Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn:

"Thể thao Việt Nam vượt trội Đông Nam Á ở SEA Games 31"

An An

(Dân trí) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn, có những đánh giá về thành công và những mặt chưa làm được tại SEA Games 31.

PV: Điều ấn tượng nhất đọng lại của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là gì, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Trước SEA Games 31, không chỉ tôi mà nhiều người cũng nghĩ đây là kỳ SEA Games khó khăn cả về tổ chức, chuyên môn hay sự ủng hộ của người dân. Có người hỏi tôi là dịch thế này, tổ chức có thành công không, người dân có đến xem không, xem như thế nào. Tôi trả lời rằng Chính phủ đã kiểm soát được dịch, đến SEA Games thì người dân có thể vào xem thoải mái.

Đúng như dự đoán, đến SEA Games 31, chúng ta đã mở cửa cho người dân vào xem các VĐV thi đấu. Điều chúng tôi ấn tượng và bất ngờ nhất là được người hâm mộ, nhân dân ủng hộ.

Thể thao Việt Nam vượt trội Đông Nam Á ở SEA Games 31 - 1

Ông Trần Đức Phấn đánh giá cao thành công của thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tất cả các nhà thi đấu, sân vận động đều đầy ắp khán giả. Có những nhà thi đấu chật kín khán giả, bị quá tải. Hôm U23 Lào đá với U23 Singapore, sân phải đóng cửa vì quá đông, không khác những trận ở Mỹ Đình. Khán giả còn chen lấn xô đẩy nhau, không vào được sân. Đó còn là trận không phải của U23 Việt Nam thi đấu.

Đó là hình ảnh ấn tượng và bất ngờ với tôi. Tôi đã chỉ đạo ban tổ chức các địa điểm thi đấu phải tạo điều kiện cho người dân vào xem trực tiếp, nếu khán đài hết chỗ thì để khán giả ngồi bậc thềm, miễn là được vào xem. Tôi đã khuyến khích địa phương không tổ chức bán vé để khuyến khích người dân đến xem. 

Người hâm mộ đến xem, ủng hộ VĐV rất nhiều. Có những nội dung tôi chứng kiến bố mẹ, anh chị em các VĐV đến xem. Hầu hết các VĐV có gia đình, người thân đến tận nơi ủng hộ. Thể thao đã đi vào cuộc sống và sinh hoạt của người dân Việt Nam. Sự ủng hộ của đông đảo khán giả là điều tôi ấn tượng nhất. Nhận thức của người dân về thể thao đã thay đổi rất nhiều. 

Chúng ta bỏ xa Thái Lan với số HCV nhiều hơn gấp đôi. Ông đánh giá thế nào về thành tích này của chủ nhà Việt Nam?

- Trước SEA Games 31, chúng tôi nhiều lần thông tin cho báo chí về công tác chuyên môn của đại hội. Hiện nay, chúng ta tổ chức 523 nội dung thi đấu. Về tương quan lực lượng các quốc gia, tôi đánh giá sẽ có cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, cộng với Malaysia, Philippines, Singapore ở một số nước.

Tuy nhiên, chúng ta giành 205 HCV, cho thấy sự vượt trội so với quốc gia thứ hai. Các nước khác như Indonesia, Malaysia, Singapore còn thấp hơn. Đoàn Thể thao Việt Nam hơn đội xếp sau hơn 100 HCV. Điều này là bất ngờ. 

Thể thao Việt Nam vượt trội Đông Nam Á ở SEA Games 31 - 2

Tấm HCV bóng đá nam giúp Thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 31 đầy trọn vẹn (Ảnh: Tiến Tuấn)

Khi bộ phận chuyên môn rà soát nội dung thi đấu, nhất là các môn Olympic và Asiad, chúng tôi đã so sánh đối chiếu với các VĐV nước khác. Chúng ta đã dự kiến 145-185 HCV. Tôi yêu cầu các bộ phận phải rà soát rất kỹ lưỡng. Tôi yêu cầu là 140 HCV trở lên, bởi xác suất trong thực tiễn, chúng ta chỉ cần đạt chỉ tiêu này là xếp nhất hoặc xếp nhì.

Tuy nhiên, có những VĐV ở những nội dung trước đây ít cạnh tranh. Tại SEA Games 30 ở Philippines, có những môn như boxing, rowing, vovinam chỉ tổ chức một số nội dung. Lần này, các VĐV đều được thể hiện.

Tôi đã giao cho ban chuyên môn rà soát kỹ các môn, để xem VĐV cạnh tranh huy chương có đúng như chúng tôi rà soát không. Ở các môn Olympic, tỷ lệ rà soát, dự đoán đúng là 80%. Đơn cử như ở môn điền kinh, chúng tôi đặt mục tiêu phải đứng số một. Nhưng trong quá trình VĐV tập luyện trước giải, rồi Thái Lan nhập tịch VĐV, tôi lo lắng không biết liệu có đạt 14-16 HCV không. Dù vậy, có nhiều VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình, đạt thứ hạng cao. 

Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công, nhưng với các môn Olympic và Asiad thì sao, thưa ông?

- Các VĐV Olympic về cơ bản thi đấu tốt, tất nhiên có những môn chưa tốt. Đơn cử như môn mà chúng tôi hướng đến trong chiến lược tương lai là bắn cung, nhưng lại không có huy chương nào. Tôi đã yêu cầu lãnh đạo môn tập trung thảo luận, tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho bắn cung để hướng tới Olympic.

Thể thao Việt Nam kỳ vọng huy chương vàng bắn cung ở SEA Games, nhưng sau cùng lại không đạt được. Phải tìm nguyên nhân, nếu không thì không có giải pháp. Ở môn bắn cung, chúng ta sẽ phải chờ 2, 3 kỳ Olympic mới có hy vọng.

Ở môn Judo, từ trước đến nay chúng ta đánh giá VĐV và dự đoán huy chương tương đối sát. Lần này, chúng ta đạt 9 HCV, khi có bất ngờ phải tìm hiểu nguyên nhân. 

Tôi có trao đổi với trưởng đoàn thể thao các nước, họ thừa nhận do đại dịch Covid-19 nên VĐV chuẩn bị bị ngắt quãng. Tuy nhiên, chúng ta không bị ngắt quãng như thế. Các VĐV đã tập luyện suốt 2 năm qua, chỉ có không được thi đấu ở nước ngoài.

Ngoài ra, tinh thần, ý chí và nghị lực của VĐV ở SEA Games là rất ấn tượng. Họ đều đặt kỳ vọng trước giải đấu và quyết tâm thi đấu hết mình. Có những VĐV mới lần đầu dự SEA Games, được thi đấu trước khán giả, được gia đình động viên, họ đã có động lực thành tích rất tốt. 

Sau SEA Games 31, các VĐV trọng điểm sẽ được đầu tư như nào cho Asiad và Olympic?

- Như chúng ta đều biết, Malaysia đầu tư rất lớn cả về tiền bạc và nguồn lực cho các VĐV ở môn nhảy cầu. Chưa đấu SEA Games, chúng ta đã biết họ sẽ lấy huy chương nhảy cầu. Họ đạt trình độ Olympic, chứ không phải trình độ Đông Nam Á. Malaysia đã lấy trọn bộ 8 HCV. 

Chúng ta sẽ đầu tư cho một số nội dung cho một số môn Olympic để lấy huy chương Olympic, trong đó có bắn cung. Đầu tư cho thể thao đỉnh cao thế giới rồi liên thông cho Asiad. Tất nhiên, những VĐV ấy sẽ phải lấy HCV SEA Games.

Đơn cử với bơi lội, chúng tôi đặt mục tiêu phải đuổi kịp Singapore. Chúng ta từng đặt mục tiêu bắt kịp Thái Lan ở môn điền kinh và thực tế đã làm được sau 10 năm phấn đấu. Thể thao Việt Nam cần đầu tư mục tiêu 100m cho điền kinh, khi chưa mạnh ở cự ly ngắn. Các VĐV chạy ngắn cần được đầu tư nhiều hơn, bên cạnh chạy trung bình và chạy dài. Chúng ta có thể lấy được huy chương ở các nội dung này ở sân chơi lớn hơn. 

Chúng ta có chiến lược đầu tư Olympic, lựa chọn các VĐV trọng điểm xuất sắc. Tuy nhiên, đến khi nào có HCV là khó định lượng. Tuy nhiên, trong 20 năm, thể thao Việt Nam rất khó có HCV Olympic. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Đến ASIAD đã khó lấy HCV bơi, điền kinh, Olympic còn khó nữa.

Các VĐV thế giới rất mạnh, họ được đầu tư mạnh. Chúng ta đầu tư cho Huy Hoàng thì cũng chỉ đến Asiad. Hoàng giành HCV Olympic trẻ, nhưng Olympic đỉnh cao là chuyện khác.

Mục tiêu ở ASIAD, chúng ta phải đầu tư cho một số môn thể thao. Chúng ta có thể giành 10 HCV Asiad nếu đầu tư tốt và có điều kiện, nhưng nhà nước chỉ dành cho ngành thể thao nguồn lực như vậy. Chúng ta cần tập trung nguồn lực cho Asiad và đầu tư xã hội hóa ở cấp độ địa phương cho SEA Games.

Tuy nhiên, do chọn lọc nguồn lực chưa tốt nên chưa đạt được mục tiêu. Cần khoanh vùng kỹ lưỡng mới có thể đầu tư đúng đắn.

Xin cảm ơn ông!