1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Trước thềm Đại hội VFF:

Thiếu dân chủ, VFF để lọt ứng viên nhiều tì vết

Sát đến ngày Đại hội VFF nhiệm kỳ 5 song bản danh sách nhân sự đã không được công khai như tuyên bố trước đây của các quan chức VFF mà lại còn được… bịt kín hơn.

Sự bí mật này, không những làm mất đi tính dân chủ của Đại hội mà còn khiến công luận đặt dấu hỏi, khi có những “nhân vật” từng có tì vết song vẫn lọt vào danh sách đề cử cho những vị trí quan trọng.

 

Khi “người nhà” rò rỉ thông tin…

 

Trong một số phiên họp thường vụ và Ban chấp hành VFF gần đây, chính VFF đã đưa ra “lộ trình” bầu chọn Ban chấp hành nhiệm kỳ 5. Theo đó, sau khi VFF giới thiệu, thẩm định và xác định lại sự đồng ý của các ứng viên để có được một bản danh sách tương đối, VFF sẽ công khai bản danh sách này nhằm lấy ý kiến của công luận, người hâm mộ.

 

Những ứng viên đó, nếu trúng cử, sẽ là những người chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam trong vòng 5 năm tới, nên sự công khai trước công luận là một điều hết sức cần thiết.

 

Bản thân sự công khai này là một việc làm đúng đắn, thể hiện rõ tính dân chủ của Đại hội VFF, đại hội của một tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc biệt mà dư luận hết sức quan tâm.

 

Chính sự công khai này cũng là một cách tôn trọng và thể hiện sự công bằng đối với chính các ứng viên, giúp cho họ có thể thoải mái hơn trong việc đưa ra những chương trình hành động.

 

Mặt khác, sự công khai cũng sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc như chuyện vận động hậu trường, thậm chí dùng “tiểu xảo” để “hạ đối thủ” bằng nhiều cách khác nhau.

 

Trong khi dư luận đang thực sự chờ đợi VFF công khai danh sách nhân sự (dù chỉ mang tính tham khảo) đúng như lời nói của mình thì bất ngờ, khi Đại hội chỉ còn đếm từng ngày, một quan chức VFF đã khẳng định như đinh đóng cột: “Sẽ không công khai danh sách nhân sự”.

 

Đây quả là một điều lạ ở một Đại hội mà tính dân chủ và công khai được đặt lên hàng đầu. Tại sao các “cử tri” không có quyền biết ai là ứng viên để có thể cân nhắc kỹ càng trước khi bỏ phiếu?

 

Sự “bí mật” của VFF không những làm giảm tính công khai, dân chủ của Đại hội mà còn làm giảm uy tín của chính các ứng viên, khi thông tin cứ rò rỉ ra ngoài bằng những con đường khác nhau, mà không ở đâu khác ngoài chính những người ở VFF. Đã có những thông tin mà chính người của VFF bắn ra để nhắm mũi dùi vào một ứng viên vốn được coi là “đồng đội”.

 

Thông tin “rò rỉ”

 

3 ứng viên vị trí Chủ tịch: Nguyễn Trọng Hỷ, Dương Nghiệp Chí, Trần Vũ Hải.

 

2 ứng viên vị trí Tổng thư ký: Phan Anh Tú, Trần Quốc Tuấn.

 

2 ứng viên vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn: Lê Thế Thọ, Ngô Tử Hà.

 

2 ứng viên vị trí Phó Chủ tịch truyền thông - đối ngoại: Nguyễn Công Khế, Nguyễn Lân Trung.

Oái oăm ở chỗ, chính cơ quan ngôn luận của VFF cũng “vô tình” rò rỉ thông tin nhân sự khi đưa đầy đủ cả tên tuổi, đề cương hành động của một số ứng viên cho các vị trí chủ chốt theo kiểu ướm hỏi.

 

Sự rò rỉ kiểu này, khiến công luận không thể đặt dấu hỏi: Quyền lợi của các ứng viên có được công bằng? Phải chăng, đã có những lobby hậu trường khiến cho “cuộc đua” trở nên không cân sức?

 

Hậu quả: Lọt ứng viên nhiều tì vết

 

Hậu quả của việc không công khai danh sách ứng viên mang tính tham khảo này trước công luận là VFF đã để lọt cả những ứng viên vốn đã có nhiều tì vết trong hoạt động bóng đá vào danh sách đề cử, thậm chí đề cử ở những vị trí chủ chốt.

 

Những ngày gần đây, người ta nhắc nhiều đến cái tên Lê Hùng Dũng, Trưởng ban tài chính và vận động tài trợ VFF khóa 3, một trong 4 ứng viên nặng ký cho chức danh Phó Chủ tịch tài chính – một vị trí cực kỳ quan trọng của VFF, đảm bảo việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam.

 

Nhưng không hiểu, VFF đã không nhớ hay cố tình quên rằng, ông Lê Hùng Dũng là người đã có không ít những tì vết, vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tài chính ở VFF nhiệm kỳ 3.

 

Năm 2001, khi tiến hành thanh tra tài chính VFF nhiệm kỳ 3, qua đối chiếu chứng từ, sổ sách, đoàn thanh tra của Ủy ban TDTT đã nhận thấy cá nhân ông Lê Hùng Dũng đã mắc nhiều vi phạm như:

 

Số tiền tài trợ 1 tỉ đồng của Pepsi cho đội tuyển chuyển thẳng vào tài khoản của Trung tâm Thương mại và dịch vụ thanh niên tại TPHCM (nơi ông Dũng làm giám đốc), không chuyển vào tài khoản của VFF, đoàn thanh tra không thấy một văn bản nào của VFF duyệt y chủ trương này;

 

Những khoản tiền 420 triệu đồng tài trợ của Omo, 100 triệu của UBND TPHCM, hơn 250 triệu của các tổ chức xã hội và cá nhân được nhận bằng tiền mặt cũng không qua sổ sách kế toán của VFF.

 

Ông Dũng, khi đó giải thích rằng đã xin ý kiến lãnh đạo VFF chi trực tiếp cho đội tuyển song đoàn thanh tra cũng không thấy có một văn bản nào của VFF đồng ý chủ trương này….

 

Việc làm này, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước, thu chi ngoài sổ sách kế toán, vi phạm khoản 4 điều 7 Pháp lệnh kế toán thống kê “nghiêm cấm để ngoài sổ sách kế toán tài sản, vật tư, tiền vốn và kinh phí”; toàn bộ chứng từ chi số tiền trên gửi về VFF quyết toán đều là chứng từ photo, không ghi ngày tháng….

 

Hậu quả là VFF không kiểm soát được khoản tiền 1.771.586.000 đồng mà trách nhiệm thuộc về Trưởng ban tài chính và vận động tài trợ Lê Hùng Dũng.

 

Không chỉ có vậy, tại giải bóng đá U16 châu Á diễn ra tại Đà Nẵng năm 2000, cũng chính ông Dũng là người gây thất thoát và lãng phí số tiền hơn 123 triệu, khiến đoàn thanh tra phải kiến nghị thu hồi số tiền này do thanh toán sai.

 

Những tì vết như vậy, VFF không phải không biết, nhưng vẫn đưa ông Lê Hùng Dũng vào danh sách ứng viên trước Đại hội nhiệm kỳ 5, quả là điều khó hiểu.

 

Không biết, trong bản danh sách nhân sự “bí mật” mà VFF đang giữ theo cái cách “nửa kín nửa hở”, có còn những ai có tì vết, thậm chí liên quan đến “danh sách đen” mà VFF cũng đã từng khẳng định mình đã nắm trong tay?

 

Giữ bí mật danh sách nhân sự song vẫn để lọt vào đó những cá nhân vốn mắc nhiều sai phạm, mong muốn “thay máu” VFF để chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam, xem ra chưa có gì sáng sủa.

 

Theo Hạnh Nguyên - Tiền phong