Thể thao Việt Nam tìm lối đi trong năm 2015

(Dân trí) - Năm 2015, thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ tham dự mặt trận chính là SEA Games 28 diễn ra tại Singapore. Đây chính là giải đấu bước đệm để chúng ta hướng tới sân chơi lớn hơn nhiều trong năm 2016 là Olympic.

Để có cái nhìn rõ nhất về TTVN trong năm 2015, có lẽ chúng ta cần phải lấy Asiad 2014 làm thước đo. Đây là sân chơi tầm cỡ số 1 châu lục, phản ảnh đúng thực lực, sự chuẩn bị của thể thao nước nhà.

TTVN giành tổng cộng 36 huy chương, trong đó có 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ. Với TTVN nếu nhìn vào mặt thành tích thì đây chưa hẳn là một kỳ Đại hội thất bại bởi chúng ta đã ghi được dấu ấn ở những môn Olympic. Nói như các lãnh đạo đoàn TTVN, các tấm HCB, HCĐ ở bơi lội, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, boxing… cũng quý chẳng khác nào vàng.

Ánh Viên vẫn là niềm hy vọng của TTVN ở SEA Games 28

Ánh Viên vẫn là niềm hy vọng của TTVN ở SEA Games 28

Và nếu mang những tấm huy chương này để so với kỳ Asiad 4 năm trước, rõ ràng các môn cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu Olympic của Việt Nam đã có sự đi lên nhất định. Nên nhớ, trong lịch sử tham dự Asiad, hầu hết các môn trên đều chưa thể giành huy chương, chủ yếu tranh tài tại sân chơi châu lục theo kiểu học hỏi, cọ xát là chính.

Tuy nhiên, rõ ràng việc sau 2 kỳ Asiad chúng ta đều không hoàn thành mục tiêu, thì cũng đáng phải suy ngẫm. Ngay cả thành công, thất bại tại Asiad năm nay, cũng đang tạo nên những tranh cãi của giới thể thao nước nhà.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, cho rằng TTVN đã tập trung nhiều hơn đến sự vươn lên mạnh mẽ ở bề rộng. Theo ông Minh, khác biệt lớn nhất của đoàn TTVN tại Asiad 17 chính là sự vươn lên mạnh mẽ của các môn thi đấu trong hệ thống Olympic.

“Tổng số huy chương của các môn võ chỉ chiếm 1/3 toàn đoàn, 2/3 còn lại thuộc về các môn trong hệ thống Olympic. Những tấm huy chương của bơi lội, điền kinh, boxing, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, cử tạ đều mang tính lịch sử. Điều đó cho thấy thể thao Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ xu hướng chạy theo thành tích trước mắt, cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á sang xu hướng đầu tư lâu dài theo các môn trong hệ thống Olympic để hướng đến sân chơi tầm châu lục và thế giới”, ông Minh phân tích.

Tuy nhiên, với phần lớn các chuyên gia còn lại, TTVN không thể mang những thành tích vừa đạt được ở những môn trên, để che đi sự tụt hậu ở sân chơi châu lục.

Điều đáng nói, trong khi Việt Nam chỉ giành được duy nhất 1 tấm HCV ở môn chấm điểm cảm tính như wushu, thì các nước trong khu vực đều có HCV ở môn cơ bản Olympic. Thái Lan có HCV xe đạp, taekwondo, quần vợt; Singapore thành công ở bowling, bơi lội, thuyền buồm; Malaysia có HCV karatedo; Indonesia HCV điền kinh, cầu lông…

Và nếu so sánh về giá trị của những tấm HCV, đoàn TTVN thậm chí còn kém cả Campuchia bởi quốc gia này giành HCV duy nhất ở môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic là taekwondo, trong khi VN giành HCV môn wushu.

TTVN cần có được một lối đi đúng đắn

TTVN cần có được một lối đi đúng đắn

Như vậy, từ thành công và thất bại tại Asiad 17, TTVN cần tìm cho mình một lối đi thực sự đúng hướng. Trong năm qua, rất nhiều những gương mặt trẻ của đoàn TTVN đã thi đấu thành công, để lại dấu ấn lớn. Chúng ta có thể kể đến Ánh Viên của môn bơi, Thạch Kim Tuấn của cử tạ, Quách Thị Lan và Bùi Thị Thu Thảo ở điền kinh… Đây đều là những tài năng trẻ đã được đầu tư đặc biệt trong thời gian qua và ít nhiều cho thấy kết quả rất khả quan.

Có thể khẳng định TTVN không thiếu tiềm năng nhưng đặt ra bài toán khó đối với các nhà làm thể thao là phải làm sao thực hiện thật tốt khâu tuyển chọn, luyện tập - giáo dục và đầu tư tập huấn chu đáo để họ có đủ khả năng vươn lên đỉnh cao.

Tất cả các quốc gia đều bắt đầu việc tìm kiếm tài năng thể thao từ hệ thống các trường học và các CLB. Cứ nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, họ có một lực lượng trẻ hùng hậu và luôn sẵn sàng thay thế đàn anh, đàn chị. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, không thể cứ trông chờ mãi vào những VĐV lớn tuổi.

Để có một đội ngũ VĐV tốt, đầu tiên phải đẩy mạnh thể thao học đường, các tỉnh thành đều tham gia vào quá trình tuyển chọn và huấn luyện, nhất là cần phải bỏ kinh phí. Nên nhớ để có được thành tích của Anh Viên, của Quách Thị Lan thì chúng ta mỗi năm phải bỏ hàng chục tỷ đồng tiền tập huấn.

Năm 2015 với trọng tâm là SEA Games, nhưng TTVN tiếp tục đầu tư theo kiểu dàn trải thì chẳng thu được gì ngoài những tấm huy chương và vị trí trong tốp đầu. Cái đích của TTVN phải là Asiad và Olympic.

Hà Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm