Tiền đạo Nguyễn Anh Đức: “Đại gia” của làng cầu Việt Nam

(Dân trí) - Từ “đại gia” ở đây không chỉ để đề cập đến bản thành tích phong phú của Anh Đức - yếu tố quan trọng nhất đối với một cầu thủ chuyên nghiệp, mà còn là để chỉ đến thành công về mặt tài chính đến từ thu nhập của tiền đạo này cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Tài năng nở muộn

Cùng thế hệ với những Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình, Lê Công Vinh, nhưng Nguyễn Anh Đức nổi tiếng trễ hơn nhiều.

Phạm Văn Quyến (sinh 1984) được phát hiện từ tận năm 2000, ở giải U16 châu Á, đến năm 2002 đã khoác áo đội tuyển quốc gia dự AFF Cup trên đất Indonesia, đá cạnh đàn anh nổi tiếng Lê Huỳnh Đức, khi Quyến mới hơn 18 tuổi.

Phan Thanh Bình (sinh 1986) chói sáng ở SEA Games năm 2003 tại Hà Nội, sau đó còn tiếp tục khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam thêm 3 kỳ SEA Games nữa vào các năm 2005, 2007 và 2009. Phan Thanh Bình cũng có tên trong danh sách đội tuyển Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup 2007, thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam ở giải vô địch châu Á tính cho đến tận bây giờ.

Nổi tiếng muộn hơn, nhưng Anh Đức bền bỉ hơn nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa (ảnh: Huyền Trang)
Nổi tiếng muộn hơn, nhưng Anh Đức bền bỉ hơn nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa (ảnh: Huyền Trang)

Lê Công Vinh (sinh 1985) thì không cần phải bàn nhiều. Sau thời Văn Quyến là thời của Công Vinh. Tiền đạo gốc xứ Nghệ 3 lần giành Quả bóng vàng Việt Nam, vô địch AFF Cup 2008. Vô địch V-League cùng Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội) và B.Bình Dương. Được xem là chân sút số 1 của đội tuyển quốc gia suốt từ năm 2008 đến năm 2016.

Đứng cạnh 3 chân sút nổi danh kể trên, Nguyễn Anh Đức (sinh 1985) vẫn khá thầm lặng. Khi Phan Thanh Bình còn đang là “thần đồng” của bóng đá nội, Anh Đức vẫn bị chê là… “củi”, chỉ thường đóng vai phụ ở CLB B.Bình Dương cho các chân sút gốc ngoại Huỳnh Kesley Alves, hay Philani.

Lúc Công Vinh tung hoành trong sắc áo đội tuyển ở các kỳ AFF Cup, Anh Đức vẫn ít được người hâm mộ biết đến, nếu không thường xuyên theo dõi giải V-League.

“Gừng càng già càng cay”

Nhưng một bộ phận lớn người hâm mộ không biết rằng chính trong khoảng thời gian Công Vinh bắt đầu về khoác áo B.Bình Dương những năm sau này, chính Công Vinh là người đóng vai chân sút nội số 2 ở đội bóng đất Thủ Dầu, bởi nhân vật số 1 trong danh sách các tiền đạo nội là Anh Đức chú không phải Công Vinh.

Ở tuổi 33, Anh Đức vẫn là chân sút nguy hiểm bậc nhất Đông Nam Á (ảnh: Gia Hưng)
Ở tuổi 33, Anh Đức vẫn là chân sút nguy hiểm bậc nhất Đông Nam Á (ảnh: Gia Hưng)

HLV đầy cá tính Lê Thuỵ Hải từng phát biểu điều đó khi nhận xét về Anh Đức và về Công Vinh. Đấy là khoảng thời gian mà Anh Đức càng ngày càng hoàn thiện các kỹ năng của mình, từ chỗ là tiền đạo kém về mặt kỹ thuật, trở thành chân sút có khả năng xử lý bóng tinh tế nhất bóng đá Việt Nam.

Nguyễn Anh Đức toả sáng rất chậm. Mãi đến năm 2010, anh mới có kỳ AFF Cup đầu tiên, trước khi vắng mặt ở giải vô địch Đông Nam Á đến tận AFF Cup 2018. Nhưng như một đoá hoa nở muộn, Anh Đức càng về sau này càng hay.

Khoác áo B.Bình Dương từ năm 2006, Anh Đức đã cùng đội bóng đất Thủ Dầu 4 lần vô địch V-League (2007, 2008, 2014 và 2015), 2 lần đoạt cúp quốc gia (2015, 2018), vào đến bán kết AFC Cup 2009, giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2015, vua phá lưới V-League 2017, chưa kể hàng loạt bàn thắng tại đấu trường danh giá AFF Champions League.

Riêng danh hiệu vua phá lưới V-League là danh hiệu mà Anh Đức hơn đứt mọi cầu thủ cùng trang lứa. Anh Đức mới chỉ là nội binh thứ 3 đoạt danh hiệu cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất V-League (sau Đặng Đạo năm 2001 và Hồ Văn Lợi năm 2002), đồng thời là nội binh đầu tiên sau những 15 năm có được danh hiệu này.

Thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ

Thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ
Thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ

Thành công trên sân cỏ, đi kèm với thành công về mặt tài chính. Hơn chục năm khoác áo đội bóng giàu có B.Bình Dương, Anh Đức hưởng không ít đãi ngộ tốt từ đội bóng đất Thủ Dầu, bao gồm cả những khoản “lót tay” khi tái ký hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Bên ngoài sân cỏ, Anh Đức còn là ông chủ của chuỗi cửa hàng sản xuất và phân phối sản phẩm TDTT có tiếng ở Bình Dương và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, Anh Đức còn có chuỗi các khách sạn mini, spa tại Bình Dương, và là chủ của một nhà hàng tại quê nhà.

Những nguồn thu nhập ngoài bóng đá của vợ chồng tiền đạo Anh Đức được cho là lên đến cả tỷ đồng mỗi tháng, mang đến sự yên tâm cho cầu thủ này khi nghĩ đến chuyện giã từ sự nghiệp.

Nhưng ngày ấy vẫn chưa đến, bởi Anh Đức vẫn đang đá rất hay ở tuổi 33, cái tuổi mà nhiều đồng đội cùng trang lứa đã bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, hoặc đã nghỉ đá bóng.

Anh Đức vẫn đều đặn ghi bàn ở cấp độ đội tuyển quốc gia lẫn CLB, đồng thời vẫn đang hướng đến danh hiệu lớn tiếp theo trong sự nghiệp của riêng anh: Danh hiệu vô địch AFF Cup 2018.

Kim Điền

Tiền đạo Nguyễn Anh Đức: “Đại gia” của làng cầu Việt Nam - 4