích nhắm vẫn là trận play-off

Cái khác của Việt Nam so với Thái Lan và Myanmar là nửa nhiệm đầu tiên của chúng ta (trận đấu với Jordan) cách nửa nhiệm vụ cuối cùng (trận play-off) đến cả tuần lễ. Trong khi đó, Thái Lan và Myanmar vừa quyết đấu vào ngày 19/5, đến ngày 21/5 sẽ đá trận play-off ngay. Nên họ phải để dành sức cho đến trước những ngày đó.

Lịch thi đấu của Việt Nam về lý thuyết thuận lợi hơn. Sau khi thắng đội yếu nhất giải là Jordan ở vòng bảng, chúng ta được nghỉ đến cả tuần trước trận tranh vé dự VCK World Cup, đồng thời nhìn 2 đối thủ chính là Thái Lan và Myanmar quyết đấu một mất một còn với nhau.

Nhưng đấy cũng là bất lợi, trong khi Thái Lan và Myanmar chỉ cần tính điểm rơi phong độ và điểm rơi thể lực trong vòng 2 ngày, từ 19 – 21/5, thì đội tuyển nữ Việt Nam phải điều chỉnh điểm rơi với khoảng cách xa hơn.

Ở một giải đấu ngắn ngày như VCK giải châu lục mà không thi đấu đỉnh cao 1 tuần có khi cầu thủ sẽ chùn xuống hẳn. Ngồi dự bị quá lâu ở những trận đấu thoạt nhìn là vô nghĩa với chúng ta (gặp Nhật và Australia) có khi làm cho cầu thủ mất nhịp. Ngược lại, nếu trận nào cũng căng ra mà đá lại dễ chấn thương và quá tải, vì cơ bản đối phương mạnh hơn, khỏe hơn.

Đấy cũng chính là lý do mà HLV Trần Vân Phát rất thận trọng, khi cho rằng: “Tùy vào tình hình thực tế của đội, tình hình thể lực của các cầu thủ, tôi sẽ sắp đội hình tối ưu nhất cho trận đấu với Australia”.

Đúng là chỉ có HLV trưởng mới là người hiểu rõ học trò của mình nhất, biết điều gì tốt nhất đối với đoàn quân trong tay mình.

Chọn ai đá, cho ai nghỉ, và đá bao lâu, nghỉ bao lâu là những nước cờ không dễ đối với HLV Trần Vân Phát, bởi chúng ta tính thì đối thủ cũng tính.

Đây cũng là ván cờ làm đau đầu ông Phát chứ chẳng chơi. Chỉ mong rằng những con tính của vị HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam là con tính đúng và cao cơ hơn đối thủ!

Kim Điền