1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Thị trường chuyển nhượng VN: Cần một tư duy mới

Sau 5 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, khái niệm thị trường chuyển nhượng (TTCN) ở Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc. Nhưng để làm rõ thị trường này hoạt động ra sao, như thế nào thì tất cả vẫn còn lơ mơ.

Thế nên trong BĐVN, ai cũng có thể tham gia vào TTCN, từ người bán, người mua, cầu thủ (chuyện tất yếu), cho tới những tay cò chuyên và không chuyên. Nhưng có điều, người tham gia khá nhiều nhưng số vụ chuyển nhượng thành công thì lại ít.

 

Chỉ tới năm 2005, TTCN mới trở nên tấp nập thực sự và số vụ mua bán có khả năng thành công ngày càng cao. Nhưng đến đây lại nẩy sinh vấn đề mới. Những ngày qua, người ta nói nhiều tới cái giá 1,2 tỷ của Trung Kiên, và nghĩ rằng những cái giá “trên trời” đó đang gây nhiễu loạn, và có thể khiến TTCN sớm đóng băng trở lại. Đã đến lúc phải có một khung giá trần cho cầu thủ Việt Nam, để kích hoạt TTCN?

 

Người viết không tin vào điều đó (dù tiền tỷ đúng là hơi cao so với giá trị của rất nhiều cầu thủ Việt Nam), bởi những mức giá cao ngất không phải là nguy cơ với TTCN, mà nguy cơ nằm ở những điểm khác. Đó là thái độ tiếp cận và cách thức vận hành cũng như những quy định, điều lệ cụ thể trên thị trường lao động đặc thù này.

 

Trước tiên, phải nói ngay rằng cái giá 1,2 hay 2 tỷ và xa hơn có thể là 3-4 tỷ không có tội tình gì với TTCN. Đã gọi là giá thì bản chất là không thể giới hạn, nếu như giá trị thực sự của “hàng hoá” tương xứng với mức giá đó và nó đáp ứng được sự tương thích giữa cung - cầu. Không lẽ một cầu thủ như Trung Kiên đáng giá 1,2 tỷ, vậy một cầu thủ nội nếu có tài năng cỡ Kesley thì cũng chỉ được gọi giá khoảng 1,5 tỷ hay hơn tý chút vì đó là mức trần?

 

Không thể thế được, bởi nếu tài năng của cầu thủ đó xứng đáng với 10 tỷ thì giá của anh ta phải là 10 tỷ hoặc còn hơn thế (tuỳ theo hình ảnh, sức hút và tuổi tác). Nên nhớ bóng đá là lĩnh vực đặc thù, TTCN cũng là thị trường lao động đặc thù. Để đào tạo ra một cầu thủ giỏi nhiều khi có tiền cũng không thể làm được, bởi “đá bóng” là “lao động đặc thù”, đòi hỏi tài năng và sự khổ luyện. Vì tính đặc thù đó mà người ta cũng không thể xác định giá trị theo cách thông thường, lấy thước đó tiền tỷ quá cao so với thu nhập bình quân để nói rằng giá trị chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam không thể lên tới bạc tỷ.

 

Nên nhớ, ngay ở phương Tây, những mức phí chuyển nhượng 50-60 triệu USD cũng là quá cao so với mức thu nhập bình quân, nhưng nó vẫn tồn tại là bởi mức giá đó được coi là tương xứng với tài năng, hình ảnh, tuổi tác, chi phí đào tạo của cầu thủ được mua về. Và điều quan trọng nhất, mức giá đó đáp ứng được yêu cầu của người bán, song cũng thoả lòng người mua.

 

Cung cầu gặp nhau và thương vụ thành công, đó chính là thị trường, chứ không phải sự áp đặt mới tạo nên thị trường. Vả chăng, cái giá 1-2 tỷ đồng liệu có phải quá cao với 1 cầu thủ mà đẳng cấp, tài năng đã được thẩm định (giả dụ như với 1 tuyển thủ quốc gia chẳng hạn). Chắc chắn là không, bởi nên nhớ mức giá đó cũng chỉ trên dưới 100.000 USD, tức là khá “bèo” so với giá chuyển nhượng trên thị trường quốc tế.

 

Giá chuyển nhượng các cầu thủ Malaysia, Thái Lan, Indonesia đạt tới mức này đã từng có tiền lệ, thậm chí Văn Quyến sau SEA Games 22 còn được “hét” giá tới 1 triệu USD (trên 15 tỷ) khi có một CLB nước ngoài dạm mua.

 

Điều đó có nghĩa tiền tỷ với cầu thủ Việt Nam không có gì vô lý (và thậm chí chúng ta còn nên mừng nếu giá trị thực sự của họ lên tới mức như vậy). Vấn đề là chúng ta chưa quen (hay không muốn quen?) với việc chỉ để kiếm người đá bóng mà cũng mất tới bạc tỷ.

 

Vì vậy mà tư tưởng áp đặt mức giá trần cho TTCN cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Làm như thế liệu có đi ngược lại quy luật thị trường? Những học thuyết kinh tế đều thừa nhận thị trường được điều chỉnh bởi 2 yếu tố: Quy luật cung - cầu và sự điều tiết của nhà nước.

 

Người ta vẫn nói “không ai có thể vỗ tay bằng một bàn tay” để chỉ ra tính tất yếu này: Thị trường và vai trò của nhà nước là 2 bộ phận thiết yếu nhất tạo dựng nên một thị trường lành mạnh, phát triển hợp lý. Nhưng vấn đề là vai trò điều tiết ở cấp vĩ mô không phải là việc tạo nên mức giá trần (trong trường hợp của TTCN), mà là tạo nên một môi trường lý tưởng nhất cho TTCN đó vận hành.

 

Đó chính là tư duy mới cần thay đổi trong cách nhìn nhận của người làm bóng đá Việt Nam về TTCN và giá trị cầu thủ của mình.

 

Theo Hà Thanh

Bóng đá