Tiền bản quyền truyền hình ở Anh: “Miếng bánh” của riêng Premier League

(Dân trí) - Bóng đá ở xứ sương mù được xưng tụng là “thiên đường” tiền bạc, tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với Premier League. Còn với những giải đấu hạng dưới như Championship, “miếng bánh” béo bở từ tiền bản quyền truyền hình đến với họ chỉ là một góc cực nhỏ.

Cách đây 3 ngày, hãng kiểm toán danh tiếng Deloitte đã cho công bố một báo cáo có thể khiến những người lãnh đạo bóng đá Anh được dịp vênh mặt. Đó là doanh thu của 92 CLB thuộc 4 hạng đấu cao nhất xứ sương mù đã lên tới 3 tỷ bảng, một con số cực kì khủng khiếp.

Tuy nhiên, mọi thứ không phải chỉ toàn là “màu hồng” với bóng đá nước Anh bởi trong 3 tỷ bảng đó, có tới 2,4 tỷ bảng được tạo ra từ 20 đội bóng thuộc Premier League. Nghĩa là, 72 CLB hạng dưới chỉ thu về 600 triệu bảng, bằng 25% những gì các đội “chiếu trên” nhận được.
 

Tiền bản quyền truyền hình ở Anh: “Miếng bánh” của riêng Premier League

Premier League là “thiên đường” tiền bạc, còn các giải hạng dưới chỉ là “vũng lầy” của sự thiếu thốn

Chưa hết, trong báo cáo của Deloitte, còn có một thống kê đáng chú ý khác (nhưng lại bị phần đông dư luận bỏ qua) về khoản nợ của 24 CLB thuộc Championship -(giải hạng nhất Anh). Cụ thể, số nợ này đã lên tới 900 triệu bảng và khoản lỗ của Championship trong mùa giải qua cũng đạt mức kỉ lục: 147 triệu bảng.

Chỉ cách nhau một hạng đấu nhưng rõ ràng, cuộc sống ở Championship và Premier League khác xa nhau “một trời một vực”. Sự chênh lệch về doanh thu, lãi lỗ (để rồi dẫn tới kết quả nợ nần đầm đìa ở Championship) của hai hạng đấu này thật sự là lên tới mức đáng báo động.

Ai cũng biết Premier League đã kiếm được 5,5 tỷ bảng từ việc bán bản quyền truyền hình cho các đối tác trong vòng 3 năm tới. Thế nhưng, mấy ai biết rằng màn trình diễn của các đội bóng ở Championship chỉ được trả 195 triệu bảng từ hãng Sky cũng qua chừng ấy năm?

Ngoài ra, ban tổ chức Premier League cũng rót xuống thêm 240 triệu bảng trong khoản tiền kếch xù 5,5 tỷ bảng trên cho Championship. Có điều, hết 177 triệu bảng trong phần “viện trợ” đó lại được dùng để “cứu giúp” cho các CLB bị xuống hạng từ Premier League.

Nghĩa là, các đội bóng hạng dưới ở nước Anh đang bị đối xử chẳng khác gì “con ghẻ” so với những gì những CLB ở Premier League được nhận. Thậm chí, chỉ cần có “dính dáng” tới Premier League (như việc thăng hạng 1 mùa rồi rớt hạng) cũng có thể thay đổi số phận một CLB.

Tiền bản quyền truyền hình ở Anh: “Miếng bánh” của riêng Premier League

Reading sẽ chơi ở Championship năm tới nhưng cũng nhận về tới 23 triệu bảng, so với Millwall chỉ được lĩnh 3,8 triệu bảng

Đơn cử, Reading bị rớt hạng chỉ sau 1 năm được lên “hít thở” bầu không khí ở Premier League song khi trở lại Championship, họ cũng nghiễm nhiên nhét vào két sắt thêm 23 triệu bảng. Trong khi đó, Millwall - một cái tên đã nhiều năm ngụp lặn ở giải hạng nhất, sẽ chỉ nhận được 1,8 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình từ Sky và thêm 2 triệu bảng tiền “viện trợ” được “ban ơn” từ Premier League.

Như vậy, cùng ở một hạng đấu nhưng Reading có mức thu nhập mùa sau gấp 6 lần Millwall. Ngay từ khi mùa giải 2013-2014 chưa khởi tranh, những kẻ như Reading cũng đã có nhiều tiềm lực gấp bội để nuôi mộng được quay về “thiên đường” Premier League trong nay mai rồi.

Bởi thế, mới có chuyện các chuyên gia ví von trận đấu chung kết play-off cho suất lên hạng Premier League cuối cùng giữa Crystal Palace với Watford hôm 27/5 vừa qua là “trận cầu đắt giá nhất thế giới”. Crystal Palace với sự tỏa sáng của ngôi sao Wilfried Zaha (đã là người của MU kể từ tháng 1/2013) là những người được nở nụ cười chung cuộc và kèm theo tấm vé thăng hạng, họ có thể kiếm về 120 triệu bảng.

Crystal Palace thăng hạng và sẽ đổi đời thực sự nhờ 120 triệu bảng từ “thiên đường” Premier League

Crystal Palace thăng hạng và sẽ đổi đời thực sự nhờ 120 triệu bảng từ “thiên đường” Premier League

“Trận đấu 120 triệu bảng” này cũng được tổ chức tại “thánh đường” Wembley chỉ 2 ngày sau trận chung kết Champions League toàn Đức giữa Bayern Munich - Dortmund. Một cách chua chát, có người đã bình luận rằng trận Crystal Palace - Watford còn đáng xem hơn cả…chung kết Champions League bởi giá trị kinh tế khổng lồ mà nó mang lại.

Nếu gộp chung tiền bản quyền truyền hình của Premier League và Football League (gồm 3 hạng đấu là Championship, League One và League Two), tỷ lệ chia chác sẽ là: 93,27 % cho 20 đội “chiếu trên” và 6,73% còn lại cho 72 đội “chiếu dưới”. Bóng đá nước Anh quả là mảnh đất trong mơ về tiền bạc song tiếc là, “miếng bánh” béo bở đó đã thuộc cả về Premier League, họa may, chỉ có một vài “mảnh vụn nhỏ” là rơi xuống cho các CLB hạng dưới mà thôi!

Nguyễn Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm